Mới đây, Bộ Tài chính đã có Dự thảo đề nghị xây dựng nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng với đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trong 6 tháng đầu năm 2025. Nếu được thông qua thì đây là lần thứ 5 Việt Nam thực hiện chính sách này.
Người dân và doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ
Thường xuyên đi siêu thị để mua thực phẩm tươi sống và các mặt hàng thiết yếu, chị Lan (sống tại Hà Nội) chia sẻ, mỗi tuần chị phải bỏ ra hơn 2 triệu đồng. Tuy vậy, thuế VAT được giảm 2% nên tiết kiệm được khoảng 40.000 đồng. Dù không nhiều, nhưng trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng tăng, việc giảm thuế giúp chị có thêm một phần tiền để mua hàng hóa phục vụ sinh hoạt hằng ngày. “Tôi mong chính sách này sẽ tiếp tục được kéo dài trong năm 2025”.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị GO! Thăng Long, sức mua của người dân vẫn duy trì đà tăng, song ở mức thấp. Đáng chú ý, cơ cấu giỏ hàng tập trung vào các sản phẩm tươi sống, rau củ quả, thịt cá và các sản phẩm thiết yếu khác như đường sữa, trứng và các loại đồ khô... Còn đối với các mặt hàng gia dụng, điện máy, thời trang có xu hướng giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, ông Tuấn vẫn lạc quan về sức mua trong năm tới khi kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng ở mức 7%. “Nếu được tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong thời gian tới, các doanh nghiệp và hệ thống phân phối kỳ vọng sẽ thúc đẩy sức mua”.
Trong lĩnh vực sản xuất, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn may Hồ Gươm cho biết, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của dệt may đều có tín hiệu phục hồi tích cực. Dự kiến, tổng doanh thu trong năm 2024 của doanh nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy vậy, hiện đơn giá trong nước và xuất khẩu vẫn chưa có sự cải thiện, thậm chí có những mặt hàng còn thấp hơn cả năm 2023. Vì vậy, doanh nghiệp đánh giá cao việc Chính phủ đề xuất kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2%, từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, đưa sức tiêu thụ tăng mạnh hơn.
Theo cơ quan soạn thảo, việc giảm thuế VAT 2% đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Ước tính, người dân và doanh nghiệp có thể tiết kiệm được 47 nghìn tỷ đồng trong năm 2024 từ việc giảm thuế VAT 2%. Còn nếu tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2025 sẽ tiết kiệm được 25 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng. Như vậy, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.
Cân nhắc giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa
Theo Bộ Tài chính, nhóm ngành viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản,... tiếp tục không được áp dụng giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2025. Trên thực tế, chính sách này được áp dụng nhất quán từ năm 2022 - 2024 xuất phát từ việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 43/2022, ban hành trong bối cảnh dịch Covid-19. Do đó, một số mặt hàng không chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh như: Tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, viễn thông,... không được áp dụng mức giảm này.
Liên quan các nhóm ngành bị loại trừ, khi góp ý đối với Đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính, dù hoàn toàn đồng tình với việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% là cần thiết, song Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục bảo lưu ý kiến giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%, thay vì có một số loại trừ.
Lý giải cho góp ý này, VCCI cho biết, theo ghi nhận, các doanh nghiệp gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%. Dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022; Nghị định 44/2023; Nghị định 72/2024 hướng dẫn, nhưng quá trình triển khai vẫn còn nhiều lúng túng.
Cụ thể, những nghị định này được xây dựng dựa trên mã ngành kinh tế Việt Nam, trong khi văn bản này trước nay chủ yếu được sử dụng với mục đích thống kê chứ hiếm khi được coi là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Việc cụ thể hóa các nhóm hàng hóa, dịch vụ rất khó khăn, đặc biệt là đối với những trường hợp không có pháp luật chuyên ngành. Đơn cử, nhóm hàng hóa viễn thông và công nghệ thông tin rất khó xác định do không có định nghĩa rõ ràng trong các văn bản pháp luật khác.
Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác cũng gặp vướng mắc phân loại như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất hóa chất cũng rất chung chung và khó phân loại. Nhiều trường hợp doanh nghiệp tra cứu phụ lục của những nghị định hướng dẫn nêu trên nhưng không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%.
Khó khăn trong việc xác định thuế suất 8% hay 10% gây nhiều chi phí xã hội và làm tăng rủi ro của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phản ánh họ phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Không ít doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất được về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng. Đã có trường hợp doanh nghiệp thực hiện các gói thầu xây lắp phát sinh tranh chấp với đối tác khi quyết toán chỉ vì hai bên có quan điểm khác nhau về mức thuế suất.
Việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2022. Năm 2023, việc giảm thuế trong 6 tháng cuối năm đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng. Năm 2024, số tiền được giảm ước khoảng 49 nghìn tỷ đồng.