Tìm câu chuyện đầu tư cho năm mới

Năm 2022 là một năm ảm đạm của thị trường chứng khoán khi chỉ số VN-Index mất tới 34% và hầu hết nhà đầu tư cổ phiếu đã thua lỗ nặng nề. Tuy vậy, không phải không có “trợ lực” cho nhà đầu tư khi muốn tìm kiếm câu chuyện đầu tư năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Đã có nhiều dự báo khả quan cho thị trường chứng khoán năm 2023. Ảnh: NAM ANH
Đã có nhiều dự báo khả quan cho thị trường chứng khoán năm 2023. Ảnh: NAM ANH

“Chứng trường” một năm nhìn lại

Chỉ còn phiên giao dịch hôm nay (19/1) là thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tạm ngừng giao dịch để bước vào kỳ nghỉ Tết. Chia sẻ ý kiến với báo Thời Nay, nhà đầu tư Nguyễn Hưng cho biết: “Năm ngoái thời điểm này còn băn khoăn “trồng cây gì, nuôi con gì” để ra Tết chốt lời, năm nay thì dửng dưng vì đã đóng danh mục từ lâu, mặc kệ thị trường mấy hôm nay có nhiều dấu hiệu khởi sắc”.

Nhìn lại quá trình đầu tư trong năm 2022, anh Hưng ngậm ngùi, dự định đổi nhà đã phải trì hoãn, kế hoạch mở rộng công ty cũng phải lùi lại do bị thua lỗ và “chôn vốn” vào cổ phiếu. “Đó là bài học sâu sắc cho tôi và những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Không ai biết bơi mà không từng bị sặc nước. Quan trọng là rút kinh nghiệm để sẵn sàng bước tiếp”, nhà đầu tư này nêu quan điểm.

Anh Hưng là một trong số hàng triệu nhà đầu tư đã nếm trải thất bại trên thị trường chứng khoán Việt Nam, theo một thống kê thì con số nhà đầu tư thua lỗ năm 2022 là hơn 90%. Điều này dường như không có gì mâu thuẫn với bối cảnh chung khi mà chỉ trong một năm, chỉ số chứng khoán đã mất tới một phần ba giá trị.

Cụ thể, sau năm 2021 thăng hoa, VN Index đã đạt đỉnh cao 1.536 điểm vào đầu năm 2022 rồi “bốc hơi” tới 663 điểm khi chỉ còn hơn 873 điểm vào ngày 16/11 (tương đương 43%) trước khi dừng ở mốc 1.007,09 điểm vào ngày 30/12 (tương đương giảm 34% so với đầu năm).

Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 (ngày 30/12) cũng ghi nhận thanh khoản thị trường trong năm sụt giảm về cả khối lượng giao dịch bình quân (đạt 653,96 triệu cổ phiếu/phiên) và giá trị giao dịch bình quân (đạt 17.004 tỷ đồng/phiên); giảm lần lượt 11,3% và 21,24% so với bình quân phiên năm 2021.

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân thua lỗ mà ngay cả những quỹ đầu tư (vốn có trong tay cả công cụ lẫn kinh nghiệm) cũng không tránh khỏi cơn lốc giảm điểm của thị trường. Một thống kê vào ngày 27/12 cho thấy, hàng loạt quỹ đầu tư (trong đó có cả quỹ nước ngoài quy mô lớn) đã ghi nhận tình trạng âm tỷ suất lợi nhuận.

So với mức giảm chung của VN Index ghi nhận ngày 27/12 là âm 32,9%, JPMorgan Vietnam Opportunities Fund là quỹ bị âm tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong năm, lên tới 38%. Tiếp đến là quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ ngoại lớn nhất thị trường do Dragon Capital quản lý, có tỷ suất lợi nhuận âm 34,6%. Đây là hai quỹ có mức giảm tỷ suất lợi nhuận cao hơn VN Index và kết quả của VEIL là tồi tệ nhất của quỹ này trong nhiều năm trở lại đây.

Tuy chiến thắng VN Index nhưng quỹ Pyn Elite Fund cũng âm tỷ suất lợi nhuận tới 28,9%; VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) âm 20,83%; Vietnam Holding âm 32,3%; LionGlobal Vietnam Fund âm 31,6%; KIM Vietnam Growth Fund âm 29,92%…

“Rẽ mây, thấy Mặt trời”

“Rẽ mây, thấy Mặt trời” là tiêu đề Báo cáo triển vọng đầu tư năm 2023 do Công ty Chứng khoán DSC vừa công bố. Trong khi đồng thuận với nhận định của hầu hết các tổ chức lớn trên thế giới rằng nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023 vẫn sẽ mang nhiều mầu sắc ảm đạm do khó khăn, đe dọa suy thoái; nhưng cũng là thời điểm cho các cơ hội đầu tư của một chu kỳ mới.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc vùng, DSC miền nam nhận định: “Năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn nhưng khả năng thị trường tài chính sẽ bớt khó khăn hơn so với năm 2022 và là cơ hội để tích lũy tài sản cho một chu kỳ mới.”

Theo dự phóng 2023 của DSC, trong kịch bản cơ sở VN Index cuối năm 2023 sẽ đạt 1.100 điểm (tăng 9% so với 2022), còn kịch bản xấu là 850 điểm (giảm 16%) và kịch bản tốt là 1.300 điểm (tăng 29%).

Đến thời điểm này, giới phân tích cho rằng đã nhìn thấy nhiều “trụ đỡ” của thị trường cho năm 2023. Trụ đỡ đầu tiên là định giá của thị trường hiện nay đang ở mức quá rẻ. Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, mặc dù chỉ số có nhiều phiên hồi phục nhưng vào ngày 13/1 định giá thị trường ở mức 10 lần, là mức thấp trong nhiều năm trở lại đây, nói theo ông Huỳnh Minh Tuấn (Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT) là cơ hội “mười năm có một”. Với mức định giá thấp này, khá nhiều cổ phiếu đang được định giá thấp hơn giá trị sổ sách, đó là cơ hội đầu tư tích lũy rất tốt.

Hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng, năm nay triển vọng đầu tư sẽ tập trung vào nhóm cổ phiếu đã bị giảm sâu trong năm 2022 như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép…

Trụ đỡ thứ hai đến từ việc Trung Quốc đã nới lỏng giãn cách vào ngày 8/1 và sắp tới sẽ mở cửa hoàn toàn. Triển vọng này sẽ đem lại cơ hội cho các ngành hàng không, bán lẻ, nông sản thực phẩm, du lịch… và làm cho các cổ phiếu nhóm này nhiều khả năng sẽ “có sóng”.

Năm 2023 cũng sẽ là năm “bùng nổ” của đầu tư công với khối lượng giải ngân dự kiến là 730.000 tỷ đồng (bao gồm cả vốn trung hạn và vốn từ chương trình phục hồi). Việc đầu tư công được đẩy mạnh sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân phát triển, thổi luồng sinh khí mới đến cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các lĩnh vực hạ tầng, xây lắp, bất động sản, dịch vụ… nói riêng.

Một trợ lực nữa cho thị trường chứng khoán năm 2023 là từ ngày 1/7 lương cơ sở sẽ được tăng 20,8%, cùng với đó một số mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý cũng sẽ tăng như điện, y tế, giáo dục… Lượng tiền này sẽ làm tăng thu nhập khả dụng của người dân và khiến họ gia tăng tỷ trọng đầu tư, thúc đẩy thị trường.

Cuối cùng, về chính sách, nhiều thành viên thị trường đang quan tâm tới Nghị quyết 01/NQ-CP về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành, trong đó nêu mục tiêu Chính phủ ưu tiên cơ cấu lại thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản.

Theo đó, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng nhằm làm lành mạnh hóa, phát triển an toàn, bền vững các thị trường, giúp tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ nền kinh tế.

Thông điệp chính sách đầu năm được đưa ra trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới vẫn phức tạp, song một vài biến số đã bớt căng thẳng như lạm phát, tỷ giá…; đã phần nào khiến tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư giảm bớt.

Chị Lê Thanh, một nhà đầu tư cá nhân chia sẻ, năm 2022 thị trường chứng khoán tuy khắc nghiệt nhưng nhờ kinh nghiệm 10 năm và kỷ luật đầu tư, trong khi 90% số nhà đầu tư thua lỗ, có người “cháy” danh mục nhưng chị chỉ tạm lỗ khoảng 5-6%. “Đối với tôi như vậy là chiến thắng thị trường. Tôi cho rằng, năm 2023 tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có cơ hội cho nhà đầu tư, quan trọng là phải chắt lọc những câu chuyện riêng của cổ phiếu để theo đuổi thì mới hiện thực hóa được lợi nhuận”, chị Thanh nói.