Trở lại quỹ đạo thông thường
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, trong năm 2024, sản lượng xuất khẩu cá của doanh nghiệp tăng từ 10 - 20%. Cụ thể, những năm trước mỗi tháng xuất khoảng 300 container thì năm nay mỗi tháng xuất khoảng 360 container. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, nhiều thị trường đang yêu cầu giao hàng nhanh với số lượng lớn. “Chúng tôi vẫn đang chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào khá tốt để sẵn sàng đáp ứng đơn hàng cho các đối tác quốc tế”.
Tương tự, ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa tại tỉnh Cà Mau (chuyên xuất khẩu mặt hàng tôm) cho biết, thị trường nhập khẩu hiện có nhu cầu cao, nhất là Trung Quốc và Trung Đông. Nhiều nhà mua hàng ở Trung Quốc đang bán hàng trực tiếp cho khách lẻ qua kênh thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng cao nên cần lượng hàng lớn. Họ đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn Ecuador, Ấn Độ nên chấp nhận giá cao hơn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi đạt mức 1 tỷ USD trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản tháng 11 đã chững lại. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2023, giá trị xuất khẩu ngành hàng này vẫn tăng 17%, đạt 924 triệu USD. Lũy kế đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước.
Nhìn nhận kết quả này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch Covid-19, chiến tranh, lạm phát, diễn biến của các thị trường đang dần ổn định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường là tăng tốc trong nửa cuối năm. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá tra đều có kết quả tích cực nhờ sự hồi phục về nhu cầu và giá tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc cùng với thế mạnh sản phẩm giá trị gia tăng tại các thị trường khác như Nhật Bản, Australia…
Sự hồi phục và bứt phá của các thị trường nhập khẩu chính, nhất là Mỹ, Trung Quốc đã thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng qua và những tháng cuối năm. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thủy sản đang đứng thứ 8 trong tốp các nhóm hàng mang về kim ngạch xuất khẩu cao nhất, tính từ đầu năm đến ngày 15/11. Các sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn hơn bao gồm: máy tính - linh kiện; điện thoại - linh kiện; máy móc - phụ tùng; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ.
Kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn
Với đà tăng trưởng hiện tại, cùng với sự hỗ trợ từ các hoạt động xúc tiến thương mại của Chính phủ, các doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng thị trường, ngành thủy sản Việt Nam có cơ sở để kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu nâng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản và thủy sản lên khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi; và phê duyệt Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo đảm phát triển bền vững ngành thủy sản. Thêm vào đó, việc tham gia và thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết sẽ giúp ngành thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường, tận dụng ưu đãi thuế quan.
Tuy vậy, theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù sản lượng nuôi trồng, đánh bắt thời gian qua tăng, song chi phí, giá cả nguyên liệu đầu vào cũng tăng, dẫn đến những thách thức nhất định đối với nguyên liệu cho xuất khẩu. Đơn cử, giá tôm nguyên liệu có xu hướng tăng 10-20% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất nuôi trồng. Do đó, Cục Thủy sản tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, chỉ đạo của Chính phủ để sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới trong sản xuất và kinh doanh, nắm bắt xu hướng và nhu cầu tiêu dùng, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, tiến bộ và hướng đến phát triển bền vững nhằm tạo lợi thế và sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam.
Cùng chung nỗi lo này, Tổng Thư ký VASEP cũng cho rằng, xuất khẩu thủy sản vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức từ chính sách thương mại quốc tế. Cụ thể, chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhập khẩu dồn dập trong các tháng cuối năm 2024, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những rủi ro như tăng cước vận tải.
Các doanh nghiệp thủy sản phải thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Cụ thể, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường; đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, đồng thời cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình để phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Tôm và cá tra tiếp tục là 2 trụ cột chính đóng góp vào thành công của ngành thủy sản, với giá trị xuất khẩu tôm dự báo đạt 4 tỷ USD và cá tra có thể cán mốc 2 tỷ USD. Theo đó, tôm, cá tra và cá ngừ là 3 sản phẩm mang lại kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong tháng 11 qua. Ngoài ra, một số sản phẩm như cua, ghẹ, nhuyễn thể có vỏ và mực bạch tuộc cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao. Trong đó, cua, ghẹ và nhuyễn thể có vỏ tăng trưởng lần lượt 60% và 66%.