Thích ứng linh hoạt, an toàn với covid-19

Thế giới mới

LTS - Cả thế giới sắp trải qua hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành. Có thể nói, lịch sử nhân loại chưa từng trải qua một cuộc khủng hoảng nào lớn như vậy. Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến từng quốc gia cho dù hùng mạnh hay nhỏ bé, tác động lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thậm chí đến từng cá nhân. Đến thời điểm này, với những bước tiến về sản xuất và triển khai tiêm phòng vaccine, rút kinh nghiệm từ nhiều biện pháp phòng, chống... thế giới đang bước vào giai đoạn thích ứng với đại dịch. 

Từ số báo hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc chuyên mục Thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid-19, tập hợp những nghiên cứu của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn... Đó có thể là những hình dung về sự sẵn sàng cho một thế giới có sự hiện diện của virus SARS-CoV-2.

Quá trình chuyển đổi sang trạng thái mới sẽ đứng trước nhiều thay đổi. Ảnh: UCHICAGO
Quá trình chuyển đổi sang trạng thái mới sẽ đứng trước nhiều thay đổi. Ảnh: UCHICAGO

Chẳng bao lâu nữa thế giới sẽ “kỷ niệm” một sự kiện không đáng nhớ. Đó là thời điểm tháng 1 năm 2020, khi vi khuẩn Corona xuất hiện tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) được xác định có thể lây từ người sang người, đưa tới đại dịch toàn cầu Covid-19 khiến khoảng hơn 240 triệu người lây nhiễm, cướp đi sinh mạng của gần 5 triệu người, làm cho mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo chao đảo cả về kinh tế lẫn xã hội.

Gần hai năm vật lộn với đại dịch vẫn không thành, nay các nước không ai bảo ai đều lần lượt chọn mô hình từng bước mở cửa với tâm thế “sống chung an toàn” với Covid-19! Vậy cái thế giới mới do Covid-19 tạo dựng nên sẽ thế nào? Ta hãy thử cố hình dung xem sao.

Nét đặc trưng thứ nhất là tâm trạng vừa mừng vui thoát khỏi cảnh bị giam lỏng vô thời hạn, vừa nơm nớp trước nguy cơ “quỷ dữ corona 2” tung hoành trở lại. Nhiều điều bình thường cũ vốn có trước đại dịch sẽ trở lại với những sự điều chỉnh để phòng dịch, đi đôi với những phương thức sống mới do đại dịch kích hoạt như làm việc, giao dịch, học hành, giải trí… online.

Nét đặc trưng thứ hai là kinh tế sẽ dần phục hồi với lộ trình khác nhau ở mỗi nước, tùy theo các nhân tố như tình hình và khả năng chống dịch và phòng dịch; mức độ thiệt hại về người cũng như về kinh tế - tài chính và xã hội; tiềm năng tinh thần thể hiện trong năng lực quản trị quốc gia của giới lãnh đạo, cũng  như sự đồng thuận xã hội và sự hợp tác quốc tế. Do những nhân tố trên và tình trạng “dò đá qua sông” nên sự chuyển đổi trạng thái sẽ không đồng thời, và với phương cách, lộ trình, mức độ rất khác nhau. 

Nếu bùng nổ khủng hoảng kinh tế - tài chính tiền tệ, năng lượng kèm theo những thảm họa thiên nhiên rộng lớn và cả những xung đột chính trị - an ninh lớn, thì chưa thể hình dung nổi thế giới sẽ đi về đâu. Một điều rất đáng quan tâm khác là khắc phục hệ lụy về đại dịch, kinh tế - tài chính đã khó, để vượt qua những hệ lụy về xã hội còn khó khăn và lâu dài hơn nhiều. 

Thí dụ, ở nước Mỹ, với gần 1 triệu người bị lưỡi hái tử thần cướp đi sinh mạng, để lại khoảng 140 nghìn trẻ em côi cút thì đâu có thể chữa lành trong ngày một ngày hai? Hay làm thế nào bù đắp những sự thiệt thòi cả một thế hệ trẻ không được đến trường học hành, chơi đùa bình thường là câu chuyện sẽ để lại hậu quả lâu dài đối với sự phát triển.

Nét đặc trưng thứ ba là đại dịch và cả tình trạng biến đổi khí hậu lẫn trạng thái phập phù sống chung với nó sẽ kích hoạt mạnh mẽ thêm sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cũng như các ngành liên quan tới y tế, dịch tễ, chăm sóc sức khỏe… Điều này càng làm đẩy nhanh hơn quá trình quá độ sang nền văn minh mới. Nước nào thích ứng được với công cuộc đại chuyển dịch này sẽ vươn lên, ngược lại, những nước không bắt kịp sẽ càng tụt hậu xa hơn, nhanh hơn.

Nét đặc trưng lớn thứ tư là quá trình chuyển dịch sức mạnh của các quốc gia trong những năm qua sẽ càng tăng tốc dưới tác động của đại dịch và sự chuyển đổi mới; trong quan hệ quốc tế với đặc trưng cạnh tranh đi đôi với hợp tác, rất có thể sẽ hé lộ nhu cầu dàn xếp mâu thuẫn vì lợi ích sinh tồn mới.

Xem như vậy thì quá trình chuyển đổi sang trạng thái mới sẽ đứng trước nhiều thay đổi cả ngắn hạn lẫn dài hạn; cả về kinh tế lẫn chính trị - xã hội lẫn kinh tế, văn hóa lối sống; trong phạm vi mỗi nước lẫn trên phạm vi toàn cầu.

Ngày nay, khi nước ta chủ trương chuyển sang trạng thái mới không thể không tính đến những điều mới mẻ đang và sẽ diễn ra trên thế giới.