Thêm cơ hội hợp tác và quảng bá điện ảnh Việt

Diễn ra từ ngày 7 đến ngày 11/11, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII lấy khẩu hiệu “Điện ảnh Sáng tạo - Cất cánh” với sự kiện mở màn là cuộc Triển lãm “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh”.
0:00 / 0:00
0:00
Thêm cơ hội hợp tác và quảng bá điện ảnh Việt

LHP có các hội thảo, tổ chức cho đại biểu, nhà làm phim tham quan các di tích, danh thắng; chiếu phim lưu động ngoài trời do Trung tâm Văn hóa điện ảnh Hà Nội đảm nhiệm. Chợ dự án phim sẽ là nơi các nhà sản xuất, đạo diễn và biên kịch, các nhà làm phim trẻ triển vọng giới thiệu dự án phim với các nhà sản xuất, đơn vị phát hành và các nhà đầu tư. Năm nay, chợ có gần 70 dự án đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, ở chợ dự án, các bộ phim Việt Nam sản xuất đã chiếm hơn một nửa. Từ các sản phẩm của những đạo diễn tên tuổi cho đến các nhà làm phim trẻ với những bộ phim đầu tay chất lượng, đây chính là tín hiệu vui cho liên hoan.

Theo ban tổ chức, tính giáo dục, thẩm mỹ, đạo đức hay cái đẹp… mà nghệ thuật thứ bảy mang lại là những tiêu chí hàng đầu để lựa chọn các bộ phim. Ở hạng mục phim dự thi, phải là phim chưa từng dự một liên hoan phim quốc tế nào ở châu Á đối với phim dài. Trong 10 phim dài dự thi, ngoài “Ngày xưa có một chuyện tình” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, 9 phim còn lại đến từ các nước: Thụy Sĩ, Liên bang Nga, Bỉ, Thụy Điển, Đức, Estonia, Hàn Quốc, Iran, Ấn Độ.

Phim dự liên hoan sẽ được chiếu tại 3 cụm rạp (Trung tâm Chiếu phim quốc gia, BHD Star Cineplex, CGV Mipec Tower) với 85 buổi chiếu. Lễ khai mạc, bế mạc sẽ tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội.

Bàn về hiệu quả truyền thông chính sách văn hóa

Thêm cơ hội hợp tác và quảng bá điện ảnh Việt ảnh 1

Trong tháng 11 sẽ diễn ra tọa đàm truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội qua kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa. Tọa đàm do Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức, sẽ đánh giá, gợi mở về nhiều nội dung như: Truyền thông chính sách về hiệu quả của các văn bản pháp luật lĩnh vực văn hóa; xác định bất cập, hạn chế, mâu thuẫn, chồng chéo, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Cùng với đó, tọa đàm cũng mong đưa ra những dự báo cho việc hoàn thiện chính sách về văn hóa; đưa ra các giải pháp cho việc xử lý kết quả rà soát theo các hướng: Không hoặc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa.