Tiến tới mốc xuất nhập khẩu 1.000 tỷ USD

Quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta dự kiến cán mốc gần 800 tỷ USD vào cuối năm 2024, mục tiêu xuất nhập khẩu cán mốc gần 1.000 tỷ USD vào năm 2025 sẽ không còn xa. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tăng tốc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu đủ tiêu chuẩn thích ứng với các quy định của các quốc gia nhập khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Cần tập trung thêm nguồn lực để phát triển kinh tế xanh. Ảnh: MINH KHIẾU
Cần tập trung thêm nguồn lực để phát triển kinh tế xanh. Ảnh: MINH KHIẾU

Những vấn đề trước mắt

Trao đổi ý kiến với Thời Nay, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, chúng ta thấy rất rõ xu thế chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tăng rất tốt - tức là chúng ta nhập khẩu tăng tốc để đón các đơn hàng cho năm 2025. Với diễn biến này, các đơn hàng phục vụ xuất khẩu tính đến tháng 4 hoặc 5/2025 của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tương đối thuận lợi.

"Thành công xuất nhập khẩu năm 2024, một phần chúng ta hưởng lợi do tâm lý e ngại, khi ông Trump dự báo sẽ tái đắc cử, nên những gì cần nhập khẩu các doanh nghiệp đã nhập trước", ông Việt giải thích và cho rằng, với tiến triển năm nay, chúng ta vẫn có thể đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu năm 2025 cao ngang, hoặc cao hơn so với năm 2024.

Theo nhận định của TS Nguyễn Quốc Việt, từ nửa cuối năm 2025 chúng ta sẽ bắt đầu gặp áp lực nếu ông Trump thực hiện đúng những lời hứa về thắt chặt thương mại, đầu tư, để đưa sản xuất trở lại Mỹ. Chúng ta sẽ thấy hiện tượng các dòng vốn nước ngoài, nhất là các dòng vốn gián tiếp bắt đầu thoái lui để trở về Mỹ. Chính vì vậy, các dòng thương mại cộng với các dòng đầu tư liệu có thể tiếp tục lan tỏa để phòng ngừa rủi ro thương mại sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam hay không, vẫn phải tính toán.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn bị đe dọa trong việc nằm trong "tầm ngắm" để tránh các nhà sản xuất, hoặc là xuất khẩu liên quan đến căng thẳng Mỹ - Trung. Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn của Việt Nam cả ở xuất khẩu và nhập khẩu. Nhập khẩu đứng thứ nhất, xuất khẩu đứng thứ hai. Nếu như Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chính sách chĩa mũi dùi tập trung của ông Trump, thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với những vấn đề nhất định.

Mặt khác, châu Âu vẫn lún sâu trong cuộc khủng hoảng vì cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Kể cả khi cuộc chiến Nga - Ukraine hạ nhiệt vào năm tới, hệ quả về kinh tế của các nước châu Âu không dễ gì giải quyết trong ngày một, ngày hai. Chưa kể những bất ổn về chính trị càng ngày càng gia tăng ở các nền kinh tế lớn ở châu Âu, như Đức, Pháp, Anh.

Đặc biệt, những chính sách quan trọng như Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal); Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới. Các chính sách này không chỉ tập trung vào mục tiêu giảm phát thải mà còn đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, yêu cầu các nước xuất khẩu phải thay đổi phương thức sản xuất và cách tiếp cận để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao…

Tiến tới mốc xuất nhập khẩu 1.000 tỷ USD ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu cho năm 2025. Ảnh: K.MINH

Ưu tiên huy động nguồn tài chính xanh

Trước bối cảnh trên, có lý do để quan ngại nếu chúng ta không có những giải pháp để đa dạng hóa chuỗi xuất khẩu sang các thị trường mới.

"Cần đầu tư vào công tác nghiên cứu để phát triển sâu thị trường hiện có cùng với tìm thêm các thị trường mới xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả. Từ đó, chú trọng tăng quy mô và tỷ trọng các mặt hàng có tỷ giá thương mại tăng cao. Tuy nhiên, cần có giải pháp tiết giảm chi phí xuất khẩu, cải thiện chất lượng, gia tăng hàm lượng chế biến sâu, phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng…", TS Nguyễn Quốc Việt góp ý.

Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Thường Lạng nói thêm, cần coi trọng phát triển năng lực sản xuất trong nước, gia tăng hàm lượng nội địa hóa, phát triển các ngành sản xuất thay thế nhập khẩu. Việc phát triển nền công nghiệp quốc gia tự chủ, tự cường, đủ năng lực tạo khối lượng hàng hóa xuất khẩu quy mô lớn với điều kiện thương mại có lợi cần được tính đến trong dài hạn. Lực lượng doanh nghiệp cần tích cực, chủ động phát triển và thích ứng hiệu quả với yêu cầu cải thiện tỷ giá thương mại từng phân đoạn thị trường trong từng giai đoạn.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) khuyến nghị, doanh nghiệp cần định vị trong ngắn hạn và trung hạn xuất khẩu vào thị trường nào. Nhấn mạnh những yêu cầu về tiêu chuẩn xanh là bắt buộc và doanh nghiệp phải tuân thủ khi tham gia vào thị trường, nhất là thị trường EU, ông Phú nói, nếu xuất khẩu vào EU thì buộc phải chuẩn bị để từ năm 2026 đến 2028 đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh, chống phá rừng... Còn Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc đang dần xây dựng tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững, do đó doanh nghiệp cần có kế hoạch, chuẩn bị dài hơi.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương): Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh bổ sung hoàn thiện chính sách, cơ chế để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình xanh hóa. Với các sản phẩm nhập khẩu của những nước khác cũng phải tuân thủ yêu cầu xanh về phát triển bền vững...

Chỉ số quy mô kinh tế xanh của nước ta hiện chỉ chiếm 2%, kinh tế nâu vẫn chiếm 98%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam đạt 12 - 13%, nhưng mức độ cải thiện vị thế, cơ sở hạ tầng xanh còn thấp so với thế giới. PGS, TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, đây là thách thức lớn trong việc duy trì thương mại, đầu tư trong thời gian tới.

Theo ông Thọ, doanh nghiệp cần ưu tiên huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh; đặc biệt tăng cường năng lực, nâng cao khả năng về hấp thụ tài chính xanh, sử dụng các công nghệ xanh để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng sang nền kinh tế tuần hoàn.