(Tiếp theo và hết)
Thủ đô Hà Nội được đánh giá là có lợi thế về chính sách và quyết định điều hành kinh tế vĩ mô. Các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, ngân hàng đều đặt trụ sở chính tại đây, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và triển khai các chính sách tài chính.
Những ưu thế tự nhiên
Số liệu từ 4 kỳ xếp hạng gần đây của Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) minh chứng vai trò quan trọng của các thủ đô trong hệ thống tài chính quốc tế. Trong tốp 20 trung tâm tài chính hàng đầu, số lượng thủ đô duy trì ổn định: GFCI 33 và 34 có 10 thủ đô, GFCI 35 và 36 có 9 thủ đô. Tỷ lệ này dao động từ 45-50%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 27,27% (33 thủ đô trong tổng số 121 trung tâm) khi xét toàn bộ danh sách.
Về thứ hạng trung bình trong tốp 20, các thủ đô liên tục thể hiện ưu thế. Cụ thể, ở GFCI 33, thủ đô có thứ hạng trung bình 8,7 so với 12,2 của các trung tâm không phải thủ đô. Xu hướng này duy trì qua các kỳ tiếp theo: GFCI 34 (8,8 vs 12,1), GFCI 35 (9,3 vs 11,7), và GFCI 36 (9,1 vs 11,8).
Phân tích dữ liệu từ GFCI 1 đến GFCI 36 cho thấy sự ổn định cao và những bước tiến vững chắc của các thủ đô những quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức với vai trò trung tâm kinh tế. Tất cả duy trì vị trí trong tốp 35 từ năm 2007 đến nay, với xu hướng cải thiện rõ rệt. London thể hiện sự nhất quán nhất, độ lệch chuẩn 0,47, giữ vị trí 1 hoặc 2 trong 36 kỳ xếp hạng. Washington D.C. tiến từ hạng 31 lên 8 (GFCI 34), độ lệch chuẩn 6,77, phản ánh bước tiến đáng kể nhất. Các phân tích nêu trên đều cho thấy kinh nghiệm nền tảng về các trung tâm tài chính tại thủ đô của các quốc gia có trình độ phát triển cao trên toàn thế giới.
Quay trở lại Hà Nội, có thể thấy rằng Hà Nội có nhiều lợi thế để tiếp tục phát triển trở thành trung tâm tài chính quốc gia, quốc tế và toàn cầu vì Thăng Long - Hà Nội đã có truyền thống 1000 năm là trung tâm kinh tế/tài chính quốc gia, nơi phát hành tiền tệ, hoạch định chính sách tài chính tương tự như London, Washington D.C, Bắc Kinh, Tokyo và Seoul.
Nếu chỉ quá tập trung vào phát triển các tòa nhà hay địa điểm mới (không chắc chắn thành công), chúng ta sẽ lãng phí những nền tảng sẵn có. Hà Nội cần phát triển GFC tại các CBD theo mô hình truyền thống, mô hình không thể sụp đổ với tác động từ bên ngoài làm bệ đỡ cho TP Hồ Chí Minh thực hiện phát triển mô hình phi truyền thống, chấp nhận rủi ro phần nào đó để tăng trưởng.
Với lợi thế là đầu não về quyết định chính sách và điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ đô Hà Nội cần được lựa chọn phát triển thị trường tài chính. Các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, ngân hàng đều đặt trụ sở chính tại đây, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và triển khai các chính sách tài chính. Hơn nữa, Hà Nội là nơi tập trung đông đảo các cơ quan ngoại giao, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài chính… Nếu “Nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện nhanh chóng”, chúng ta vừa tránh được rủi ro, vừa sẽ không bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển các trung tâm tài chính trên nền tảng các địa điểm truyền thống trước khi chuyển dịch mở rộng tại các địa điểm mới. Cần lưu ý rằng mặc dù công nghệ hiện nay cho phép làm việc, hội họp từ xa nhưng giao tiếp truyền thống vẫn là đặc tính căn bản trong việc xác lập lòng tin. Trong đó, địa điểm và nơi chốn (linh địa) đặt trung tâm tài chính cũng mang tính quyết định tạo nên sức hấp dẫn và quy mô thị trường. Điều đó đúng ngay cả đối với các thị trường mới nổi như Dubai, Singapore hay Dublin.
Thị trường tài chính được hình thành trên cơ sở niềm tin. Sự ổn định chính trị của Việt Nam cùng với thuộc tính sáng tạo đổi mới của Hà Nội, nơi tụ hội tinh hoa quốc gia và quốc tế, nơi hoạch định chính sách tài chính quốc gia là những điều kiện cần và đủ để xác lập Hà Nội là một trung tâm tài chính thế hệ mới (bên cạnh một trung tâm tài chính truyền thống hiện hữu) là khả thi và xác thực theo các mô hình của London, Washington D.C., Tokyo, Bắc Kinh, Seoul, Paris, Berlin, Roma, Madrid.
Tùy theo khả năng, nên thiết lập một mạng lưới rộng khắp các trung tâm tài chính cấp quốc gia, cấp vùng, cấp thành phố trực thuộc trung ương, cấp tỉnh và các thành phố, đô thị trong cả nước. Cần hoạch định các chính sách để “ánh sáng đẩy lùi bóng tối”. Ngăn chặn và triệt tiêu tín dụng, tài chính “đen” làm cơ sở thiết lập một thị trường tài chính lành mạnh, mật độ cao và minh bạch. Đây là cơ sở để tạo nên nhu cầu thật sự, tích tụ điều kiện căn bản nhất hình thành trung tâm tài chính vùng, khu vực và quốc tế. Nâng cao tính tự chủ, năng lực quản trị quốc gia, huyết mạch của nền kinh tế, chống chịu được rủi ro khi bước vào thị trường toàn cầu. Với kế hoạch này, Thủ đô Hà Nội sẽ là tâm điểm.
Trong bối cảnh Việt Nam, việc lựa chọn TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để phát triển thành trung tâm tài chính phản ánh tiềm năng kinh tế và vị trí địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, sau 20 năm, Việt Nam vẫn chưa hình thành được trung tâm tài chính quốc tế đúng nghĩa do thiếu khung pháp lý đồng bộ, hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tình hình hiện nay cũng đang đặt ra nhiều thách thức với TP Hồ Chí Minh, đòi hỏi các biện pháp mạnh mẽ để tăng cường minh bạch và quản trị doanh nghiệp.
Còn nhiều việc phải làm
Những giai đoạn thuận lợi nhất để phát triển nhanh hơn trung tâm tài chính ở TP Hồ Chí Minh đã trôi qua. Việc phục sức, gượng dậy và tái phát triển để lấy lại vị thế của thành phố này có lẽ cần thời gian. Nếu so sánh cùng thời kỳ với Dubai và Thượng Hải có thể thấy rõ khoảng cách.
Tại các địa điểm truyền thống chúng ta đã có sẵn thị trường, niềm tin theo tập quán, hệ thống các dịch vụ hỗ trợ, chỉ cần ưu tiên khai thác các khoảng không trên cao (theo kinh nghiệm của London, New York), điều chỉnh một số chức năng tại các khu vực trung tâm phụ cận là hoàn toàn đáp ứng nhu cầu phát triển tới năm 2045 (với ưu thế công nghệ làm việc từ xa như hiện nay, các trung tâm tài chính quốc gia, quốc tế và toàn cầu không đòi hỏi quá nhiều không gian theo chiều ngang).
Việc khó duy nhất nhưng đang trong tầm tay là phải cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và giao thông đô thị (với các tuyến Metro đang triển khai tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Tại Hà Nội, nhu cầu phát triển tự nhiên cần phải được khơi thông bằng việc thay đổi tư duy, thay vì cấm cản, kìm hãm.
Hà Nội nên theo mô hình của London, Washington D.C., Tokyo, Seoul, Bắc Kinh, Paris. TP Hồ Chí Minh nên theo mô hình New York, Thượng Hải, Osaka, Busan. Các Sandbox có thể thử nghiệm ở địa phương khác như Phú Quốc, Vân Đồn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Huế. Các mô hình kiểu Singapore, Dublin cần áp dụng ở các đặc khu kinh tế. Vì thiên đường thuế không dễ thực thi ở những Megacity, có thể dẫn tới những hệ lụy khó lường/ hiệu ứng domino đối với thị trường tài chính non trẻ như Việt Nam.