Trả lại cho thị trường quyết định
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Thị trường trong nước - đại diện tổ soạn thảo (Bộ Công thương) cho biết, ý kiến cá nhân của ông là phải sửa Nghị định 83 và Nghị định 95 theo hướng “thị trường hơn nữa”, “tôn trọng các quy luật khách quan của kinh tế thị trường”, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, quy luật giá cả.
“Hướng sửa như vậy sẽ bớt được khó khăn của các cơ quan quản lý nhà nước mà chúng ta đang phải chạy theo. Nguồn lực của các cơ quan quản lý nhà nước không thể chạy theo được thị trường, không chạy theo những diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường”, ông Trần Duy Đông nói thẳng.
Đồng tình ý kiến của TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng nói “thị trường nhanh hơn chúng ta nhiều”, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh hướng sửa căn cơ nên đi theo xu hướng này.
Về phương thức điều hành giá, ông Đông cho biết, trong Ban soạn thảo có ba quan điểm.
Quan điểm thứ nhất là giữ nguyên như hiện nay, tức Nhà nước định giá trần xăng, dầu. Phương án này cũng có ưu, có nhược. Hiện còn 20 nước trên thế giới vẫn có giá trần đối với lĩnh vực xăng, dầu.
Quan điểm thứ hai, theo ông Đông, nhận được đa số ý kiến ủng hộ, là trả việc định giá xăng, dầu cho thị trường nhiều hơn, tức là trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn. Một số chi phí của doanh nghiệp trả về cho doanh nghiệp quyết, Nhà nước sẽ định hướng hay tham chiếu một giá nào đó và chúng ta vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Nhưng quỹ sẽ không sử dụng liên tục và không sử dụng như hiện nay. Nếu sử dụng quỹ sẽ rất công khai minh bạch, máy móc sẽ tính toán lúc nào dùng quỹ chứ không phải con người tính theo nguyên tắc quỹ dùng để can thiệp trong ngắn hạn, là vùng đệm cho giá xăng, dầu. Còn các yếu tố như chi phí của doanh nghiệp, thuế bình quân gia quyền… trả về cho doanh nghiệp.
Quan điểm thứ ba là trả về hoàn toàn cho thị trường và bỏ quỹ, bỏ can thiệp trong ngắn hạn.
Ông Đông cho biết, Ban soạn thảo đang bàn rất kỹ, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động để báo cáo cấp có thẩm quyền, hướng đến thể chế quản lý xăng, dầu khoa học, tốt nhất trong bối cảnh hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đặt câu hỏi: Chúng ta có muốn xây dựng một thị trường xăng, dầu thật sự hay không? Bởi lẽ, ông Ánh khẳng định: Chúng ta chưa có thị trường thật sự trong lĩnh vực xăng, dầu, nên phải dùng từ kinh doanh xăng, dầu chứ không phải thị trường xăng, dầu.
Tán thành xăng, dầu là ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng ông Vũ Đình Ánh kiến nghị, nên rà lại hàng loạt quy định về điều kiện kinh doanh, làm sao tạo cho doanh nghiệp quyền tiếp cận thị trường, gia nhập, kinh doanh trên thị trường.
“Khi tước giấy phép của một số doanh nghiệp đầu mối, lập tức ảnh hưởng đến hàng loạt hệ thống phân phối phía sau. Như vậy, chúng ta phải xem xét thêm quyền ra khỏi thị trường. Bởi hiện nay, các thương nhân bán lẻ muốn tạm dừng kinh doanh phải có đủ điều kiện khách quan mới được đồng ý”, chuyên gia Vũ Đình Ánh đặt vấn đề.
Hướng về phía các doanh nghiệp bán lẻ đang thua lỗ, ông Ánh cho rằng: Khi có được quyền rút khỏi thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ không phải bán nhà, bán đất nữa. Cho nên phải quy định rõ quyền rút khỏi thị trường cũng như quyền gia nhập thị trường.
“Cho đến nay tôi khẳng định chúng ta chưa có thị trường xăng, dầu”, ông Ánh nhấn mạnh. Nhà nước xác định giá cơ sở và giá cơ sở được sử dụng như một quyết định về giá bán lẻ. Từ giá bán lẻ đó, doanh nghiệp đầu mối nắm quyền quyết định, cho doanh nghiệp bán lẻ chiết khấu bao nhiêu là quyền của ông đầu mối. Điều này mang tính độc quyền nhóm. Tôi chưa kể sự độc quyền đó chưa phù hợp Luật Cạnh tranh.
“Chúng ta phải tạo dần các điều kiện để có một thị trường xăng, dầu thật sự, tăng tính cạnh tranh, tăng tính độc lập của thương nhân phân phối, giảm sự phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu mối”, ông Ánh kiến nghị.
Chưa điều hành được giá xăng, dầu theo nguyên tắc thị trường
PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng: Nhiều quy định đã làm cho khái niệm kinh doanh tự do trong lĩnh vực xăng, dầu bị thu hẹp, trong khi phải mở ra cạnh tranh mới hiệu quả. Nếu siết lại như việc áp dụng giá trần thì sẽ làm vỡ thị trường. Bởi vậy, những quy định làm hạn chế thị trường phải được bỏ.
“Tôi ủng hộ giá sẽ cho doanh nghiệp quyết định, trước mắt có thể có giai đoạn quá độ nào đó”, ông Thiên nói. Theo ông Thiên, Chính phủ có thể can thiệp vào giá xăng, dầu khi có biến động mạnh thông qua công cụ thuế. Việc giảm thuế có thể giúp giảm giá và là biện pháp can thiệp ngắn hạn. Nếu có các cú sốc lớn thì có thể dùng dự trữ xăng, dầu để ổn định thị trường. Đó là cách can thiệp giá và nguồn cung. Cùng với đó, cần bảo đảm điều kiện cạnh tranh trên thị trường, như điều kiện gia nhập và rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp.
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại dầu khí Đồng Nai bày tỏ mong muốn: Luật phải thị trường hóa xăng, dầu, tăng tính cạnh tranh, giảm bớt sự điều hành của nhà nước. Đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ phải hài hòa lợi ích. Ngoài ra cần sửa các quy định bất cập như các loại “giấy phép con” trong kinh doanh xăng, dầu.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính chia sẻ: Từ Nghị định 55 vào năm 2007 đến hiện nay đều thực hiện theo nguyên tắc điều hành giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường. Qua 16 năm, nguyên tắc này vẫn chưa thực hiện được. Hiện nay điều hành của nhà nước vẫn đang át thị trường.
Về thẩm quyền quyết định giá xăng, dầu, quan điểm của ông Thỏa là giao quyền định giá cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp quyết định giá thì doanh nghiệp tự tính toán cả chi phí định mức, chi phí vận tải hàng từ nước ngoài về. Doanh nghiệp cũng sẽ cạnh tranh với nhau, còn cách thức để doanh nghiệp quyết định giá bán lẻ thế nào thì cùng ngồi lại tính toán.
“Nhiều người nói giao quyền cho doanh nghiệp định giá tức là Nhà nước buông, thả nổi giá xăng, dầu. Điều này không đúng. Để quản lý gián tiếp theo cơ chế thị trường đối với doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện này, Nhà nước ban hành các quy chế tính giá, cơ chế tính giá, giá đó doanh nghiệp được tính những chi phí nào, không được tính những chi phí nào và ban hành quy chế kiểm soát chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Cuối cùng là Nhà nước thực hiện hậu kiểm”, ông Thỏa kiến nghị và cho rằng Nhà nước chỉ can thiệp khi có bất ổn bằng quỹ bình ổn giá.