Dự tọa đàm có lãnh đạo Báo Nhân Dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA), các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp du lịch, điện ảnh… Đánh giá toàn diện về cảnh quan, văn hóa, con người, chính sách..., đưa ra nhiều lợi thế của Việt Nam so các quốc gia khác, cử tọa đã nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch-điện ảnh đối với nền kinh tế và xã hội và xây dựng các giải pháp cụ thể, khả thi để thúc đẩy hợp tác, phát triển du lịch và điện ảnh, thu hút đầu tư. Các diễn giả cũng nêu nhiều quan điểm sát với thực tế, các hướng đi thiết thực và đưa ra phương án phát triển du lịch phù hợp các tiêu chí phát triển chung của cả 2 ngành du lịch và điện ảnh.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong:
“Cần những lộ trình bài bản”
“Chế độ và chính sách như thuế, các điều luật liên quan cần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển. Phải có những quy chế phối hợp chiều ngang và chiều dọc, phù hợp cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp, với các tổ chức xã hội và các hiệp hội điện ảnh, hiệp hội du lịch các ngành, cùng các địa phương... nhằm tạo ra sự phù hợp lâu dài, bền vững. Phải có lộ trình mang tính chiến lược bài bản, kết hợp từ xây dựng sản phẩm đến quảng bá xúc tiến. Cần nghiên cứu các nơi có nền điện ảnh phát triển. Việc học tập và xúc tiến không chỉ dừng ở việc đi đến các trung tâm điện ảnh mà chúng ta cần tổ chức các cuộc xúc tiến điện ảnh ở Việt Nam kết hợp du lịch, lắng nghe để hiểu các đoàn phim xem họ muốn gì”.
Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Quý Phương:
“Đổi mới công tác quảng bá”
“Có thể nói, giai đoạn khởi đầu của du lịch Việt Nam có tác động rất lớn từ những bộ phim điện ảnh đến công tác xúc tiến. Điển hình như Vịnh Hạ Long nổi tiếng thế giới nhờ phim ảnh từ những năm 1992. So bây giờ, khi mà hạ tầng phát triển tốt, chúng ta cần phải đổi mới công tác quảng bá và rõ ràng chúng ta thấy việc phát huy vai trò của điện ảnh trong quảng bá du lịch đem lại nhiều điều tích cực mà không phải ngành nào kết hợp với du lịch cũng làm được. Mong muốn chung của những người làm du lịch và điện ảnh là Nhà nước sớm có những ưu đãi cho ngành và các địa phương để tạo ra dịch vụ du lịch và thu lợi không chỉ từ công tác truyền thông, cung cấp dịch vụ”.
Tổng Giám đốc của Oxalis Adventure và Oxalis Holiday hoạt động tại Quảng Bình Nguyễn Châu Á:
“Nâng cao công tác bảo mật”
“Trong mọi chiến lược quảng bá, ngoài các hoạt động tiếp thị thông qua các nền tảng kỹ thuật số, chúng tôi rất chú trọng công tác quảng bá điểm đến thông qua điện ảnh, chương trình truyền hình, phim phóng sự, tư liệu và cả video ca nhạc. Hiệu quả có thể thấy rất rõ, điểm đến Quảng Bình luôn nổi bật trên truyền thông thế giới, thu hút nhiều đoàn làm phim nổi tiếng như “Peter Pan”, “Kong: Skull Islands”; các chương trình truyền hình như: “Good Morning America”...
Các nhà làm phim nước ngoài rất thích cảnh sắc, bối cảnh của Việt Nam vì sự đa dạng, đặc sắc và mới lạ so các nước khác trong khu vực và cần khai thác yếu tố đó để tăng phần thu hút. Tuy nhiên, có một tồn tại là vấn đề bảo mật trong quá trình quay phim hiện chưa được làm tốt tại Việt Nam, làm ảnh hưởng đến chiến lược, lợi thế cạnh tranh của bộ phim. Đó cũng là vấn đề mà nhiều đoàn làm phim mong muốn được hỗ trợ, bên cạnh khâu cấp phép dự án phim, an ninh trật tự khi quay phim”.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý:
“Kết hợp tốt giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý”
“Việt Nam được nhiều tạp chí du lịch uy tín và khách du lịch đánh giá là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, đáng trải nghiệm bởi sự phong phú, đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa. Tận dụng lợi thế “quê nhà”, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan đang phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp kết nối, doanh nghiệp chịu trách nhiệm công tác hậu cần cho các hãng phim để tạo điều kiện tốt nhất cho các đoàn làm phim khi đến khảo sát, triển khai các dự án phim trên địa bàn.
Tiềm năng trong việc xúc tiến điện ảnh gắn với quảng bá du lịch là rất lớn, đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tiếp cận sâu rộng tới hàng trăm triệu khán giả trên toàn thế giới. Bài học từ các bộ phim “bom tấn” của các hãng phim Hollywood được quay tại Quảng Bình là minh chứng cho sự hiệu quả từ phương pháp quảng bá này. Để áp dụng và thực hiện trong các trường hợp khác nhau thì cần có những kế hoạch cụ thể và lâu dài với sự đồng hành của các doanh nghiệp có khả năng làm đầu mối, triển khai phương thức tiếp cận đúng, tạo điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng các đạo diễn bối cảnh, đoàn khảo sát các dự án phim và cần có những thỏa thuận cụ thể”.