Nhanh chóng bình ổn thị trường vàng

Trong những ngày qua, giá vàng đang tiếp tục biến động ở mức cao. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra một số biện pháp cần thiết để bình ổn. Người dân cần giữ tâm lý bình tĩnh trong hoạt động mua bán vàng, chờ các biện pháp phát huy tác dụng.
0:00 / 0:00
0:00
Sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng luôn có xu hướng tăng lên. Ảnh: TẤN THẠCH
Sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng luôn có xu hướng tăng lên. Ảnh: TẤN THẠCH

Thị trường vàng đang là tâm điểm thu hút sự chú ý khi liên tục tăng giá thất thường. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 4/2024 tăng 6,95% so với tháng trước, tăng 17,01% so với tháng 12/2023, tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 20,75%.

Đến ngày 10/5, giá vàng trong nước vượt mốc 92 triệu đồng/lượng. Mặc dù sau đó cũng có sự điều chỉnh nhưng đến chiều 15/5, chiều bán ra vàng SJC vẫn ghi nhận mốc 90 triệu đồng/lượng.

Nhiều yếu tố tạo nên “cơn sốt vàng”

Từ đầu năm đến nay, vàng miếng SJC đã tăng 17 triệu đồng/lượng. Tính trong vòng một năm qua, giá vàng SJC đã ghi nhận mức tăng 38%, tương đương 25 triệu đồng/lượng. Về nguyên nhân của đà tăng phi mã này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, trước năm 2012, những bất cập của thị trường đặt ra yêu cầu cấp thiết phải ban hành quy định mới, nên Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã ra đời. Sau khi triển khai các biện pháp quản lý thị trường vàng theo nghị định này, thị trường vàng đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, cụ thể là từ năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị giữa các quốc gia tiếp tục phát sinh và leo thang dẫn đến giá vàng quốc tế tăng mạnh, kéo giá vàng trong nước tăng theo.

Đặc biệt, từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng trong nước bộc lộ sự hạn chế, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng quốc tế thường xuyên ở mức cao. Diễn biến này được cho là đến từ việc giá vàng thế giới liên tục neo cao, tính đến nay đã tăng khoảng 14% so với đầu năm, trong khi giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá vàng thế giới. Ngoài ra, nguồn cung trong nước hạn chế cũng là một trong những yếu tố gây nên sự chênh lệch này.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, vàng vừa là một dạng tiền tệ vừa là một dạng hàng hóa, vừa có thể tích trữ cũng vừa có thể giao dịch. Thị trường vàng đang hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. “Thiên thời, địa lợi” ở đây là mặt bằng lãi suất đang duy trì ở mức thấp, đã tạo nên một môi trường lý tưởng để tạo nên một con sóng cho bất kỳ loại tài sản nào. Bên cạnh đó, vàng trong nước còn được hỗ trợ bởi giá vàng thế giới tăng do bất ổn địa chính trị, kênh chứng khoán, bất động sản cũng không còn hấp dẫn dòng tiền như giai đoạn 2021-2022.

Còn yếu tố “nhân hòa” là tâm lý đám đông dễ bị thu hút bởi sóng, sóng càng cao càng dễ hút tiền. Năm nay, thay vì chứng kiến hàng dài người xếp hàng mở tài khoản chứng khoán thì chúng ta thấy họ kiên nhẫn xếp hàng ở các cửa hàng vàng.

Đồng quan điểm, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, giá vàng trong nước liên tục tăng là do giá vàng thế giới cũng neo ở mức cao. Ngoài ra, cả các nhà kinh doanh và người dân đều có tâm lý cho rằng, giá vàng sẽ còn tăng, trong khi nguồn cung ít khiến người bán muốn “giữ hàng” còn người mua thì sẵn sàng trả giá cao.

Vẫn có thể tiếp tục tăng giá

Trước đà tăng nóng của giá vàng, NHNN đã có động thái tăng nguồn cung cho thị trường bằng việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng để ổn định giá cả, thu hẹp chênh lệch với giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại đã có 6 phiên đấu thầu diễn ra nhưng chỉ có 3 phiên thành công, với tổng khối lượng khoảng 14.900 lượng.

Đặc biệt, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng luôn có xu hướng tăng lên. Có thể kể phiên đấu thầu vàng miếng diễn ra sáng 8/5 (phiên thứ 2 đấu thầu thành công), giá vàng đã tăng vọt lên hơn 92 triệu đồng/lượng (ngày 10/5). Sau phiên đấu giá gần nhất thành công (ngày 14/5) cũng ghi nhận mức giá tăng thêm 1,3 triệu đồng/lượng so với phiên trước đó, đạt 90 triệu đồng/lượng (bán ra).

Điều này cho thấy, những biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng chưa thể đem lại tác động tích cực ngay trong ngắn hạn, trong khi nhu cầu giao dịch vàng luôn duy trì ở mức cao. Người mua nhiều, người bán cũng không ít nhưng đã xuất hiện một bộ phận nhà đầu tư quyết định xuống tiền khi theo dõi các buổi đấu thầu, thậm chí có người rút hết tiền tiết kiệm để mua vàng.

Nhận định về biến động thị trường vàng trong giai đoạn tới, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang phải chịu một số áp lực lớn. Theo đó, ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là một số nền kinh tế hàng đầu thế giới, đang tiếp tục thay đổi các kết cấu dự trữ ngoại hối, thay vì dự trữ giấy tờ có giá hoặc các đồng ngoại tệ mạnh thì họ dự trữ vàng. Nhu cầu vàng vì thế tiếp tục tăng kéo theo kênh đầu tư vàng trở nên hấp dẫn hơn, dẫn đến giá vàng tăng.

Một điểm đáng chú ý khác liên quan, vàng là một loại hàng hóa đặc biệt, liên thông tới thị trường ngoại tệ. Khi tiền đồng bị mất giá, lại trong bối cảnh lãi suất thấp, vàng sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Trong khi đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) do dự hạ lãi suất trong bối cảnh lạm phát đang ở mức cao khiến đồng USD lên giá so với các đồng tiền khác, bao gồm cả VND.

Ngoài ra, trong mấy năm qua, Mỹ, các nước châu Âu và nhiều nền kinh tế phát triển khác liên tục tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ thì ở Việt Nam VND chỉ tăng 2 lần vào năm 2022, nhưng giảm đến 4 lần vào năm 2023 đã khiến VND mất giá so với các đồng tiền chủ chốt.

Hầu hết ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng, hiện vàng không còn là phương tiện thanh toán, nhưng giá vàng biến động mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, bởi khi lượng tiền lớn trong dân bị hút vào vàng sẽ khiến nguồn vốn bị hao hụt, gây bất lợi cho nền kinh tế.

Ngoài ra, khi giá vàng lên cao sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng, kéo theo việc tăng sử dụng đồng USD, dẫn đến lạm phát và chảy máu ngoại tệ. Theo đó, việc kìm hãm đà tăng giá vàng là điều rất cần thiết.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, trong tình hình này, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để bảo đảm sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... là các biện pháp có thể mang tới hiệu quả tức thì.

Ngoài ra, cũng cần sự vào cuộc của các công cụ tiền tệ như lãi suất. Việc tăng lãi suất ở mức độ hợp lý không chỉ giúp kiểm soát bong bóng tài sản mà còn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bởi ổn định cũng là một phần không thể thiếu của tăng trưởng. Chỉ khi có sự ổn định, tăng trưởng mới thật sự bền vững.