Năm 2024, Bình Định là một trong những tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi. Các loại cây trồng như bưởi, dừa và xoài đạt năng suất cao, mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, Bình Định đang trở thành vùng chăn nuôi lớn của cả nước với tổng đàn heo, bò và gà tăng trưởng mạnh. Các doanh nghiệp có nhiều cơ hội để hình thành sản phẩm tập trung theo hướng trang trại, ứng dụng công nghệ cao, gắn với các dự án chế biến gia súc, gia cầm nhằm nâng cao giá trị ngành chăn nuôi, tiến tới xuất khẩu và hình thành thương hiệu tầm quốc tế.
Nhiều chuyển biến tích cực
Hiện nay, việc ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất đang từng bước được đẩy mạnh để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để đưa các giống mới vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đặc biệt, các mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP được triển khai rộng rãi, sản phẩm đạt chất lượng cao và an toàn cho người tiêu dùng.
Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm như: Chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ heo thịt tại Hoài Ân, Hoài Nhơn; chuỗi bò thịt chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định” đang được triển khai thực hiện đã tạo ra giá trị nông phẩm khá lớn. Các trang trại nuôi bò tại đây không chỉ chú trọng đến giống, mà còn cải tiến quy trình chăm sóc, thức ăn và điều kiện sống. Bò được nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên, thoáng đãng và được chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt, bảo đảm chất lượng thịt cao với hương vị đặc trưng.
Ít ai biết rằng, cây ớt cũng là thế mạnh của Bình Định. Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nhiều trang trại trồng ớt đã chú trọng quy trình canh tác từ chọn giống, chăm sóc cây trồng đến thu hoạch và bảo quản. Nhờ đó, cây ớt không chỉ đạt năng suất cao mà còn bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Bà Trần Thị Thủy, Giám đốc Công ty Chế biến nông sản, lương thực, thực phẩm xuất khẩu Trần Gia cho biết, công ty đang đầu tư vào dự án chế biến ớt muối tại cụm công nghiệp Đại Thạnh, huyện Phù Mỹ và đặt mục tiêu từ nay đến năm 2027 tiêu thụ từ 6.000 đến 10.000 tấn ớt mỗi năm, tương đương với diện tích 300 ha vùng trồng.
Hiện tại, Trần Gia đã xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết sản xuất tiêu thụ ớt tươi tại xã Cát Tài, huyện Phù Cát, với diện tích 5 ha. Việc mở rộng vùng nguyên liệu không chỉ giúp công ty đáp ứng được nhu cầu lớn mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân địa phương phát triển kinh tế. Công ty Trần Gia hy vọng dự án này sẽ tạo ra bước đột phá trong ngành chế biến ớt muối xuất khẩu, đưa thương hiệu ớt Bình Định vươn xa trên thị trường quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, thời gian qua, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực, người nông dân ngày càng chủ động hơn trong việc tìm kiếm đầu ra sản phẩm. Họ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các kênh truyền thống mà đã biết tận dụng hệ thống đại lý thu mua tại địa phương. Sự linh hoạt và năng động này đã giúp nông dân tìm được nhiều cơ hội tiêu thụ sản phẩm hơn, từ đó nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Thay đổi cách thức sản xuất
Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm nông nghiệp bền vững và tất cả các thành phần tham gia cùng đạt mục tiêu lợi nhuận. Tất cả các bên cùng đạt mục đích kinh doanh trên trục lõi chính là người sản xuất, bà con nông dân, hợp tác xã. Tiếp đến là thay đổi nhận thức, cách làm tất cả các khâu sản xuất nông nghiệp. Từ khâu đầu vào, giống, phương thức sản xuất, kỹ thuật, công nghệ, tổ chức nuôi trồng của bà con nông dân đến khâu tiêu thụ, chế biến.
Với hai mục tiêu này, tỉnh Bình Định xác định các sản phẩm chủ lực sẽ gắn với thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên chứ không chạy theo lợi ích trước mắt. Đồng thời hướng tới sản phẩm có giá trị kinh tế cao và xác định các sản phẩm chủ lực, để từ sản phẩm chủ lực đó tập trung tổ chức sản xuất theo hướng vùng nguyên liệu lớn, bảo đảm các tiêu chuẩn, quy định nhằm thu hút các nhà máy chế biến. Khi có nhà máy chế biến, một phần sẽ bán ra tiêu dùng tại địa phương và trong nước, một phần để xuất khẩu.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định cho biết, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh khá đa dạng, tuy nhiên, hầu hết sản phẩm năng suất và sản lượng thấp. Qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phiên chợ nông sản cho thấy khả năng cung cấp hàng hóa hạn chế, nhiều chủ thể chỉ đủ hàng buôn bán trong vài ngày. Có sản phẩm khi khách hàng yêu cầu số lượng lớn, cung cấp đều đặn thì không thể đáp ứng. Nông dân nuôi trồng, sản xuất sản phẩm nông nghiệp phần lớn chưa đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn phổ biến như: GlobalGAP, VietGAP, OCOP… chưa xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả để triển khai xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm.
Đặc biệt công tác cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước ngoài còn bỏ trống. Do vậy, để gỡ nút thắt đối với khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và phát triển ngành nông nghiệp, trước hết cần hình thành các chuỗi liên kết nuôi trồng, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã làm đầu mối trong việc tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng, nhận chuyển giao công nghệ, làm đầu mối thu gom nông sản, sơ chế, chế biến, đàm phán giá cả, hợp đồng, tiếp cận thị trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, sản phẩm nông nghiệp và làng nghề ở Bình Định rất phong phú, ngon và nổi tiếng. Tuy nhiên nhiều nơi sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa bài bản và nếu nói về diện rộng là chưa an toàn, bà con khó làm giàu được trên mảnh đất của mình. Hiện nay còn thiếu các nhà máy chế biến sâu để giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.
“Thời gian tới tỉnh sẽ tập trung mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, giúp cho bà con nhìn thấy lợi ích, yên tâm tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, các doanh nghiệp chế biến sẽ hướng dẫn, theo sát để bảo đảm quy trình chất lượng. Các doanh nghiệp này sẽ giúp bà con có thêm nguồn lực để thay đổi từ khâu đầu tư ban đầu, tận thu được hết các sản phẩm để có hiệu quả và từ hiệu quả đó sẽ giúp bà con tuân thủ quy trình sản xuất, kinh doanh”, ông Tuấn cho biết.
Bình Định hiện có tổng đàn bò lên tới 308,6 nghìn con, đứng vị trí thứ nhất trong toàn vùng. Ngoài ra tỉnh còn có thể mạnh với các cây: Lúa, ớt, lạc, sắn, dừa, bưởi, xoài… Hầu hết đều có tiềm năng phát triển thành hàng hóa xuất khẩu.