EU cải tổ toàn diện chính sách di cư

Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua lần cuối cuộc cải tổ mang tính bước ngoặt các chính sách đối với người di cư và tị nạn. Dự kiến, các chính sách mới sẽ có hiệu lực từ năm 2026.
0:00 / 0:00
0:00
Làn sóng di cư vào EU vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: EUROPA
Làn sóng di cư vào EU vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: EUROPA

Siết chặt kiểm soát biên giới

Phần lớn quốc gia thành viên EU đã ủng hộ đạo luật cải cách trên, bất chấp sự phản đối của Hungary và Ba Lan. Bộ trưởng Tị nạn và di cư Bỉ (nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU) Nicole de Moor khẳng định: “Các quy định mới này sẽ tăng tính hiệu quả hệ thống tị nạn của châu Âu và tăng cường sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên”. Theo đó các chính sách biên giới sẽ cứng rắn hơn và chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia thành viên.

Theo luật trên, khối sẽ thành lập các trung tâm mới ở biên giới để giam giữ những người nhập cư trái phép trong khi chờ xét đơn xin tị nạn. Việc trục xuất những người không được chấp nhận cũng sẽ được đẩy nhanh.

Nỗ lực sửa đổi các quy định về tị nạn của EU đã kéo dài gần một thập kỷ qua, xuất phát từ làn sóng di cư trái phép ồ ạt vào năm 2015, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân các nước EU. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sớm đặt ra kế hoạch triển khai để các quy định mới có thể đi vào hoạt động trong 2 năm tới.

Hồi đầu năm nay, Quốc hội Đức thông qua các quy định hạn chế mới đối với người xin tị nạn. Quy định cũng tăng thời gian tối đa giam giữ người tị nạn trước khi trục xuất từ 10 ngày hiện nay lên 28 ngày nhằm tạo điều kiện để cơ quan chức năng có thêm thời gian thực hiện trục xuất. Bộ trưởng Nội vụ Đức khẳng định, quy định mới là cơ sở để Berlin đẩy nhanh việc hồi hương những người không được cấp quy chế tị nạn, giải phóng nguồn lực để phục vụ những người cần nơi tạm trú nhất.

Chính phủ Đức ước tính mỗi năm nước này sẽ có thêm 600 trường hợp bị trục xuất sau khi thực hiện quy định mới. Lượng người di cư, chủ yếu từ Syria và Afghanistan, đến Đức tăng cao trong những tháng gần đây đã gây sức ép đối với chính quyền địa phương và làm dấy lên tranh luận gay gắt về nhập cư ở quốc gia châu Âu này.

EU chặn làn sóng di cư từ Trung Đông

Không chỉ Đức mà nhiều nước châu Âu cũng đối mặt làn sóng di cư từ Trung Đông tràn vào khu vực. Mới đây, EU tuyên bố sẽ cung cấp cho Lebanon gói hỗ trợ tài chính trị giá 1 tỷ euro (1,07 tỷ USD) cho giai đoạn 2024-2027 để giúp khối này giảm thiểu làn sóng người di cư từ các nước Trung Đông.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nêu rõ, EU sẽ tiếp tục hỗ trợ để tăng cường các dịch vụ cơ bản ở Lebanon như giáo dục, bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người dân, đi kèm những cải cách cấp thiết về kinh tế, tài chính và ngân hàng. Lebanon hiện tiếp nhận một lượng lớn người di cư Syria.

Kể từ khi nền kinh tế sụp đổ vào cuối năm 2019, Lebanon trở thành điểm nóng trung chuyển người di cư, chủ yếu là người Syria và những người tị nạn Palestine thực hiện các chuyến hành trình nguy hiểm đến châu Âu. Hiện có khoảng 2 triệu người di cư Syria ở Lebanon, chiếm khoảng một phần ba dân số nước này. Theo các quy định hiện nay của EU, người di cư Syria được hưởng quy chế bảo vệ tị nạn khi đến châu lục này.

Theo người phát ngôn EC, khoản hỗ trợ trên sẽ được giải ngân dưới hình thức tài trợ, với 736 triệu euro dành để hỗ trợ Lebanon đối phó cuộc khủng hoảng ở Syria và 264 triệu euro dành cho hợp tác song phương, đặc biệt là để hỗ trợ các dịch vụ an ninh, bao gồm cả quản lý biên giới. Các bên cũng sẽ tìm cách phối hợp với các đối tác LHQ để đưa người di cư trở lại quê nhà.

Trong khi đó, Tổng thống Cộng hòa Cyprus N.Christodoulides cho biết, ngoài Lebanon, EU cũng có các thỏa thuận với Ai Cập, Tunisia, Mauritania và một số nước khác nhằm giúp châu lục này ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp.

Cộng hòa Cyprus phải xử lý hơn 30.000 người di cư đã được cấp quy chế tị nạn tại nước này, cần được bố trí chỗ ở và trợ cấp hằng tháng. Cyprus đang làm việc với các nước EU khác để thuyết phục EC đưa 2 vùng không trong tình trạng chiến tranh ở Syria ra khỏi danh sách bảo vệ tị nạn, cho phép hồi hương người di cư Syria.