Hướng tới sản xuất thông minh

Tại buổi tọa đàm về Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh - cơ hội cho doanh nghiệp Việt mới diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 11 vừa qua, nhiều chuyên gia có chung nhận định, chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp (DN) nâng cao vị thế, trình độ quản trị và công nghệ cũng như hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh nhờ chuẩn hóa theo mô hình nhà máy thông minh. Để làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực của DN cũng cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành khơi thông dòng chảy.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp chú trọng đầu tư máy móc để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: NGUYỆT ANH
Các doanh nghiệp chú trọng đầu tư máy móc để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: NGUYỆT ANH

Xu thế tất yếu

Thực tế cho thấy, việc ứng dụng chuyển đổi số tại DN công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh còn thấp, hầu hết các DN đang phải đối mặt với những rào cản như thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong DN...

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương) Chu Việt Cường cho biết, thời gian qua, Cục Công nghiệp đã thường xuyên tổ chức hoạt động hỗ trợ các DN công nghiệp, đặc biệt là DN công nghiệp hỗ trợ áp dụng các mô hình chuyển đổi số và phát triển nhà máy thông minh, mục đích để hỗ trợ các DN công nghiệp nâng cao năng lực và tối ưu hóa quá trình sản xuất, đáp ứng chuỗi cung ứng, chuỗi cạnh tranh trên toàn cầu.

Dù vậy, chuyên gia ILO, Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam Trần Kiên Dũng chỉ ra, 80% số DN thất bại trong chuyển đổi số là do quyết định hơi vội vàng khi chưa có một chiến lược hay lộ trình phù hợp, như giải pháp về công nghệ phù hợp, hay tài chính, nguồn lực...

Đồng quan điểm, ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT) cho hay, đối với các DN, có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức phải giải quyết. Hiện, Chính phủ cũng đang rất nỗ lực hỗ trợ các DN từ nguồn lực tài chính, chẳng hạn như cho vay vốn, ưu đãi về thuế thu nhập, cũng như tạo điều kiện cho DN đầu tư về máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất thử nghiệm các linh kiện, sản phẩm tinh khó, hay các sản phẩm mới. Bởi, đối với các lĩnh vực về sản xuất cũng như nhà máy thông minh, có thể thấy việc chuyển đổi số đã xuất hiện khá nhiều và khá lâu trên thị trường và trong nhiều lĩnh vực khác. Đơn cử, các sàn thương mại điện tử hiện nay như Shopee, Amazon... đã gần như thay thế toàn bộ phương thức mua bán truyền thống.

Là DN trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử cho các đối tác FDI tại Việt Nam và ở nước ngoài, ông Trần Đức Tùng chia sẻ, nếu như thiếu việc sản xuất thông minh cũng như ứng dụng các kỹ thuật IoT và quản trị dữ liệu doanh nghiệp tập trung thì chúng ta rất khó có thể cạnh tranh và tạo được hiệu quả trong quá trình quản trị doanh nghiệp. Ở Hanel PT đã có những hoạt động tiếp cận với việc chuyển đổi số và quản trị dữ liệu thông minh từ rất sớm. Đến năm 2024, Hanel PT đã có thể tăng trưởng 300% về doanh số.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh, Quản lý dự án Công ty CP đầu tư AMA Holdings cho biết, DN đã chuyển đổi toàn bộ cơ chế sang số hóa, ở mức trao đổi thông tin từ vấn đề sản xuất, đầu vào vật liệu được mã hóa trên hệ thống, tiếp theo đến phần kho, kho nhập liệu rồi sản xuất trên từng dây chuyền. Đó là những kết quả rất lớn DN đã làm được trong quy trình sản xuất. Tiếp nữa là công ty có thể quản lý việc xuất hàng, sản phẩm vào từng thời điểm cho khách hàng với số lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào…

Tự nỗ lực và mong chính sách đồng hành

Từ thực tế hoạt động, ông Trần Đức Tùng chỉ ra kinh nghiệm, DN muốn chuyển đổi số phải triển khai được trong phần hiện trường, phải tiêu chuẩn hóa, đưa IoT (internet vạn vật) vào, các vật tư chuẩn hóa trong quá trình sản xuất. Sau đó, các quá trình tiếp theo làm software (phần mềm) hay DRP (hoạch định phân phối tài nguyên) mới có thể khả thi. Để có thể nắm bắt được các xu hướng chuyển đổi số, DN cũng cần phải đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, áp dụng các công nghệ tiên tiến như big data (dữ liệu lớn), IoT,… Thứ hai là đào tạo về kỹ năng, công nghệ cho đội ngũ cán bộ quản lý, thậm chí đến đội ngũ nhân viên và phát triển đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược. Thứ ba là tăng cường hợp tác quốc tế với các tập đoàn lớn để giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn trong áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất. Thứ tư là hướng đến phát triển bền vững và tiết kiệm năng lượng.

Ông Trần Kiên Dũng (chuyên gia ILO, Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam) đưa ra lời khuyên, DN có thể chia chuyển đổi số thành 2 nhóm: IT (Information Technology - Công nghệ thông tin) và OT (Operational Technology - Công nghệ vận hành). Hai công nghệ này phải vận hành song song và đồng bộ với nhau. Sau tất cả những việc đó mới bắt đầu số hoá những dữ liệu đã thu nhận được về ánh xạ lên phần mềm và kết hợp nhuần nhuyễn giữa IT và OT. Lúc này, lựa chọn giải pháp nào thì chúng ta sẽ chưa có một bài toán chính xác mà phải tùy thuộc vào từng doanh nghiệp. “DN hãy ngay lập tức nghĩ đến con đường chuyển đổi số trước mắt và tìm ra đâu sẽ là điểm bắt đầu. Bên cạnh đó, DN cần những cơ chế, chính sách để khuyến khích họ tham gia vào hoạt động này. Nếu như có một đơn vị đứng ra tổ chức thành một nhóm, một hiệp hội nào đó để cho các doanh nghiệp có thể cùng bắt tay nhau, cùng phát triển thì sẽ tạo nên sức lan tỏa rất lớn và mang lại giá trị cho tất cả các bên”.

Giải quyết vấn đề, Quản lý dự án Công ty CP đầu tư AMA Holdings, ông Nguyễn Văn Minh mong muốn Cục Công nghiệp, Bộ Công thương sẽ tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ, trước tiên là một nhóm, sau đó là một hệ thống để DN trong nước có được sức cạnh tranh.

Từ thực tế, ông Chu Việt Cường thông tin, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số như nghiên cứu, rà soát, đề xuất và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số.

Ngoài ra, có thể sẽ ban hành chương trình hỗ trợ sản xuất công nghiệp hướng tới áp dụng 4.0 và tiến tới thông qua chuyển đổi số để phát triển nhà máy thông minh cho tới giai đoạn 2030. Tiếp đó là tiếp tục hỗ trợ các DN trong quá trình đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên về chuyển đổi số nhằm mục đích nâng cao nhận thức về việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Về phía các ban, ngành liên quan và địa phương cũng sẽ hỗ trợ các DN giảm thấp nhất các thủ tục về hành chính, về pháp lý để DN có thể tiếp cận với chuyển đổi số và nhà máy thông minh nhanh hơn. Đối với các tổ chức tài chính như ngân hàng, cần có những chính sách ưu đãi về thuế hay cho vay tín dụng, vay vốn trong thời gian dài hạn hơn và lãi suất thấp hơn. Đối với các hiệp hội, ngành nghề sẽ là cầu nối giữa các DN với nhau để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số hay là áp dụng các mô hình quản lý nhà máy thông minh trong quá trình sản xuất và quản lý.

Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng tiếp tục xu hướng dịch chuyển và chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh, DN Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để tạo ra những bước phát triển mới và nâng cao năng lực cạnh tranh. Những quá trình cải tiến chuyển đổi số, hình thành sản xuất thông minh mà các doanh nghiệp đạt được không chỉ nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự hướng dẫn của các chuyên gia, mà còn cần sự quyết tâm đầu tư mạnh mẽ cũng như sự nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên trong mỗi DN. Nắm bắt được những cơ hội từ xu hướng cộng thêm sự quyết tâm chuyển đổi của các doanh nghiệp sẽ tạo đà cho các DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam.

Theo ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương): Cơ hội rất nhiều nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Cơ hội là các doanh nghiệp sẽ đi tắt, đón đầu, nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để phục vụ công tác chuyển đổi số của mình. Còn thách thức chính là về ý chí của lãnh đạo; về công nghệ; và về hạ tầng kỹ thuật; về con người và các mối quan hệ quốc tế…