Thu hút tài năng công nghệ hồi hương

“Một Việt Nam khác rất nhiều so với hình dung của tôi trước đây! Những nhà làm chính sách đang nhặt từng viên gạch để xây nên hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho Việt Nam một cách dài hạn và bền vững”, đó là một lời nhận xét chân thực của một vị tiến sĩ khi trở về nước. Những bước chân đầu tiên tuy còn khó khăn nhưng sẽ kéo theo làn gió mới cho cả hệ thống.
0:00 / 0:00
0:00
TS Bùi Thanh Duyên, đồng sáng lập Công ty Công nghệ Genetica.
TS Bùi Thanh Duyên, đồng sáng lập Công ty Công nghệ Genetica.

Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam có hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó khoảng 10% là những người có trình độ cao, 80% đang sống ở các nước phát triển. Còn theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 190.000 sinh viên người Việt đã và đang học tập ở nước ngoài, phổ biến là châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Canada. Đây là nguồn lực trí thức to lớn của Việt Nam cần được khai thác để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Việc thu hút và tạo thuận lợi để người Việt trở về khởi nghiệp là một trong những định hướng đang được hiện thực hóa bằng nhiều nỗ lực của Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương.

Làn gió mới trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

TS Bùi Thanh Duyên, đồng sáng lập Công ty Công nghệ Genetica, chính là người đã ngỡ ngàng trước sự thay đổi ở Việt Nam. Sau 3 năm trở về quê hương mở rộng hoạt động nghiên cứu, công ty đã có chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực giải mã gien. Tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Genetica đã đặt trung tâm giải mã gien lớn nhất Đông Nam Á để phục vụ cho nhu cầu giải mã gien, nghiên cứu ứng dụng thông tin gien đang ngày một phát triển tại Việt Nam và khu vực.

Trước khi trở về Việt Nam, TS Duyên cùng các cộng sự đã từng có ý định mở rộng hoạt động tại Singapore nhưng khi nhìn thấy rõ những nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mang tính hỗ trợ và khuyến khích tích cực đã thôi thúc chị trở về. “Đó là quyết định vô cùng sáng suốt. Ở Việt Nam tôi có rất nhiều thuận lợi. Đầu tiên là những hỗ trợ từ gia đình, người thân giúp một nhà khoa học nữ như tôi có thể gác lại những mối lo toan về con cái để toàn tâm cho nghiên cứu. Rộng hơn là cả một hệ sinh thái đang hình thành, nơi mà tôi có thể kết nối với những người rất tài năng, nhiệt huyết”, TS Duyên chia sẻ.

Thành quả ban đầu rất đáng tự hào của Genetica tại Việt Nam trong 3 năm qua chính là việc công ty được cấp một bằng sáng chế tại Mỹ. Nội dung đề tài có vẻ như xa lạ đối với số đông, quy trình sử dụng khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo để phân tích giải mã gien và kết hợp với Bệnh viện Trung ương Huế công bố quốc tế về một nghiên cứu giải mã gien tự kỷ. TS Duyên cho biết: “Không phải ở Việt Nam mà mình không thể nghiên cứu tốt. Nhờ sự phát triển của khoa học máy tính, mình có công cụ để hợp tác với nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới. Chẳng hạn, hiện tại nhóm nghiên cứu của Genetica có thể hợp tác với nhiều trường hàng đầu như Đại học California, Berkerley hay Havard... Từ đây công ty có thêm nhiều công bố quốc tế đa quốc gia”.

Còn với Hoàng Bảo Long, một giám đốc công nghệ trẻ, con đường trở về Việt Nam sau quá trình dài học tập và khởi nghiệp tại Australia lại có nhiều cơ duyên. Mặc dù công ty của anh vẫn phát triển về doanh số, nhưng rất khó tìm kiếm sự đột phá tại một đất nước phát triển với mức độ cạnh tranh lớn. Đúng lúc này anh nhận ra những tiềm năng lớn tại quê hương với nhiều chính sách khuyến khích.

“Tôi có thời gian dài khởi nghiệp tại Australia với một công ty công nghệ trong lĩnh vực tư vấn và gia công phần mềm. Nhiều người sẽ bằng lòng với việc mình có thể vẫn kiếm được tiền, vẫn có một công việc ổn định, một quốc tịch tốt tại quốc gia có nền giáo dục và khoa học phát triển như Australia. Nhưng tôi lại không nghĩ thế. Tôi thấy mình nên bắt đầu lại tại Việt Nam, nơi mà tiềm năng và cơ hội còn rất nhiều”, anh Long bày tỏ về suy nghĩ của mình khi đó.

Từ năm 2017, thương hiệu Lacbird của anh chính thức được xây dựng tại Việt Nam với định hướng tập trung làm các sản phẩm về văn hóa. Trong đó thành công nhất của Lacbird là phối hợp cùng với nhiều bộ, ngành của Việt Nam để quảng bá và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam thông qua công nghệ game.

“Sự hỗ trợ tích cực của Việt Nam bao gồm cả về cơ sở vật chất, gọi vốn, kết nối với nhiều cơ hội kinh doanh đã giúp những người mới trở về như chúng tôi vững tin để phát triển”, anh Hoàng Bảo Long chia sẻ.

Những năm gần đây, những người trẻ sau quá trình học tập và làm việc ở nước ngoài, với bề dày kinh nghiệm đã tìm hướng trở về Việt Nam lập nghiệp. Nhiều người đã gặt hái thành công tại quê nhà, thổi luồng gió mới vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nước ta.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã có tới hai phần ba là các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp công nghệ được thành lập bởi những người Việt trẻ hồi hương. Chỉ với con số hơn 20 nhưng nhiều trong số đó đã có những đóng góp và thành tích đáng nể trong việc đưa ra nhiều nghiên cứu, giải pháp khoa học - công nghệ mới cho Việt Nam. Điều này cũng đã phản ánh nỗ lực trong việc thu hút và kết nối lực lượng trí thức, tài năng trẻ trở về đóng góp cho phát triển khoa học-công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo của đất nước.

Không chỉ là lời nói suông

Nhìn nhận vào tiềm năng của đội ngũ trí thức, đặc biệt là các tài năng trẻ ở nước ngoài, TS Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đánh giá, rất nhiều người Việt ở nước ngoài có tài năng, tâm huyết nhưng làm sao để có thể kết nối và thu hút họ trở về là bài toán khó. Hiện nay, NIC đã xây dựng được mạng lưới kết nối toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng giúp NIC kết nối chuyên gia, trí thức người Việt Nam xuất sắc ở nước ngoài có thể đồng hành để giải quyết các bài toán khó trong nước, từ doanh nghiệp hay các vấn đề khu vực công.

“Hiện, chúng tôi có mạng lưới ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 1.600 thành viên. Chúng tôi không tập trung vào số lượng, mà tập trung vào chất lượng. Những người tham gia rất tâm huyết và có thể đồng hành phát triển cùng với các doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam. Họ là những người đã có kinh nghiệm thực tiễn trong các doanh nghiệp, môi trường, tổ chức nước ngoài để có thể tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước”, ông Hoài nói.

Với mạng lưới đổi mới sáng tạo hơn 1.600 chuyên gia, trí thức người Việt, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đặt mục tiêu có 500 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo vào năm 2030.

Ông Trần Duy Đông cho biết, Nghị định 94 là nghị định duy nhất của chính phủ và có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho NIC với nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai, về việc triển khai các hoạt động cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng như về visa để hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, startup trong và ngoài nước. Đây là cơ sở quan trọng để khơi thông nguồn lực cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.

Nhìn nhận về những nỗ lực của Việt Nam, TS Bùi Thanh Duyên cho rằng: “Đây không phải chỉ là những lời hứa hẹn, không phải chỉ là con sóng ập đến rồi đi. Thật sự Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm rất cao bằng nhiều chính sách hỗ trợ lâu dài. Sự gắn kết giữa những nhà đầu tư quốc tế, những doanh nghiệp công nghệ lớn với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ nhỏ hơn.... đang tạo ra những lợi thế cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam”.