Những mảnh ghép tình thương

“Lưng người thăm thẳm” (NXB Trẻ, 2024) là tập truyện ngắn mới nhất của tác giả Vũ Thị Huyền Trang. Đọc “Lưng người thăm thẳm”, nhiều lúc tôi phải ngừng lại vì thương quá, những nhân vật trong tác phẩm của chị là một bà già “lòng như hốc núi, chẳng chứa gì ngoài gió”, lòng bà “giăng mắc đâu đó trong dải sương mù Tây Bắc” (Gió từ đỉnh núi). Là “Sim ngồi thêu giày hoa bên bếp lửa” khiến Thuận tự nhủ “phải có ai đó đến để rút ruột yêu Sim (Giày hoa).
0:00 / 0:00
0:00
Những mảnh ghép tình thương

Là Sao “ngày nào cũng vén màn sương ấy bước vào thế giới của bố con Dao” (Gùi xuân lên đỉnh mây trời). Nhân vật trong tác phẩm của chị như những mảnh ghép hoàn hảo dành cho nhau, nghịch cảnh như một tấm phông nền để tình thương nổi lên đa sắc. Như người vợ trong “Giường lúc rộng lúc chật” sau bao mệt mỏi vụn vặt, thiếu thốn đời thường tỉnh giấc giữa đêm thấy chồng đưa tay vỗ con nhè nhẹ, như người mẹ mất con trong “Thong dong mây trắng” đã “mường tượng ra trong ánh nắng lấp lóa trên dây phơi tã lót và những bộ quần áo trẻ con phấp phới bay”.

Ngòi bút Vũ Thị Huyền Trang dường như chìm vào nỗi đau, mất mát của nhân vật rồi cùng họ đứng dậy, gột rửa những bùn đất, vá víu lại đời mình. Chị viết về phụ nữ khi đang ở độ tuổi thương phụ nữ theo cách của một người đàn bà, viết về trẻ thơ với những thương yêu thơm tho, bé bỏng. Tôi đặc biệt thích cách chị khắc họa nhân vật những người bà trong tác phẩm của mình. Những người bà luôn có dự cảm xa xôi, lúc nào cũng vun vén hạnh phúc cho con cháu. Bà của Sim trong “Giày hoa” nhắn nhủ Thuận “nếu không có nơi nào tha thiết để về thì năm nay ở đây ăn Tết”. Bà cụ không tên trong “Ngọn lửa” ngày nấu ba bữa cơm canh cho những người gặp nạn tá túc ở nhà mình sau cơn hỏa hoạn. Bà mẹ cả đời “chấp vá chỗ này, đắp đậy chỗ kia” lúc nào cũng rưng rức thương con trong truyện ngắn “Cơm người”. Hay bà già giục đứa cháu dâu đã từng qua một lần đò “chọn lấy chiếc áo hoa mặc vào hôm nhà trai sang dạm ngõ”…

Những người bà không có tên trong tác phẩm của Vũ Thị Huyền Trang từng đi qua thanh tân, từng làm mẹ, từng nếm trải nỗi đau mất mát, cô đơn nên ra sức góp nhặt tình thương bằng những điều giản dị. Truyện ngắn của chị như một cuộc “truy đuổi” tâm trạng nhân vật. Những nút thắt mở trong truyện cũng được xây dựng từ tâm lý nhân vật và sự chuyển biến, tháo nút thắt là sự thức tỉnh, vượt thoát nội tại của nhân vật. Tất cả những điều đó được Vũ Thị Huyền Trang xây dựng, miêu tả, dẫn dắt tỉ mỉ, công phu khiến người đọc dường như bước vào tác phẩm, cảm nhận được không gian ngột ngạt, tù túng hay sự dồn nén cảm xúc của nhân vật rồi tất cả vỡ òa ra khi vấn đề được giải quyết.

Tác giả ưu ái viết về mùa xuân của đất trời và mùa xuân sum họp trong lòng người như thể gửi gắm thông điệp: đi qua mùa hè đổ lửa, mùa đông lạnh giá sẽ gặp mùa xuân. Trải qua những mất mát đớn đau rồi ai trong chúng ta cũng kiếm tìm được bình an, hạnh phúc cho mình.