Lựa chọn mô hình trung tâm tài chính quốc tế (kỳ 2)

Kỳ 2: Những câu hỏi cần lời giải
0:00 / 0:00
0:00
Đà Nẵng là địa điểm tiềm năng để mở trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: NAM NGUYỄN
Đà Nẵng là địa điểm tiềm năng để mở trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: NAM NGUYỄN

Mô hình Trung tâm tài chính quốc tế hình thành do nhu cầu phát triển của quốc gia và sự lớn mạnh của nền kinh tế gắn với các hoạt động giao thương, công nghiệp, thị trường vốn và dịch vụ phụ trợ (bán cổ điển).

Định hình và phát triển trung tâm tài chính quốc tế cũng giống như các ý tưởng, nhu cầu khác. Để đạt được thành công, cần bắt đầu bằng tầm nhìn, xây dựng chiến lược, kế hoạch thực thi. Trong đó, việc chuẩn bị kế hoạch chiến lược bao gồm các yếu tố phải được hệ thống hóa.

Việt Nam cần có trung tâm tài chính quốc tế

Thực tế cho thấy, mỗi quốc gia trong nhóm G20 đều có ít nhất một trung tâm tài chính toàn cầu nằm trong tốp 30 của của The Global Financial Centres Index (GFCI). Đây không phải là sự ngẫu nhiên mà là một thông lệ phát triển. Do đó, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2045, việc hình thành và phát triển trung tâm tài chính toàn cầu không chỉ là tất yếu mà còn là điều kiện cần và đủ để bảo đảm sự phát triển bền vững của quốc gia.

Thủ đô Hà Nội đã từng là trung tâm tài chính quốc tế từ khi là thủ phủ của Liên bang Đông Dương vào năm 1902 với biểu tượng là trụ sở chi nhánh Ngân hàng Đông Dương (thuộc Pháp) tại 49 Lý Thái Tổ. Đáng tiếc rằng chúng ta chưa kế thừa và phát huy giá trị của lợi thế này một cách liên tục.

Để trở thành một cường quốc kinh tế, điều kiện tiên quyết là quốc gia phải trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu trên cơ sở phát triển thị trường tiền tệ, thị trường thương mại, thị trường vốn (đáp ứng nhu cầu đầu tư trong nước và quốc tế) và các dịch vụ phái sinh. Chúng ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, mở cửa trong nhiều lĩnh vực nhưng riêng thị trường tài chính thực tế vẫn chưa mở cửa. Thị trường tài chính nên được xây dựng trên cơ sở phát triển mạng lưới các trung tâm trong nước một cách đồng bộ, đủ khả năng chống chịu các biến động của thị trường quốc tế.

Trung tâm tài chính truyền thống thì chúng ta đã từng có, nhưng vì những lý do lịch sử nên không thể phát triển kế thừa lợi thế này. Về mặt chức năng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn được xem như hai trung tâm tài chính quốc tế, với hình ảnh biểu tượng có thể nhìn thấy được tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và Quận 1 (TP Hồ Chí Minh). Tuy vậy, do hạn chế về quy hoạch đô thị, 2 trung tâm này đang bị kìm hãm phát triển một cách đáng kể.

Các mô hình trung tâm tài chính quốc tế có thể tạm định dạng theo các nhóm. Mô hình truyền thống, phát triển tự nhiên, trưởng thành theo thời gian một cách chậm rãi và bền vững như London (Anh), Paris (Pháp), Washington D.C. (Mỹ)... Các trung tâm này thường là các thủ đô lâu đời, nơi hoạch định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và toàn cầu, gắn chặt với tư cách, vị thế và thương hiệu quốc gia.

Mô hình trung tâm tài chính quốc tế hình thành do nhu cầu phát triển của quốc gia và sự lớn mạnh của nền kinh tế gắn với các hoạt động giao thương, công nghiệp, thị trường vốn và dịch vụ phụ trợ (bán cổ điển). Vị thế của các trung tâm này phụ thuộc vào tầm ảnh hưởng tới thị trường giao thương, tính thích nghi với sự chuyển đổi công nghệ gắn với công nghiệp và quy mô của thị trường vốn mà nó chi phối, điều tiết. Mô hình trung tâm tài chính này thường được hình thành tại các thành phố cảng truyền thống như New York (Mỹ), Hồng Công (Trung Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc)...

Mô hình trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới, được hình thành theo các định hướng chiến lược quốc gia, với các ưu việt về công nghệ mới và thể chế, sách lược, dịch vụ tài chính đặc biệt, các đặc khu do chính phủ các quốc gia thành lập trên nền tảng thị trường hoặc trên lợi thế cạnh tranh quốc gia. Các trung tâm này thường được đặt ở khu vực có tính biệt lập, các khu thương mại tự do hoặc đặc khu có chính sách riêng như Dubai (UAE), Singapore, Dublin (Ireland)...

Có một số trường hợp cần đặc biệt lưu ý: Các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới như New York, London, Hồng Công (Trung Quốc) Singapore, San Francisco đều là những mô hình tích hợp 3 mô hình nêu trên (trung tâm truyền thống gắn với giao thương, công nghiệp, công nghệ và đổi mới sáng tạo); nơi khởi xướng các xu hướng, thiết lập các định chế tài chính toàn cầu. Các trung tâm “ngôi sao” như Dubai (UAE), Dublin (Ireland), Busan (Hàn Quốc), Thâm Quyến (Trung Quốc)… đều trực tiếp hoặc gián tiếp có được sự ủy trị, tín thác, bảo trợ, liên thông hay tốt nhất là đối ngẫu từ các định chế, trung tâm tài chính hàng đầu thế giới nêu trên.

Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nằm trong tốp 20 thế giới về giao dịch thương mại, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin tiến xa hơn về quy mô thị trường. Việt Nam đã có trung tâm tài chính quốc tế được ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh nhưng mới ở mức độ thứ cấp. Năm 2022, TP Hồ Chí Minh lần đầu được vào danh sách GFCI G31 với thứ hạng (102)… Năm 2024, GFCI G35 với thứ hạng (108); GFCI G36 với thứ hạng (105), đều nằm ngoài tốp 100.

Việt Nam nên chọn mô hình nào?

Nếu phát triển trung tâm tài chính quốc tế theo mô hình truyền thống, phát triển tự nhiên, trưởng thành theo thời gian một cách chậm rãi và bền vững với vai trò chủ đạo là hoạch định chính sách, đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, dịch vụ tài chính thì lựa chọn số một là Hà Nội. Địa điểm truyền thống là quận Hoàn Kiếm, địa điểm mở rộng là khu vực tây Hồ Tây.

Các thủ đô truyền thống thể hiện sự bền vững cao khi phát triển thành trung tâm tài chính, minh chứng là London và Washington D.C. duy trì vị trí tốp đầu trong GFCI nhiều năm liên tiếp. Sự tập trung của các định chế quan trọng như Bank of England tại London hay Tokyo Stock Exchange, cùng với khả năng phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng (London sau năm 2008, Tokyo sau động đất năm 2011) cho thấy sức mạnh nội tại của các trung tâm này.

Nếu phát triển trung tâm tài chính quốc tế theo mô hình gắn với các hoạt động giao thương, công nghiệp, công nghệ kỹ thuật, thị trường vốn và dịch vụ phụ trợ (bán cổ điển) thì lựa chọn số một là TP Hồ Chí Minh. Địa điểm truyền thống là Quận 1, địa điểm mở rộng là bán đảo Thủ Thiêm.

Việc chưa phát triển được trung tâm tài chính tại khu vực Quận 1, TP Hồ Chí Minh hay quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội (đều là trung tâm kinh tế, tài chính với lịch sử hàng trăm năm) cho thấy chúng ta vẫn chưa có cơ chế quy hoạch đô thị thật sự hiệu quả, vô hình trung ảnh hưởng tới sự phát triển nhanh và bền vững của quốc gia.

Nếu Việt Nam lựa chọn phát triển theo mô hình trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới, thì việc lựa chọn địa điểm cần được mở rộng ra nhiều địa phương, không giới hạn ở các đô thị lớn truyền thống. Các địa phương có thể đề xuất sáng kiến và tham gia cạnh tranh để tìm ra nơi có ưu thế và năng lực thực thi tốt nhất. Một số địa điểm tiềm năng có thể kể đến như: Đà Nẵng, Hải Phòng, Phú Quốc (Kiên Giang)... Những nơi này đều có điều kiện để áp dụng chính sách đặc thù về công nghệ, thể chế và dịch vụ tài chính như mô hình đã được triển khai thành công tại nhiều quốc gia.

Nhiều chuyên gia và tổ chức vẫn thường xem trung tâm tài chính quốc tế đơn thuần như một công trình xây dựng hoặc một khu chức năng đô thị. Quan điểm này không sai, nhưng chưa đầy đủ. Thực tế, mọi trung tâm tài chính đều cần một công trình hoặc khu vực mang tính biểu tượng. Ngay cả trong thời đại công nghệ số, các giao dịch quy mô lớn vẫn đòi hỏi sự tương tác trực tiếp và yếu tố cảm xúc, do đó cần có một địa điểm cụ thể để xây dựng lòng tin.

Nhưng thêm vào đó, trung tâm tài chính quốc tế cần được nhìn nhận như một sinh thể, trong đó ba yếu tố - thị trường (trực tiếp, ảnh hưởng và kết nối), địa điểm (tạo niềm tin) và công trình (tạo cảm hứng qua biểu tượng) - cùng tồn tại và phát triển.

Chu kỳ cách mạng công nghệ đã rút ngắn đáng kể - từ 50 năm, 30 năm, 20 năm giờ đây chỉ còn 15 năm, thậm chí 5 năm, thật không dễ để tiên lượng trước khi ở ngoài dòng chảy đương đại của tài chính thế giới. Nếu để chọn lại một cách khách quan thì dường như TP Hồ Chí Minh luôn có đủ sự mong muốn, điều kiện cần để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, nhưng điều kiện đủ thì dường như chưa trúng. Vẫn còn thiếu một số yếu tố nào đó để chắc chắn.

(Còn nữa)

Lựa chọn mô hình trung tâm tài chính quốc tế (kỳ 1)