Giữ gìn lễ hội, tôn vinh lịch sử

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Công văn số 3732/BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
Festival Thu Hà Nội. Ảnh: LÊ MINH
Festival Thu Hà Nội. Ảnh: LÊ MINH

Bộ đề nghị các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đã được quy hoạch tổng thể từ năm 2013, nhằm định hướng đến 2030. Tiếp theo là yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội. Không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của chung nhân dân. Cũng như phải xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc… Công văn còn nêu lên những yêu cầu, giải pháp về quản lý dịch vụ karaoke, vũ trường tại các địa phương. Hay việc sử dụng cờ Đảng, Quốc kỳ, Quốc huy trong công tác tuyên truyền cổ động các ngày lễ, kỷ niệm tại các địa phương phải tuyệt đối bảo đảm sự trang trọng, tôn nghiêm đúng theo quy định…

UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định công nhận đền Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) là điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt. Cho đến nay, đền Hát Môn là một trong những điểm tham quan nổi tiếng ở Thủ đô, ở cả hai yếu tố văn hóa lịch sử và nghệ thuật kiến trúc. Đến đây, du khách có thể được chứng thực những chứng tích về Hai Bà Trưng thông qua hạng mục như: Nhà Ngự dội, quán Tiên, Đàn thề đá, cổng Tam quan, đền chính; gò Giấu ấn, sông Hát... Đặc biệt, trong lòng di tích còn có nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định - nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được xây dựng theo tâm nguyện của nhân dân Hát Môn để làm nơi thờ cúng, tưởng nhớ người phụ nữ tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.

Bước vào thu 2024, tại Thủ đô cũng mới diễn ra một hội nghị quan trọng với ngành du lịch nhằm triển khai tổ chức Chương trình Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024, do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại (thuộc Sở Du lịch thành phố Hà Nội) tiến hành. Chủ đề “Thu Hà Nội - Mùa Thu lịch sử” sẽ là cái tên của Festival thu Thủ đô năm nay, dự kiến sẽ khai mạc ngày 13/9. Đây là một trong những hoạt động chào đón kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Một sự kiện khá đáng chú ý khác, hướng tới thu hút thế hệ trẻ đã được công bố là Dự án “R-e-t-e-l-l-m-e- Ký họa thời gian” do Viện Goethe tại Hà Nội và Công ty Vietnam Global Outreach (V.GO) phối hợp tổ chức. Các hoạt động của dự án sẽ diễn ra tại một số địa điểm có bề dày lịch sử tại Hà Nội, Phố Hiến và Hải Phòng, dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11/2024.