1/Đó là tâm sự của Nguyễn Văn Huân (sinh năm 1990) một trong những nghệ nhân trẻ của làng gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Anh đang cùng dân làng giữ lửa, mang sức sống mới cho món gốm thủ công vốn nổi danh cách đây hơn 700 năm, nhưng đang dần mai một. Được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia năm 2016, nhưng hầu hết các hộ làm nghề gốm ở làng Phù Lãng thường chỉ sản xuất những sản phẩm truyền thống đơn giản, kích thước lớn theo nhu cầu thị trường như chum vại, bình gốm, lư hương, đỉnh, đài thờ... với nước men da lươn, điêu khắc đắp nổi cùng kỹ thuật đun củi lâu đời. Các sản phẩm của làng đang đối mặt sự cạnh tranh từ các lò gốm công nghiệp giá rẻ. Có năm, hàng không bán được, tiểu sành, bình, vại chất đầy quanh làng, thu nhập từ nghề cổ ngày càng giảm.
Quen với đất, với hình hài của gốm từ nhỏ, tốt nghiệp khoa Mỹ thuật truyền thống, chuyên ngành gốm của Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, Huân trở về Phù Lãng. Định hướng ngay từ thời sinh viên, Huân đi sâu vào sáng tạo những dáng gốm mới nhưng vẫn tôn trọng và tiếp nối di sản quê mình. Anh vẫn dùng thứ men tro truyền thống của làng xưa, thứ men từ thời Lý Trần sử dụng tro trấu là nguyên liệu chính. Một số họa tiết, chi tiết gốm cổ Phù Lãng cũng được Huân đưa vào các dáng gốm mới phù hợp phong cách đương đại. Bên cạnh đó, Huân khai thác chất đất mộc và dùng củi để nung, tạo sự biến nhiệt khác nhau, mang cho gốm độ trầm của âm hưởng làng nghề cổ trong hình thái mới. Sau mỗi mẻ gốm, Huân lại tìm ra được những thử thách mới thú vị.
Mọi việc thuận lợi hơn khi Huân cùng một số hộ làm gốm khác được tham gia vào dự án của tổ chức JICA với sự hỗ trợ của các nghệ nhân Nhật Bản để phát triển nghề làm gốm. Các nghệ nhân trong dự án đã giúp người dân tiếp cận kỹ thuật làm ra sản phẩm gốm chất lượng cao, nhất là chuyển biến trong tư duy. Tập trung vào các sản phẩm như chén, đĩa, ấm trà… tuy nhỏ nhưng lại mang giá trị kinh tế cao hơn sản phẩm truyền thống bình vại, tiểu, quách…, đồng thời tiết kiệm được nguồn nguyên liệu đang cạn kiệt. Huân học được tính nguyên tắc của các nghệ nhân người Nhật, tôn trọng và thực hiện cẩn thận, tỉ mỉ từng công đoạn làm gốm, từ đó nắm vững được kiến thức tổng quát từ gốc đến ngọn. Theo anh, khi làm kỹ từng bước sẽ tạo ra một sản phẩm đẹp từ phần cốt, thẩm mỹ dáng gốm cho đến mầu men bao phủ bề mặt.
Sau 4 năm gây dựng, thương hiệu của nghệ nhân 9x mang tên Gốm Huân đất Phù Lãng đã có chỗ đứng trên thị trường và được nhiều người biết đến. Huân chia sẻ, đây vẫn là những bước đi đầu tiên trong hành trình tiếp nối di sản quê hương. Hướng đi của tôi là tạo dấu ấn tinh thần Việt trên các tác phẩm gốm, kết nối giá trị của nghề truyền thống từ quá khứ với đương đại.
Một số tác phẩm gốm. |
2/Lấy tư liệu từ những chuyến đi thực tế, anh tạo tác ra nhiều bộ tác phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao. Từ nét êm đềm nơi đồng quê miền bắc của bộ tác phẩm “Gia đình Sen”, “Tre Việt”… đến sự phóng khoáng, hùng vĩ của bộ sưu tập “Cao nguyên đá Đồng Văn”… Một số tác phẩm đã đoạt giải và được triển lãm tại một số liên hoan nghệ thuật.
Triển lãm “Chạm vào ký ức” là lần đầu tiên Huân giới thiệu các tác phẩm tới công chúng. Bộ tác phẩm gốm “Đường lên non cao” là thành quả sau những hành trình lên miền cao nguyên đá Hà Giang của anh. Thu gom bao cảm xúc khi qua những khúc cua tay áo, vút cao núi non trùng điệp, hay dòng sông Nho Quế sâu hút dưới hẻm Tu Sản…, Huân đặc tả, tạo tác trên những bình gốm độc bản có dáng trụ như những ngọn núi rồi sắp đặt thành cụm. Ở đó có vết rạn nứt của đá tai mèo, lấp ló sau những con đường quanh co… là những nhấp nhô khơi gợi ký ức cho những ai từng ghé thăm mảnh đất cực bắc Tổ quốc.
Gần 2 năm để Huân cùng 4 họa sĩ đồng môn chuẩn bị cho cuộc ra mắt này. Mỗi người một phong cách, ngoài bộ tác phẩm gốm nghệ thuật của Huân còn có các tác phẩm hội họa của Trần Nguyên, Đắc Tưởng, Hoàng Quốc Tuấn, Lâm Tráng. Đó là những góc quen thuộc, cũ kỹ trong nếp nhà xưa hay không gian yên bình của núi rừng Tây Bắc được thể hiện qua những vùng loang dịu nhẹ trên lụa, sắc sảo ấn tượng trên chất liệu sơn dầu. Triển lãm khai mạc ngày 11/9 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Với Huân, “Chạm vào ký ức” không phải là chạm vào những lớp cát bụi phủi mờ năm tháng, mà là những cảm xúc và tình yêu với nghề gốm thủ công đất Phù Lãng quê hương mà anh muốn truyền tải đến công chúng.