Thông điệp từ những "bông hoa"

"Chiếc váy pollera thường gắn với định kiến về trang phục của vùng nông thôn, với những người nghèo không có khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên. Việc biến chúng trở thành tâm điểm trong các buổi biểu diễn, bước đầu, sẽ góp phần thay đổi cách nghĩ tiêu cực kia, để mỗi chúng ta cảm thấy tự hào khoác lên mình bộ trang phục truyền thống", Daniela Santiváñez, nhà đồng sáng lập nhóm ImillaSkate, chia sẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm ImillaSkate dành hàng giờ để tập luyện các động tác kỹ thuật.
Nhóm ImillaSkate dành hàng giờ để tập luyện các động tác kỹ thuật.

BUỔI chiều tại công viên Ollantay, một trong hai địa điểm ở Cochabamba (Bolivia) có lòng máng và các đường dốc được thiết kế riêng cho các vận động viên trượt ván, Daniela cùng những người bạn dành hàng giờ để tập luyện các động tác kỹ thuật. Với mỗi cú nhảy, chiếc váy pollera họ mặc như những "bông hoa" liên tục thu mình và rồi xòe nở trên không trung.

Ở châu Mỹ, Bolivia là một trong những quốc gia có tỷ lệ người bản địa cao nhất. Bên cạnh mái tóc được thắt bím dài tượng trưng cho niềm tự hào và quyền lực ở đất nước mà gần một nửa dân số có nguồn gốc là người bản địa, pollera là loại váy truyền thống, biểu tượng của bản sắc văn hóa ở vùng nông thôn nơi đây. Trong tiếng địa phương, "imilla" có nghĩa là "cô gái trẻ". Và mục đích của ImillaSkate không chỉ nhằm phổ biến bộ môn trượt ván, mà còn nỗ lực đưa pollera đến thành phố, trong các cuộc triển lãm hay các buổi biểu diễn để tôn vinh di sản của tổ tiên.

Thực tế, việc trượt ván trong khi mặc váy không dễ. Nhóm ImillaSkate cũng phải luyện tập chăm chỉ để từng bước làm quen với trang phục này. Tất nhiên, các thành viên cũng chỉ mặc chúng trong các buổi biểu diễn thay vì các giải đấu thể thao. Dẫu vậy, công việc tìm kiếm và phối hợp pollera với các loại phụ kiện khác cũng tốn nhiều công sức.

Thông điệp từ những "bông hoa" ảnh 1

Với mỗi cú nhảy, chiếc váy pollera họ mặc như những "bông hoa" liên tục thu mình và rồi xòe nở trên không trung.

"Chúng tôi còn trẻ và đến từ thành phố nên việc tìm mua pollera trong các cửa hàng khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên. Họ không hiểu tại sao thanh niên bây giờ lại muốn ăn mặc như thế. Trang phục này ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn tại các sự kiện và triển lãm văn hóa. Sự phân biệt đối xử đã giảm đáng kể nhưng vẫn cần thúc đẩy sự công nhận nhiều hơn ngay từ chính những người dân bản địa", Daniela chia sẻ.

BIẾT đến trượt ván từ nhỏ khi ra công viên chơi cùng anh trai, Daniela từng từ bỏ vì quá mệt mỏi mỗi lần mẹ cô phàn nàn về những vết bầm tím do bị ngã. Dẫu vậy, niềm đam mê âm ỉ đã thôi thúc nữ sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ họa trở lại, để rồi nhận ra bản thân mình không phải người con gái kỳ lạ duy nhất. Sau bốn năm thành lập, nhóm ImillaSkate đã tăng lên chín thành viên luyện tập cùng nhau hằng tuần. ImillaSkate thu hút hơn 31,5 nghìn lượt theo dõi trên Instagram, lần lượt là 9.000 và gần 8.000 người theo dõi trên Facebook và TikTok.

"Trượt ván tiếp thêm động lực để bản thân tôi vượt qua những khó khăn hay phá vỡ các giới hạn trong cuộc sống. Mục tiêu của ImillaSkate vẫn là thúc đẩy và khuyến khích việc luyện tập bộ môn thể thao này nhưng đồng thời cả nhóm cũng muốn gửi đi thông điệp: Đừng quên nguồn cội của mình", Daniela khẳng định.