Ngân hàng với cuộc đua tăng lãi suất huy động

Trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng cao vào dịp cuối năm, đặc biệt là đối với vốn trung và dài hạn, nhiều ngân hàng đã cạnh tranh nhau để tăng lãi suất huy động. Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về việc điều này trở thành gánh nặng cho các ngân hàng thương mại nếu tiếp tục duy trì mức lãi vay thấp.
0:00 / 0:00
0:00
Từ đầu tháng 11/2024 đến nay, đã có nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Ảnh: SONG ANH
Từ đầu tháng 11/2024 đến nay, đã có nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Ảnh: SONG ANH

Tổng vốn huy động của toàn ngành ngân hàng tính đến ngày 30/9/2024 đạt 14,5 triệu tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay là 14,7 triệu tỷ đồng. Dự tính, đến hết tháng 10/2024, tổng vốn huy động sẽ vượt mốc 15 triệu tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử, nhưng tín dụng ghi nhận tăng trưởng hơn 10%, tương đương khoảng hơn 16 triệu tỷ đồng.

Huy động vốn không theo kịp tăng trưởng tín dụng

Mức chênh lệch giữa huy động và cho vay được thể hiện rõ nét tại báo cáo tài chính quý III/2024 của các ngân hàng. Đơn cử, tại Techcombank, tính đến cuối tháng 9/2024, tăng trưởng tín dụng ngân hàng mẹ tăng 17,4%, lên 622.100 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 8,9%, đạt 495.000 tỷ đồng.

Tại MB, hết quý III/2024, cho vay khách hàng ghi nhận tăng 14,9%, đạt 702.020 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 10,6%, đạt 627.567 tỷ đồng. Tương tự, tại ACB, tín dụng đạt 555.000 tỷ đồng, tăng 13,8%, còn huy động vốn đạt 512.000 tỷ đồng, tăng 6,1%; VPBank ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,19%, đạt 635.344 tỷ đồng, trong khi tiền gửi tăng 7,55%, đạt 475.782 tỷ đồng….

Khảo sát thực tế cho thấy, từ đầu tháng 11/2024 đến nay, hơn mười ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Đáng chú ý, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã tăng lên 5,95%/năm, trong khi kỳ hạn 13 tháng chính thức vượt ngưỡng 6%/năm. Mức lãi suất hơn 6%/năm cho các kỳ hạn dài hiện đã xuất hiện tại nhiều ngân hàng.

Thực tế, các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi chủ yếu vì lãi suất đã giảm sâu trong thời gian qua. Việc này giúp các ngân hàng duy trì thị phần và thu hút nguồn tiền gửi khi nhu cầu tín dụng dần hồi phục.

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng thương mại phụ thuộc vào thanh khoản của từng ngân hàng. Những ngân hàng có khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lãi suất huy động, trong khi những ngân hàng khó đạt được tăng trưởng tín dụng vào cuối năm sẽ khó tăng lãi suất. Các ngân hàng quốc doanh thường có thanh khoản tốt hơn so với các ngân hàng nhỏ.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế sẽ có sự phát triển tích cực hơn với nhiều điểm sáng trong sản xuất và kinh doanh, do đó các ngân hàng cần chuẩn bị nguồn vốn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn cuối năm. Ngoài ra, việc tăng lãi suất huy động sẽ giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro thanh khoản, bảo đảm dòng tiền cho các hoạt động cho vay, đồng thời duy trì sự ổn định cho hệ thống tài chính. Bên cạnh nhu cầu tăng trưởng tín dụng, việc tăng lãi suất huy động cũng là một chiến lược để ngân hàng cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.

Lãi suất cho vay có thể trở nên “đắt đỏ”?

Nhiều ý kiến cho rằng, với động thái tăng lãi suất huy động sẽ khiến chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng, tác động đến biên lãi ròng nên có thể sẽ tăng lãi suất cho vay để bù đắp.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ThS Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với một số thách thức từ bối cảnh kinh tế toàn cầu. Một trong những rủi ro chính là khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ.

Trong thực tế, áp lực lên tỷ giá hối đoái và dòng vốn vào Việt Nam đã tăng mạnh trong năm 2023 và chỉ giảm nhẹ trong quý đầu năm 2024. Điều này đòi hỏi chính sách tiền tệ của Việt Nam phải linh hoạt và thận trọng hơn bao giờ hết.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường tại Công ty chứng khoán KB Việt Nam cũng cho rằng, lãi suất cho vay có thể tăng trở lại trong thời gian tới, tạo áp lực đối với các doanh nghiệp. Nguyên nhân chính là do nền kinh tế đang có sự hồi phục tích cực, khiến các ngân hàng có thể giảm dần các chương trình hỗ trợ khách hàng như giai đoạn đầu năm nay.

Đặc biệt, Thông tư 02/2022/TT-NHNN về tái cơ cấu nợ sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay, trong khi chất lượng tài sản của toàn ngành vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Vì vậy, các ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay để bù đắp cho những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến khả năng trả nợ của khách hàng trong tương lai.

Tuy nhiên, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank cũng cho rằng, lãi suất huy động hiện chỉ tăng nhẹ và vẫn ở mức thấp. Ngành ngân hàng đã vượt qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản và sẵn sàng đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024, cũng như 14-15% trong năm 2025.

Thêm vào đó, xu hướng giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giúp các ngân hàng nhận được thêm dòng vốn nước ngoài, ổn định chi phí vốn và tạo điều kiện duy trì lãi suất vay ổn định hơn trong thời gian tới.

Về lãi suất cho vay, ông Nam khẳng định rằng, với mức tăng trưởng GDP khoảng 7% và lạm phát kiểm soát tốt như hiện nay, lãi suất cho vay vẫn đang hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi và hiệu quả sẽ dễ dàng đạt được lợi nhuận trong môi trường lãi suất hiện tại.

Đồng tình, các chuyên gia từ Ngân hàng UOB nhận định, rủi ro lạm phát và tình hình quốc tế hiện tại có thể khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) áp dụng một cách tiếp cận hỗ trợ tập trung hơn vào các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thay vì triển khai một biện pháp hỗ trợ rộng rãi toàn quốc như cắt giảm lãi suất. Vì vậy, khả năng cao NHNN sẽ giữ nguyên mức lãi suất điều hành hiện tại, đồng thời tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và triển khai các biện pháp hỗ trợ khác.

Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng khẳng định, "không có chuyện 14 - 15 triệu tỷ đồng nằm yên tại ngân hàng," bởi hiện nay tín dụng toàn hệ thống đã vượt mức huy động vốn. Các ngân hàng thương mại đang phải sử dụng vốn điều lệ để bổ sung và bù đắp phần thiếu hụt do huy động vốn thấp hơn dư nợ tín dụng.

Tại kỳ họp Quốc hội gần đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, nhu cầu tín dụng đang tăng, gây áp lực lên lãi suất, trong khi nợ xấu tiếp tục là trở ngại khiến các ngân hàng khó giảm thêm lãi suất cho vay. Dù vậy, NHNN cam kết sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm mặt bằng lãi suất cho vay và chỉ đạo các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến ngày 27/9/2024, huy động vốn toàn hệ thống tăng 4,79% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng tăng 8,53%. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vay vốn tăng cao dịp cuối năm, các ngân hàng đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh huy động vốn.