1/Từ xa xưa, khi phải đối diện với một thiên nhiên vô cùng rộng lớn, bí hiểm và vô cùng khắc nghiệt, người ta đã phải tự quan sát, tự học hỏi để tồn tại và đã tạo cho mình những ông thầy đầu tiên. Đó là những cụ Ghỗn, bà Dạ Dần..., dạy dân biết bình tĩnh, biết chiến đấu, biết chịu khó hay biết hát, biết vẽ, biết làm nghề trồng lúa, nghề dệt, nghề rèn... Thực chất, đây là những kinh nghiệm ban đầu được tích lũy. Trước khi có chữ viết, người Việt Nam đã có những mầm mống của giáo đục. Đó là một nền giáo dục không trường lớp, không sách vở nhưng lại có những người thầy là cha mẹ, là tục ngữ, ca dao, cổ tích và bài học đầu tiên là những nhận biết như khái niệm trong, ngoài, khoai, mật (“cái ống nằm trong, cái cong nằm ngoài, củ khoai chấm mật”...), là những bài tập đếm một, hai ban đầu (“chuyền một, đủ một đôi” hoặc “con mốt con mái, con trai con gái... lên bàn đôi”)... Từ khi nhà nước phong kiến Việt Nam tự chủ, chúng ta có Trường Quốc Tử Giám, có các trường học ở phủ, huyện, có nhiều thầy giáo đạo đức và học vấn uyên thâm.
Tuy nhiên, con cái nhà nghèo dường như không có chỗ ở đó nên việc học hành vẫn tiếp tục bằng cách phát huy các giá trị của văn học dân gian. Người dân dạy con về bổn phận, nghĩa vụ, lòng nhân ái, dạ trung thành, tức là dạy đạo đức, tình cảm bằng những lời ca “công cha như núi Thái Sơn...”, “cá không ăn muối cá ươn”..., dạy ứng xử “nước chảy chỗ trũng”, “mật ngọt chết ruồi”..., rồi dạy kiến thức địa phương, kiến văn thường thức: “khoai đất lạ, mạ đất quen”, “thâm đông hồng tây/ai ơi ở lại ba ngày hãy đi”... Người ta còn dạy nhau qua những sinh hoạt văn hóa cộng đồng, qua trò diễn, hội làng, hương ước, đồng dao, trò chơi..., để con em mình trở thành những thành viên xứng đáng của cộng đồng. Phải từ thế kỷ 13 ta mới có những người thầy đích thực.
2/Sang thời có chữ, chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, những trí thức Việt Nam có thể là những người đảm nhiệm một vị trí lớn của triều đình, có thể là những người sống ẩn dật ở thôn quê dù rất khiêm nhường không tự nhận là thầy nhưng lại là những người có rất nhiều ý kiến về giáo dục và xứng đáng được xem là những người thầy. Thầy Chu Văn An (1292-1370) là một thầy giáo đạo cao đức trọng. Ông đã từ bỏ quan chức lui về ẩn dật. Ông từng dâng sớ đòi chém bảy tên nịnh thần. Nhờ có ông mà “bể học xoay chiều sóng, phong tục trở nên thuần hậu” (Trần Nguyên Đán), “làng nho Việt Nam trước sau chỉ có một ông, các người khác không ai so sánh được” (Phan Huy Chú). Chu Văn An là người của truyền thống đạo đức Việt Nam, ông đã đào tạo ra những nhân tài như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh.
Thầy giáo Hồ Quý Ly (1336-1407) là người có tư tưởng độc lập trong học thuật cũng như trong giáo dục. Ông đã soạn sách chữ Nôm dạy cho nhà vua và các cung nữ. Ông vạch ra những chỗ đáng ngờ trong kinh điển, ông khinh ghét bọn nệ cổ hay viện những chuyện xưa làm khuôn phép là thứ “người câm hay nói, chỉ để mua cười”...
Thầy Nguyễn Trãi (1380-1442) được xem như là người phát ngôn của quần chúng Việt Nam về giáo dục khi thường xuyên mượn tục ngữ, ca dao để nhắc nhủ cảnh giới mọi người “ăn mặc miễn là cho ấm cật/cơm ăn chẳng lọ kém mùi ngon”, “có con mới biết lòng cha mẹ”, “yên nhà nỡ phụ vợ tao khang”, “ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”, “trừ độc trừ tham trừ bạo ngược/có nhân có trí có anh hùng”.
Còn thầy Lê Hữu Trác (1724-1791) thì vừa là một thầy thuốc, vừa là nhà khoa học luôn gắn với tinh thần hiến thân. Ông là người phản đối thuyết định mệnh, đề cao năng lực của tư duy, tin vào khả năng nhận thức của con người. Theo ông “đọc sách biết nghĩa là không khó, biện chiết được lý mới khó, mà thấy nội dung được ngoài lý còn khó hơn” (Y hải câu nguyện). Lê Hữu Trác là một nhà giáo có phương pháp luận khoa học, vì thế mà ông thành công trong sự nghiệp.
Nhà giáo Lê Quý Đôn (1726-1784) là một nhà bác học có nhiều chủ trương về giáo dục mang tính tiền tiến. Ông từng đề nghị đem pháp luật dạy cho tuổi đồng ấu “để sau làm quan phải biết cách nói thẳng, can gián, cũng để biết mà sợ hãi, không mắc tội lỗi” (Thư kinh điển nghĩa).
Trong việc học, ông đòi hỏi phải có óc suy luận, không chỉ nệ vào sách vở “sách không hết lời, lời không hết ý, phải hiểu ý của thánh nhân ngoài lời mới được” (Tựa Dịch kinh phụ thuyết). Ông cũng chủ trương học để hành “mồm đọc, bụng nghĩ trái nhau, sự biết với sự làm khác nhau thì học cho nhiều cũng chẳng để làm gì” (Vân đài loại ngữ). Bản thân Lê Quý Đôn cũng có công trình tự học như quan niệm ông đề ra.
Với thầy Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) thì đạo học trước hết là yêu nước thương nhà, là “mến nghĩa bao đành làm phản nước/có nhân đâu nỡ phụ tình nhà”, là “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Thầy Nguyễn Đình Chiểu tuy mù lòa nhưng là người xả thân vì nghĩa. Thơ văn ông đã theo sát những biến chuyển của đất nước, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị. Ông là một chiến sĩ văn hóa, là một chiến sĩ giáo dục.
Một nhà giáo rất gần với thời hiện đại là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954), từng là Tư nghiệp Quốc Tử Giám thì lại có một kế sách phục hưng quốc gia mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Ông đã đưa lên nhà vua thuở ấy 4 điều răn gồm 16 chữ như vàng ròng “Tôn tộc đại quy, tôn lộc đại nguy, tôn tài đại thịnh, tôn nịnh đại suy” (tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp, tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan, tôn trọng tài năng ắt đại phồn thịnh, tôn trọng siểm nịnh ắt đại nguy vọng - Trần Đại Vinh dịch). Có thể thấy, những lời dạy của nhiều thế hệ người thầy là những bài học hết sức đúng đắn cho các thế hệ cháu con học tập.
3/Đến thời đại Hồ Chí Minh, những đảng viên và cán bộ Đảng đã có khá nhiều người là thầy giáo và học trò có những phẩm chất ưu tú để lại cho ngành giáo dục những tấm gương đẹp và những kinh nghiệm đáng học tập. Một trong những thầy giáo tiêu biểu là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc (1890-1969), Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Qua những hồi ký được công bố có thể khẳng định, Bác Hồ là một thầy giáo có cách dạy học rất đặc sắc, rất cụ thể và thiết thực. Nội dung giảng dạy của Bác Hồ luôn gắn với nhiệm vụ chính trị, đường lối cách mạng và phù hợp đối tượng học tập. Người học không chỉ biết lý luận mà phải tập lao động, phải làm công tác thực tế, phải gần gũi với nhân dân.
Học để làm người là một nội dung giáo dục Việt Nam. Thương nước, thương nhà, thương người, thương mình là một phẩm chất cơ bản của người Việt Nam. Sự rèn luyện để thành người là nhằm mục đích đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo. Giáo dục Việt Nam hướng tới giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng, coi trọng lao động từ bé, khắc phục khó khăn, kiên trì nhẫn nại chứ không phải đào tạo những kẻ “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”, mà phải là người đi lên từ thực tiễn đấu tranh, thật sự gắn bó với lao động, với quê hương đất nước.
Người thầy ở Việt Nam luôn được trân trọng “không thầy đố mày làm nên”, là người luôn được gắn với người thợ “dốt cậy thầy, vu vây cậy thợ”. Chúng ta hãy tích cực học tập, khai thác, phát huy mọi truyền thống tốt đẹp cổ truyền, kết hợp với việc tiếp thu kiến thức khoa học hiện đại để đất nước có nhiều thầy giỏi trò tài như thế hệ con cháu ngày nay đang tiếp bước. Đó là những tấm gương của các nhà khoa học như Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo, Nguyễn Văn Hiệu, Võ Tòng Xuân..., đó là các nhà văn, các nghệ sĩ Văn Cao, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn, Đặng Thái Sơn..., là các doanh nhân Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô..., các anh hùng chiến sĩ Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân..., những nhà giáo Nguyễn Xuân Trạc, Nguyễn Đức Thìn..., các bác sĩ như Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Thị Ngọc Phượng, cho đến các thiếu niên nhi đồng như Kim Đồng, Vừ A Dính, Nguyễn Bá Ngọc... là rất đáng học tập. Tiếp nối truyền thống cha ông. Một năm học mới bắt đầu.
Nhiều đảng viên khác khi làm thầy giáo cũng đã phát huy tác dụng tốt của mình. Thầy giáo Trần Phú, thầy giáo Tống Văn Trân, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai..., đều là những tên tuổi, quen thuộc, gần gũi với giáo dục. Chúng ta đều biết, trước khi làm thầy, những trí thức tiên tiến nhất của Việt Nam cũng từng là học trò. Có những học trò được đào tạo chính quy qua trường, lớp, nhưng cũng có nhiều người tự học ở trường đời, học trường cách mạng, học trong ngục tù đối phương..., và đó là những tấm gương kiên trì tự học.