Tính toán thời điểm tăng lương cơ sở phù hợp

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, kế hoạch tăng lương nhiều lần bị trì hoãn để ưu tiên nguồn lực chống dịch, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, chuyên gia lao động-việc làm đề xuất sớm tăng lương cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, nhân viên ngành y cần nhiều chế độ đãi ngộ. Ảnh: HẢI NAM
Cán bộ, nhân viên ngành y cần nhiều chế độ đãi ngộ. Ảnh: HẢI NAM

Gần 40.000 viên chức nghỉ việc và những băn khoăn

Bà Hoàng Thị Lan, một người dân sống ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) phản ánh, gần đây gia đình bà phải thắt chặt chi tiêu để thích nghi với “bão giá”. Nếu như trước đây, cả gia đình có thể ăn sáng ở bên ngoài thì bây giờ bà cố gắng dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho cả nhà để tiết kiệm chi phí.

“Trước đây một bát phở trung bình giá 30.000 đồng thì nay tăng lên 40.000 đồng, giá các mặt hàng thiết yếu đều tăng dù xăng, dầu đã hạ, đến cốc trà đá cũng tăng giá từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng, gửi xe tăng từ 5.000 đồng lên 8.000 - 10.000 đồng…, trong khi lương thì vài năm nay chưa tăng”, bà Lan nói với phóng viên.

Ông Phan Văn Mạnh, một người dân khác nêu quan điểm, lộ trình tăng lương cơ sở đã bị hoãn lại vài lần để ưu tiên nguồn lực cho chống dịch, bây giờ là thời điểm phù hợp để khởi động lại việc tăng lương nhằm hỗ trợ người dân đối phó lạm phát.

“Trên diễn đàn Quốc hội vừa qua, ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã đề xuất tuyên bố kết thúc đại dịch Covid-19, chín tháng đầu năm 2022 ngân sách nhà nước bội thu 241 nghìn tỷ đồng, vì sao không tăng lương ngay cho người lao động mà phải chờ đến 1/7/2023?”, ông Mạnh đặt câu hỏi.

Tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV đang diễn ra (dự kiến từ ngày 20/10 đến hết ngày 15/11/2022), Chính phủ có báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, trong đó có đề xuất tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ mức 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng, áp dụng từ 1/7/2023. Đây là mức đề xuất tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay.

Bình luận về điều này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, từ năm 2019 lương tối thiểu vùng áp dụng trong khu vực doanh nghiệp đã tăng ba lần (năm 2019 tăng lên 5,3% so năm 2018; năm 2020 tăng lên 5,5% so năm 2019; từ ngày 1/7/2022 đến ngày 31/12/2023 tăng thêm 6%), trong khi lương cơ sở áp dụng cho khu vực Nhà nước vẫn giữ nguyên. Lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ ngày 1/7/2019, tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên 1.490.000 đồng.

“Từ lần điều chỉnh lương cơ sở gần đây nhất đến nay, trượt giá cũng đã tăng khá cao nên tiền lương thực tế của công chức, viên chức bị giảm sút. Việc tăng lương cơ sở là phù hợp nguyện vọng của đa số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay,” ông Quảng nói.

Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội sáng 22/10, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhận định, đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng sẽ tạo được động lực mới và giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc thời gian qua.

Dẫn số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hơn hai năm qua (từ năm 2020 đến giữa năm 2022) đã có hơn 39.500 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư, trong đó nguyên nhân chính là chế độ tiền lương chưa đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Lý giải điều này, bà Trà nói rằng, theo tinh thần của Nghị quyết 27 từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi lại. Ba năm qua (2019-2021) do ảnh hưởng của đại dịch nên cũng chưa thực hiện được tăng lương cơ sở.

Bởi vậy, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng là rất hợp lý; mức điều chỉnh khoảng 20,8% đang tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương trong bối cảnh thực tiễn.

“Nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển kinh tế-xã hội tốt và năm 2024 nếu tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như năm 2020-2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương”, Bộ trưởng cho hay.

Tính toán thời điểm tăng lương cơ sở phù hợp ảnh 1

Cuộc sống của người lao động gặp nhiều khó khăn khi giá cả hàng hóa tăng cao. Ảnh: NGUYỆT ANH

Tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh), nếu đã quyết định tăng lương thì nên áp dụng càng sớm càng tốt, thời điểm có thể từ 1/1/2023; mặc dù biết tăng lương có thể giá cả còn tăng nhiều hơn nhưng vẫn cần phải thực hiện. “Do Covid-19, đến thời điểm này mới triển khai tăng lương là quá chậm”, bà Lan nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cho rằng, phương án tăng mức lương cơ sở cho công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng trong bối cảnh kinh tế hiện nay là chấp nhận được. Về thời gian áp dụng, vị đại biểu mong muốn được áp dụng sớm hơn, bởi từ nay đến 1/7/2023 còn rất lâu, trượt giá sẽ tiếp tục tăng cao.

“Trong khi chúng ta mới chỉ có chủ trương tăng lương cơ sở thì bước ra chợ, giá đã tăng lên rất nhiều. Theo tôi nên điều chỉnh mốc áp dụng từ ngày 1/1/2023 sẽ hợp lý hơn. Đồng thời, cũng nên tăng lương theo lộ trình phù hợp, không để những gián đoạn, dẫn đến chậm như thời gian qua”, đại biểu Minh kiến nghị.

Trước một số băn khoăn rằng, nếu tăng lương đồng loạt có thể gây ra gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong bối cảnh cần nhiều nguồn lực để phục hồi kinh tế-xã hội, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, khi Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở, có lẽ đã thu xếp được nguồn ngân sách để triển khai.

Tuy nhiên, bà Lan cũng gợi ý rằng, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, có thể cân nhắc phương án lựa chọn đối tượng, nhóm người yếu thế để tăng lương trước, như vậy cần sự san sẻ của một số người có hệ số lương cao chưa thật sự có nhu cầu cấp bách về tăng lương.

Đem câu chuyện này trao đổi với một chuyên gia thị trường, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nói rằng, vừa qua các báo đều đưa tin ngân sách tăng thu so với các năm trước, chín tháng đầu năm nay bội thu đến 241 nghìn tỷ đồng, như vậy có đủ nguồn lực để thực hiện tăng lương.

Vị chuyên gia cũng đồng thuận đề xuất tăng lương từ 1/1/2023 với lý do lạm phát đang tăng cao, cuộc sống người dân đã khó khăn vì hơn hai năm đại dịch nay lại thêm eo hẹp vì “bão giá”. “Ngân sách nếu khó khăn thì càng khó khăn càng phải bảo đảm mức sống cho đội ngũ lao động, là những người quyết định đến năng suất lao động, năng suất lao động tăng thì ngân sách mới tăng được thu”, ông Phú nêu quan điểm.

Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ dành hai ngày 27, 28/10 để thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022…, trong đó có nội dung thảo luận về Tờ trình của Chính phủ về phương án tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng cho cán bộ, công chức, viên chức.

Dự kiến, phương án tăng lương cũng sẽ được chốt vào chiều 10/11/2023 khi Quốc hội ấn nút thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Cân nhắc cơ chế đặc thù cho ngành y tế và giáo dục

Theo Bộ Nội vụ, trong số 39.552 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư 2,5 năm qua có hơn 4.000 người là công chức, 35.523 người còn lại là viên chức, trong đó chủ yếu rơi vào ngành giáo dục và y tế. Cụ thể, số người xin thôi việc trong lĩnh vực giáo dục là 16.427 người; trong lĩnh vực y tế là 12.198 người.

Từ thực tế trên, phần lớn các ý kiến đồng thuận rằng, cần có chế độ đãi ngộ đặc thù đối với hai ngành này để tránh sự mất cân bằng nguồn lực giữa khu vực công và khu vực tư, gây bất bình đẳng đối với đối tượng thụ hưởng là người dân nghèo.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ những nguyên nhân khiến cán bộ y tế, giáo dục nghỉ việc nhiều để có phương án giải quyết.

Trước mắt, theo Tờ trình kế hoạch tăng lương của Chính phủ, từ ngày 1/1/2023 sẽ áp dụng điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25 ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.