Thực phẩm nhập lậu vẫn gia tăng
Ngày 10/5, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, vào 10 giờ 40 phút cùng ngày, đơn vị phối hợp với Công an quận Hà Đông phát hiện thu giữ hơn 1.500 kg mỡ, lòng động vật bốc mùi hôi thối đang được vận chuyển trên xe tải đi tiêu thụ. Lái xe là anh N.T.T (sinh năm 1987; ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên) cho biết, số thực phẩm trên được mua gom tại các đầu mối, đang trong quá trình mang đi tiêu thụ. Lái xe không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc số sản phẩm trên. Tổ công tác đã bàn giao số hàng hóa cho lực lượng quản lý thị trường để xác minh, xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 17/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng huyện Thanh Trì tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh đối với hai cơ sở tại chợ Tam Hiệp, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện các cơ sở đang bày bán 1.050 kg nầm lợn đông lạnh, 300 kg xương lợn, 150 kg đùi gà… Toàn bộ số hàng hóa trên là thực phẩm đông lạnh, chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm tại hai cơ sở trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Mỗi năm, lực lượng chức năng bắt và thu giữ hàng trăm tấn nội tạng đông lạnh không rõ nguồn gốc được tuồn vào nước ta. Đây là mối nguy hại gây mất an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Trên thực tế, nội tạng động vật đông lạnh đều là sản phẩm thải loại của nước ngoài, được nhập về nước ta và rao bán như một món hàng thực phẩm. Lợi nhuận vì thế được quan tâm hơn là chất lượng. Đáng nói, nội tạng động vật là món ăn khoái khẩu của nhiều người Việt và những mặt hàng nội tạng đông lạnh này thường được tiêu thụ tại các quán nướng, lẩu hay quán nhậu với giá thành rẻ.
Theo ông Ngô Xuân Dũng, chuyên gia công nghệ thực phẩm, có rất nhiều nguyên nhân khiến nội tạng đông lạnh dù đông đá nhưng có dấu hiệu biến dạng, bốc mùi hôi. Đầu tiên phải kể đến là tình trạng thu mua và sơ chế nội tạng động vật tại các cơ sở giết mổ không bảo đảm. Thông thường, nội tạng chỉ được làm sạch sơ trước khi chuyển đến các kho đông lạnh. Điều này không đủ để loại bỏ dịch tiết và chất thải của vật nuôi. Do vậy, các vi sinh vật vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển trên bề mặt nội tạng khiến thực phẩm biến chất, ôi thiu.
Bên cạnh đó, các sản phẩm nội tạng thường dính diềm mỡ, chứa thành phần chất béo nên nhanh bị oxy hoá, gây mùi hôi thối. Ông Dũng cũng cho biết, sau khi chuyển đến các cơ sở kinh doanh, để “phù phép” cho nội tạng đông lạnh trở nên tươi ngon và trắng muốt, họ sẽ dùng một loại hóa chất có tính tẩy rửa cao để tẩy trắng nội tạng. Các loại hóa chất công nghiệp này thường chứa nhiều tạp chất, độc chất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, nội tạng động vật có hàm lượng chất béo trung bình từ 5 - 7%, trong đó chủ yếu là chất béo bão hòa và lượng cholesterol rất cao. Nếu tiêu thụ quá nhiều nội tạng động vật có thể bị mỡ máu tăng cao, dễ dẫn đến các bệnh về tim mạch, gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, gout... Đặc biệt, những nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng…
Đặc biệt, ở Việt Nam, theo thống kê có tới 70% số bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, lòng lợn. Người nhiễm bệnh có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%. Bên cạnh đó, nguy cơ lây nhiễm chéo các loại vi khuẩn gây bệnh trên nội tạng sang thức ăn, nước uống khác trong quá trình chế biến sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn e.coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn.
Kiểm soát nông sản, thực phẩm từ gốc
Nhằm kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm, thời gian qua, Hà Nội chú trọng xây dựng vùng nông sản an toàn; tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm theo chuỗi. Đến nay, thành phố xây dựng và phát triển được khoảng hơn 160 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Ngoài ra, để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, thành phố đã ký kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước phát triển hơn 900 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm và đặc sản vùng miền, hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn Thủ đô…
Việc liên kết theo chuỗi giá trị có lợi thế quan trọng là chúng ta kiểm soát được toàn bộ “đường đi” của nông sản, thực phẩm từ khi người nông dân bắt tay vào sản xuất (cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, quy trình sản xuất), đến khâu sơ chế, chế biến gắn với thương mại, tiêu thụ và cuối cùng là thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Quá trình này diễn ra minh bạch và người tiêu dùng có thể truy xuất nhanh nguồn gốc nông sản, thực phẩm khi cần thiết.
Có thể nói, liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chính là một trong những giải pháp quan trọng kiểm soát nông sản, thực phẩm từ gốc. Việc này không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, mà còn hướng tới chuỗi giá trị bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh trong nông nghiệp.
Vấn đề cần quan tâm hiện nay là phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong chuỗi sản xuất, từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản. Toàn bộ chu trình của nông sản, thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” phải được kiểm soát chặt chẽ, theo đúng các quy định hiện hành về kiểm dịch động - thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, hoạt động xuất nhập khẩu, phân phối, lưu thông trên thị trường…
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm phải là biện pháp quan trọng nhất trong kiểm soát thực phẩm. Vì vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đội ngũ thực hiện nhiệm vụ này cần bảo đảm đủ năng lực chuyên môn để kiểm soát và xử lý được tất cả các khâu của chu trình sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm. Trong đó, cần lưu ý đến những vấn đề nóng bỏng hiện nay như kiểm soát dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản, thịt gia súc, gia cầm, hải sản; nông sản, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu lưu thông trên thị trường…
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường khâu hậu kiểm ở các đơn vị, doanh nghiệp tự công bố về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định. Nhiệm vụ này phải làm thường xuyên, liên tục. Công tác thanh tra, kiểm tra cần được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc, địa bàn cụ thể, hạn chế dàn trải; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm và công khai kết quả xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng để bảo đảm tính răn đe, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng.
Sau các đợt thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng cần kịp thời đánh giá việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; đặc biệt là đánh giá chất lượng bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và an toàn thực phẩm tại lễ hội, sự kiện lớn, hộ kinh doanh thức ăn đường phố.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, ban hành các quy định, quy trình quản lý, quy chuẩn kỹ thuật nhằm hài hòa với các quy định của quốc tế về bảo đảm an toàn thực phẩm; đề cao và phát huy vai trò tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sản phẩm của mình; có biện pháp hiệu quả trong giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tuyệt đối không để thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường.