Xây dựng đô thị xanh dọc sông

Thành phố Hồ Chí Minh xác định quy hoạch sông Sài Gòn là nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch chung của thành phố, là bước đột phá trở thành biểu tượng cho sự chuyển đổi, góp phần xây dựng một đô thị sông nước hiện đại, xanh hóa, phát triển bền vững của cả khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến đường ven sông Sài Gòn. Ảnh: NAM HẢI
Tuyến đường ven sông Sài Gòn. Ảnh: NAM HẢI

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn đã cơ bản hoàn chỉnh. Trong đó, quy hoạch sông Sài Gòn đặt ra mục tiêu gắn kết cộng đồng, kết nối vùng và hướng ra thế giới, để đến năm 2030 phát triển ven sông Sài Gòn thành điểm đến văn hóa của châu Á với mức tăng trưởng hơn 8%/năm.

Hình thành nên đô thị xanh

Bên cạnh đó, trong đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn, dự kiến khu vực dọc trung tâm sẽ hình thành công viên, sân chơi trẻ em, đường đi bộ, không gian sinh hoạt cộng đồng... nhằm tạo ra hành lang đô thị xanh cho người dân cùng thụ hưởng. Cùng với đó, đề án hướng đến khai thác lịch sử lâu đời của thành phố và văn hóa sông nước với những viện bảo tàng, các khu vực hoạt động nghệ thuật và điểm đến lịch sử; các hoạt động giải trí khác...

Góp ý về quy hoạch, PGS, TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học cho rằng, điểm nhấn trong phát triển hành lang sông Sài Gòn cần tăng cường diện tích mảng xanh. Quá trình chuyển đổi xanh cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông gắn với cải tạo môi trường nước, phát triển hệ sinh thái đi kèm dọc theo hành lang sông, kênh để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế dịch vụ, đặc biệt là logistics, vận tải hành khách công cộng đường thủy, du lịch đường thủy, mô hình dịch vụ mới...

Còn TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia nghiên cứu quy hoạch đô thị cho hay, để thực hiện đề án hiệu quả, Thành phố Hồ Chí Minh có thể bắt đầu từ việc xây dựng dự án chỉnh trang và phát triển không gian sông nước liên hoàn cho khu vực nội thành, nhất là khu vực hai bên sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh) đến cầu Tân Thuận

(Quận 7)… Để làm được điều này, Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch những khu đất lớn khuyến khích xây nhà cao tầng tuân thủ theo quy hoạch xây dựng bằng cách Nhà nước có thể mua lại những lô đất nhỏ, nhà nhỏ để có những công trình điểm nhấn với mật độ xây dựng nhiều nhất khoảng 50% - 60%, tạo thêm không gian xanh, không gian mở xen lẫn công viên.

KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh góp ý, thành phố phải phân rõ trách nhiệm, trong đó, Nhà nước làm những hạng mục nào, còn lại kêu gọi tư nhân tham gia với lợi ích phải rõ ràng. Quan trọng hơn là dù ai đầu tư cũng phải tuân thủ nghiêm quy hoạch để giữ được cảnh quan hai bên bờ sông nhằm phục vụ cho người dân và sự phát triển lâu dài của thành phố.

Chia sẻ về quy hoạch theo hướng xanh, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố xác định sông Sài Gòn là trung tâm của quy hoạch thời kỳ mới và là yếu tố được quan tâm đặc biệt trong việc rà soát quy hoạch chung lần này. Thành phố đã phối hợp với Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR), Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng các nhóm chuyên gia địa phương đa ngành, nghiên cứu định hướng quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn; tích hợp những nội dung phù hợp, có tính mới, đột phá… vào đồ án quy hoạch và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố. Theo đó, lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, từ khu vực trung tâm truyền thống ở ven sông, phát triển dải đô thị hai bên sông như “trái tim mở rộng”.

Xây dựng đô thị xanh dọc sông ảnh 1

Thành phố Hồ Chí Minh xác định quy hoạch chung lấy sông Sài Gòn làm trung tâm hình thành nên đô thị sông nước xanh, bền vững. Ảnh: KIÊN SƠN

Hiện thực hóa bằng cách nào?

Về tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch, TS, KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, đơn vị đã đề xuất ý tưởng làm đường ven sông Sài Gòn nhằm phát triển không gian đô thị dọc sông Sài Gòn. Để hiện thực hóa đường ven sông (bờ hữu), sẽ trải qua nhiều bước, từ quy hoạch đến kế hoạch triển khai. Trước hết, quy hoạch chung thành phố sẽ bổ sung tuyến đường ven sông Sài Gòn. Nếu được đầu tư xây dựng sẽ tạo cơ hội tiếp cận, khai thác quỹ đất, cải thiện khả năng khai thác giá trị hành lang sông Sài Gòn.

Theo các chuyên gia quy hoạch, vấn đề cốt lõi hiện nay là cơ chế để tổ chức triển khai đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn. Theo đó, thành phố cần có một ban điều hành đủ năng lực quản lý tích hợp, khai thác thế mạnh hợp tác công - tư, phát huy sự tham gia tích cực và hiệu quả của các nguồn lực xã hội, như mô hình nhà nước - viện trường - doanh nghiệp... bằng cơ chế, chính sách cách làm đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội để có thể hiện thực hóa quy hoạch mang lại hiệu quả và đúng mốc thời gian đề ra, qua đó, góp phần đưa Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thời gian qua, thành phố tiếp thu góp ý từ chuyên gia trong và ngoài nước cùng các đơn vị tư vấn quy hoạch để cập nhật chuyên sâu vào các đồ án quy hoạch tốt nhất, có tính khả thi và được triển khai thành công, đúng tiến độ. “Thành phố Hồ Chí Minh định hướng phát triển sông Sài Gòn là lấy không gian ven sông làm “mặt tiền” để phát triển dải đô thị hiện đại. Sông Sài Gòn trong tương lai sẽ trở thành điểm đến quý giá không thể thiếu của mọi người dân và du khách, điểm đến mang bản sắc độc đáo, gắn với cảnh quan của dòng sông trong xanh, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã thông tin, dự kiến trong quý II/2024, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ cùng với các đơn vị liên quan hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 trình Bộ Xây dựng; dự kiến quý III/2024, đồ án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đồ án quy hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, với 5 vùng gồm: Vùng đô thị trung tâm (gồm 15 quận), có diện tích gần 17.600 ha, dân số từ 5 - 6 triệu người. Đây là đô thị hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, văn hóa lịch sử… Vùng đô thị phía đông (TP Thủ Đức) có diện tích 21.159 ha, dân số từ 2,3 - 3 triệu người. Đây là đô thị sáng tạo, giáo dục - đào tạo, công nghệ cao, trung tâm tài chính. Vùng đô thị phía bắc (huyện Hóc Môn và Củ Chi), diện tích gần 58.000 ha, dân số 3,3 - 5,2 triệu người. Đây là đô thị dịch vụ, công nghiệp sinh thái… Vùng đô thị phía tây (huyện Bình Chánh), diện tích gần 22.800 ha, dân số từ 2 - 2,8 triệu người. Đây là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ, chăm sóc sức khỏe… Vùng đô thị phía nam (Quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ), diện tích hơn 89.000 ha, dân số 3 - 4,2 triệu người. Đây là đô thị công nghệ cao, thương mại dịch vụ, trung tâm kinh tế biển…