Tăng tốc
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) vừa có văn bản gửi UBND thành phố và Sở Giao thông vận tải (GTVT) về việc báo cáo kế hoạch tổ chức lễ thông xe, đưa vào khai thác dự án xây dựng cầu Rạch Đỉa, nối Quận 7 với huyện Nhà Bè. Theo Ban Giao thông, dự án cầu Rạch Đỉa có tổng mức đầu tư 512 tỷ đồng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố với mục tiêu thay thế cầu Rạch Đỉa cũ đã xuống cấp trầm trọng, không bảo đảm tải trọng, thiếu an toàn cho các phương tiện giao thông. Công trình góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối giao thông khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía nam thành phố. Dự án cầu Rạch Đỉa dự kiến hoàn thành và thông xe vào ngày 30/11, về đích sớm hơn kế hoạch 1 tháng.
Tương tự, từ tháng 11, dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7) sẽ rào chắn một phần mặt đường Nguyễn Văn Linh để thi công, bảo đảm mục tiêu thông xe nhánh hầm HC1 vào tháng 12. Việc sớm thông xe cầu Rạch Đỉa sẽ tạo hướng tuyến mới phân luồng giao thông, góp phần giảm ùn ứ khi thi công dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
Theo đánh giá của ngành giao thông TP Hồ Chí Minh, nếu hai công trình này về đích đúng như kế hoạch, hàng loạt tuyến đường nối từ hướng huyện Nhà Bè, Quận 7 tới trung tâm như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương, Dương Bá Trạc… sẽ được giải tỏa ùn tắc rất lớn, rút ngắn cả thời gian và quãng đường di chuyển cho người dân.
Cũng trong tháng 12, TP Hồ Chí Minh dự kiến thông xe cầu Phước Long hơn 700 tỷ đồng bắc qua rạch Phú Xuân sau nhiều năm lỡ hẹn. Cây cầu góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông trên đường Phạm Hữu Lầu, đồng thời tăng cường kết nối tại cửa ngõ phía nam thành phố.
Tại khu vực phía đông TP Hồ Chí Minh, một nhánh cầu Tăng Long (TP Thủ Đức) dự kiến sẽ thông xe vào tháng 12 tới. Cùng với đó, hầm chui HC1 của dự án nút giao thông An Phú cũng đặt mục tiêu sẽ thông xe cuối năm 2024, chậm nhất là đến tháng 1/2025.
Đặc biệt, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - tuyến đường sắt đô thị hiện đại đầu tiên của TP Hồ Chí Minh đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để đưa vào vận hành chính thức trong tháng 12 tới.
Cùng với đó, dự án xây mới cầu Tân Kỳ Tân Quý; đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; mở rộng đường Dương Quảng Hàm,… thuộc cửa ngõ phía tây và trung tâm thành phố đang gấp rút triển khai thi công để đưa vào sử dụng ngay trong những tháng đầu năm mới 2025.
Theo đánh giá của TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh, năm 2024 đánh dấu bước chuyển mình rất đáng ghi nhận của ngành giao thông TP Hồ Chí Minh khi đã cởi bỏ được rào cản mặt bằng và vốn để khởi công hàng loạt công trình trọng điểm, đưa nhiều dự án hoàn thành như: Cầu Nam Lý (TP Thủ Đức); Rạch Đỉa, Phước Long (huyện Nhà Bè); Bà Hom (quận Bình Tân); Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ),… cùng nhiều dự án mở rộng đường như Tân Kỳ Tân Quý, Tên Lửa, Đồng Văn Cống,... đưa vào khai thác trong năm nay, tạo sự đồng bộ trong sự phát triển chung về hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh.
Nút giao An Phú dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2025. |
Giai đoạn đột phá
Song song đó, mạng lưới giao thông liên vùng nối TP Hồ Chí Minh đang được triển khai mạnh mẽ để hoàn thành trong giai đoạn trước năm 2030. Trong đó, đường vành đai 3 dự kiến hoàn thành cuối năm 2025 và đầu năm 2026. Khi hoàn thành, tuyến đường trọng điểm này sẽ kết hợp với cao tốc Bến Lức - Long Thành (cũng sẽ đưa vào khai thác một số đoạn tuyến cuối năm 2024 và đầu năm 2025) tạo nên vòng tròn hoàn chỉnh kết nối TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Trao đổi ý kiến với phóng viên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô hành khách TP Hồ Chí Minh Lê Trung Tính cho rằng, các dự án đường vành đai, cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với các vùng đã được thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ những năm gần đây. Khi hoàn thành sẽ tạo ra bộ khung giao thông liên vùng, góp phần rút ngắn thời gian đi lại, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
“TP Hồ Chí Minh cần phải quyết tâm đẩy nhanh các dự án mở rộng cửa ngõ, đường dẫn, nút giao và đường kết nối từ cao tốc vào đô thị, tạo nên các trục xuyên tâm, hướng tâm, kết nối khu công nghiệp, khu đô thị, nhà ga, bến cảng, sân bay,... Để làm hiệu quả, việc áp dụng Nghị quyết 98 để triển khai mở rộng các cửa ngõ theo hình thức nhà nước và tư nhân là một trong những phương án khả thi”, ông Lê Trung Tính gợi mở.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2024 là năm bản lề của ngành giao thông thành phố thực hiện những đầu mục quan trọng mà Nghị quyết 98 đã đề ra. Cụ thể là các dự án BOT, BT, triển khai thí điểm TOD và các chính sách chuyển đổi sang phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng xanh... Thời gian tới, thành phố sẽ huy động cao nhất nguồn lực cùng với các cơ chế đột phá để phát triển nhanh hạ tầng giao thông.
Đơn cử như, 5 tuyến đường cửa ngõ TP Hồ Chí Minh kết nối các địa phương lân cận gồm: Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 1, đường trục bắc nam và công trình cầu - đường Bình Tiên, đang được các nhà đầu tư đề nghị triển khai theo hình thức BOT mà Nghị quyết 98 cho phép thành phố làm thí điểm. Đây cũng là các dự án được UBND thành phố giao Sở GTVT thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 98.
Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, tổng 5 dự án dự kiến triển khai sẽ mở rộng thêm 36,5 km đường, thu hồi gần 20 ha diện tích đất và sẽ tác động đến hơn 5.000 hộ dân, với tổng mức vốn đầu tư gần 60.000 tỷ đồng. Theo Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh, Sở phấn đấu cuối năm nay hay đầu năm 2025 sẽ hoàn chỉnh báo cáo, lập dự án khả thi, sau đó tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào quý III hay quý IV/2025.
Bước sang năm 2025, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ hoàn thành nút giao An Phú và các dự án giảm kẹt xe khu vực Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/2025). Cùng thời gian, hàng loạt dự án trọng điểm khác sẽ khởi công như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, mở rộng Quốc lộ 13, các dự án khép kín đường vành đai 2, vành đai 4, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đi bộ Thủ Thiêm, cầu Cần Giờ, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…
Với 5 dự án trên, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98, góp ý thành phố nên tính toán phương án bảo lãnh cho doanh nghiệp trúng thầu được phát hành trái phiếu làm đường. Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí tài chính và không phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng. Dự án nào làm được, rút ngắn được giai đoạn, thiết kế, thi công... nên có quyết định triển khai luôn, khởi công sớm, làm sớm, làm nhanh.
Để đẩy nhanh các dự án trọng điểm của TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi vừa ký ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ...
Theo đó, căn cứ tình hình thực tế xử lý các công trình, dự án tồn đọng trên địa bàn, thành phố tập trung rà soát 5 nhóm. UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức họp với các cơ quan liên quan để tổng hợp danh mục công trình, dự án tồn đọng. Đồng thời, đề xuất danh sách ngắn (khoảng 10 - 20 công trình/dự án) đối với các dự án thuộc 3 nhóm (đầu tư công, đầu tư tư, đầu tư PPP) đang được dư luận quan tâm và có khả năng xử lý dứt điểm trong năm 2024 để thúc đẩy xử lý ngay, song song với quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý tổng thể tất cả các dự án vướng mắc.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu, đối với những nội dung công việc thuộc thẩm quyền, chủ động có giải pháp xử lý ngay, dứt điểm các vướng mắc. Đối với nội dung vượt thẩm quyền, khẩn trương rà soát, báo cáo rõ nội dung vướng mắc về cơ chế chính sách, về quy định pháp luật; đề xuất giải pháp xử lý, cơ quan có trách nhiệm giải quyết và cấp có thẩm quyền quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo kịp thời.