Thủ tục được cắt giảm, chi phí tuân thủ vẫn gia tăng

Nhiều kiến nghị của các hiệp hội ngành nghề cho thấy, dù thủ tục hành chính ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã được tiết giảm, song khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp vẫn tồn tại khi chi phí tài chính, thời gian tuân thủ còn cao.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp vướng mắc trong việc thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng.
Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp vướng mắc trong việc thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng.

Để giải quyết nghịch lý này, cần xử lý từ gốc, đó là xem xét đến tính cần thiết và chi phí tuân thủ khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Khó vì chậm hoàn thuế, rối do cách thực thi

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc về việc thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng và những tồn tại, vướng mắc liên quan đến vấn đề này.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có kiến nghị tương tự gửi tới Tổng cục Thuế, về các trường hợp doanh nghiệp không được phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng do bên bán không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, đối tác thanh toán muộn hơn ngày được thỏa thuận trong hợp đồng... Vì lý do này mà sau đó doanh nghiệp không được cho phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng, hoặc làm kéo dài thời gian kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng, kiểm tra thuế.

Ngoài ra, đối với giao dịch xuất khẩu tại chỗ, bên bán là doanh nghiệp Việt Nam không thể có thông tin chính xác về việc bên mua trên hợp đồng là doanh nghiệp nước ngoài có trực tiếp đầu tư vào Việt Nam hay không, có chi nhánh hay văn phòng đại diện ở Việt Nam hay không. Việc không cho bên thứ ba ngay tình (người chiếm hữu không có căn cứ pháp lý đối với tài sản nhưng không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật) là doanh nghiệp Việt Nam hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào là bất hợp lý.

Thực tế, đây không phải lần đầu cộng đồng doanh nghiệp có kiến nghị về những vấn đề trên, mà trong hầu hết các báo cáo tổng hợp ý kiến doanh nghiệp vài năm trở lại đây, việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng xuất khẩu liên tục được nhắc tới bởi đây cũng chính là “gánh nặng” về vốn đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh thị trường nhiều bất ổn và khó khăn, chi phí vốn tăng cao như hiện nay.

Tương tự, kiến nghị về những khó khăn trong thủ tục xuất nhập khẩu, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng đang đề nghị làm rõ việc thực hiện thủ tục này, vì hiện tại, một số nhà cung ứng cho biết, có địa phương cho phép thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ, có nơi lại không, hay dừng thực hiện.

Đơn cử, từ khi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, có hiệu lực đến nay, các nhà cung ứng đang thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ theo đúng quy định bằng việc cam kết và cung cấp thông tin đầy đủ về khách hàng. Tuy nhiên, tháng 8/2023, Tổng cục Hải quan có Công văn số 4146/TCHQ-GSQL gửi một số hiệp hội trả lời vướng mắc chung liên quan thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ, một số địa phương không tiếp tục thực hiện hoạt động này nữa, yêu cầu nhà cung ứng phải làm thủ tục xuất nhập khẩu thông qua kho ngoại quan.

Vì lý do này, theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cần áp dụng đúng và chính xác. Bởi các nhà cung ứng phải thông tin về khả năng đơn hàng chậm trễ cho khách, hoặc thông báo chi phí hàng hóa tăng cao hơn so giá ký kết trước đó. Thực tế, vướng mắc trên phát sinh ngay khi Bộ Tài chính lên phương án bỏ khoản c, Điều 35, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Việc sửa đổi này có thể sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà cung ứng trong nước cho các đơn hàng đã ký kết, làm tăng chi phí vận hành cho các doanh nghiệp, cũng có nghĩa giảm tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Trước những kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu và thực hiện công tác tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành các giải pháp về thuế và Hải quan theo hướng đơn giản hóa về thủ tục, minh bạch, không gây hiểu sai trong thực thi quy định pháp luật.

Chủ động kiểm soát thủ tục hành chính từ khâu ban hành

Nhắc lại những lần đăng đàn đề xuất giải pháp cho những vướng mắc trong thủ tục đăng ký xe cơ giới kể từ khi Thông tư số 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam Phạm Xuân Hòe cho biết, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị cho phép đăng ký xe cho thuê tài chính theo địa chỉ của bên thuê, các phương án định danh biển số xe; thống nhất kết nối phần mềm số hóa với Bộ Giao thông vận tải để khi giấy đăng ký xe và biển số được thu hồi, thì phù hiệu vận tải sẽ được hủy tương ứng trên hệ thống... Bởi vấn đề phát sinh từ quy định của Thông tư này đang có thể làm phát sinh chi phí tài chính, thời gian thực thi tuân thủ.

Hay kiến nghị xây dựng cơ chế đặc thù về thủ tục hành chính cũng đã được Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics

Việt Nam gửi tới Bộ Tài chính về việc cấp cơ chế hải quan ưu tiên cho các doanh nghiệp “đặc biệt” được xác định theo quy mô vốn đầu tư, thuộc các nhóm ngành nghề ưu tiên, theo tiêu chuẩn phát triển bền vững, các doanh nghiệp toàn cầu có tính tuân thủ cao...

Mới đây, trước những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo phân tích của ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, điểm nổi bật là việc Thủ tướng yêu cầu phải chủ động kiểm soát thủ tục hành chính ngay từ khâu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng xây rồi lại rà soát, sửa đổi. Và kể cả là khi được ban hành, cũng cần bảo đảm thủ tục hành chính mới đó là thật sự cần thiết, và có chi phí tuân thủ thấp nhất; không làm phát sinh thêm thủ tục, các chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Bởi đây đang là rào cản quyền lợi của người dân cũng như quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.