Tháo nút thắt xây nhà ở xã hội

Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu lao động, trong đó hơn 50% người lao động có nhu cầu về nhà ở. Trong khi nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mới chỉ đáp ứng được hơn 30% nhu cầu. Mới đây, trong Công điện 103 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương chủ trì với các cơ quan liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, triển khai hiệu quả Gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà ở cho công nhân với nhiều tiện ích được xây mới tại tỉnh Hà Nam.
Nhà ở cho công nhân với nhiều tiện ích được xây mới tại tỉnh Hà Nam.

40 văn bản đốc thúc xây nhà ở xã hội

Được chuyển đến khu nhà ở mới cho công nhân với cơ sở vật chất khang trang là niềm vui của gia đình chị Phạm Thị Mai và nhiều công nhân tại Khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn IV tỉnh Hà Nam. Họ không còn lo cảnh phải chuyển trọ hết nơi này đến nơi khác như trước. “Là công nhân lại mua được nhà khiến tôi rất vui. Trước đây, tiền tích lũy, chúng tôi phải dành để đi thuê trọ. Nhờ được vay vốn, chúng tôi đã mua căn hộ có diện tích 67 m2 với giá 619 triệu đồng. Chuyển về đây, có rất nhiều tiện ích như nhà trẻ, nhà văn hóa, sân chơi cộng đồng, siêu thị… Đặc biệt, nguồn nước sạch khiến tôi đang nuôi con nhỏ 6 tháng rất yên tâm”, chị Mai chia sẻ.

Anh Lê Văn Thắng cũng hồ hởi: “Từ ngày chuyển về đây, trường học của hai con cách 500 m nên rất tiện cho việc đưa đón con đi học. Chúng tôi đều làm việc ngay tại KCN nên không phải di chuyển nhiều. Tiết kiệm chi phí đi lại khiến chúng tôi làm việc năng suất hơn và có thêm tiết kiệm để trả góp tiền mua nhà”.

Hà Nam hiện có 8 KCN với hàng nghìn lao động (LĐ). Rất nhiều công nhân trong số này có nhu cầu về nhà ở. Vì vậy, khi dự án nhà ở cho công nhân Viglacera tại KCN Đồng Văn IV được hoàn thành, nhiều công nhân đã nắm bắt cơ hội, chuyển về đây để sinh sống. Với giá bán trung bình khoảng 10,5 triệu đồng/m2, một căn hộ nhỏ nhất tại đây có giá khoảng 600 triệu đồng. Công nhân mua nhà tại dự án này được vay tới 80% và trả dần trong 25 năm qua Ngân hàng chính sách Xã hội.

Tuy nhiên, dù nguồn cung không thiếu, tiện ích cảnh quan đầy đủ nhưng hiện nay nhiều khu nhà ở công nhân tại Hà Nam lại thiếu người mua. Một trong những nguyên nhân là giới hạn đối tượng mua nhà. Đối tượng được mua nhà tại KCN Đồng Văn IV chỉ là công nhân làm việc tại KCN này, không như đối tượng mua nhà ở xã hội là 12 đối tượng. Bà Dương Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Hà Nam đề xuất: “Các khu nhà ở công nhân được quy hoạch bài bản đã giúp nâng cao đời sống cho NLĐ, giúp họ tạo dựng cuộc sống mới từ đó gắn bó lâu dài với công việc hơn. Sắp tới rất mong muốn được phê duyệt mở rộng đối tượng mua nhà sang công nhân làm việc ở các KCN khác trong tỉnh”.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 60% số công nhân đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng. Trong đó, nhiều khu trọ thiếu diện tích, không bảo đảm an ninh, an toàn với giá từ 1,5-4 triệu đồng/tháng chiếm từ 25-30% thu nhập của công nhân LĐ.

Tính đến tháng 10 này, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, ban hành 40 văn bản liên quan chỉ đạo việc triển khai Đề án Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Riêng về tín dụng cho triển khai Đề án đã có 14 văn bản. Chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng: “Chính sách nhà ở cho công nhân, NLĐ thể hiện tính nhân văn, ghi nhận sự đóng góp của NLĐ đối với sự phát triển kinh tế của địa phương. Quá trình phát triển của đất nước, theo quan điểm của Đảng là phải đi cùng với sự tiến bộ xã hội. Tức là NLĐ phải thụ hưởng xứng đáng thành quả phát triển, mà một trong thành quả phát triển đó chính là nơi ăn, chốn ở của NLĐ phải được bảo đảm”.

Gỡ khó, giải quyết từng khâu

Hải Phòng là địa phương nằm trong tốp đầu phát triển kinh tế-xã hội của cả Việt Nam. 6 tháng năm 2024, thu hút đầu tư nước ngoài của Hải Phòng đạt 1,6 tỷ USD. Theo Sở Xây dựng TP Hải Phòng, tổng số căn nhà ở xã hội mà Hải Phòng đã hoàn thành, đang triển khai và dự kiến triển khai trong giai đoạn từ năm 2021-2030 là khoảng 42 nghìn căn, bảo đảm hoàn thành và vượt chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra là 33.500 căn. Các dự án đang trong quá trình xây dựng rất khẩn trương cùng sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi của thành phố.

Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: “Cần phải tạo được một hạ tầng xã hội thiết yếu nhưng lại hoàn thiện như nhà ở cho công nhân kèm các thiết chế công đoàn gồm khu vui chơi giải trí để bảo đảm Hải Phòng thu hút được nguồn LĐ có chất lượng cao. NLĐ đến với TP Hải Phòng không chỉ lạc nghiệp mà còn an cư. Thành phố cũng đang ban hành cơ chế hướng tới hỗ trợ lãi suất cho công nhân khi mua nhà ở xã hội”.

Tuy nhiên, để nhà ở xã hội đến được với người có thu nhập thấp, công nhân LĐ cần tiếp tục được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hải Phòng đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Gói hỗ trợ tín dụng 140 nghìn tỷ đồng. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại ở mức tương đối cao, thời hạn hưởng lãi suất ưu đãi ngắn. Nguồn vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn từ năm 2024-2025 chưa được bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện cho vay theo chương trình cho vay nhà ở xã hội.

Theo bà Trần Thị Hiền, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Hải Phòng, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ lấy từ nguồn vốn phân bổ của T.Ư và nguồn vốn phân bổ của địa phương. Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa qua, dư nợ đến thời điểm hiện nay của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Hải Phòng cho vay 62 khách hàng và dư nợ 30,5 tỷ đồng. Trong năm 2024 này, hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội chưa được cấp vốn đó. Chính vì thế chưa triển khai cho vay đến người mua nhà ở xã hội”.

Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 đã qua được 1/3 thời gian nhưng mới hoàn thành được rất ít mục tiêu. Cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 400 nghìn căn. Trong đó, mới hoàn thành 75 dự án với quy mô hơn 39 nghìn căn. Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án với quy mô hơn 115 nghìn căn. Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 300 dự án với quy mô 263 nghìn căn.

Luật sư Nguyễn Thành Luân, chuyên gia pháp chế lĩnh vực bất động sản cho rằng: “Cái vướng lớn nhất tại thời điểm hiện nay là quỹ đất. Bởi các quỹ đất sạch mà các tỉnh bố trí để kêu gọi đầu tư vào nhà ở xã hội gần như không có nhiều. Thời gian vừa qua, các tỉnh chủ yếu ưu tiên phát triển công nghiệp hoặc ưu tiên phát triển các dự án nhà ở thương mại”.

Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 chia sẻ: “Thủ tục xây nhà ở xã hội còn khó khăn, phức tạp hơn nhà ở thương mại. Thứ nhất, về giải phóng mặt bằng, nhà ở xã hội vẫn phải thỏa thuận và kéo dài từ 2-5 năm. Thứ hai, về thủ tục đầu tư, các bước lại giống nhà ở thương mại và dự án nhà ở xã hội vẫn phải làm thủ tục đầu tư trên 2 năm và thường kéo dài đến 5 năm. Thứ ba, thủ tục mua bán nhà ở xã hội phức tạp hơn”. Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành đề xuất: “Làm sao chúng ta rút ngắn được các thủ tục pháp lý này thì chúng ta mới sớm đưa ra ngoài thị trường những dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu người dân và giảm giá thành nhà ở xã hội xuống”.

Tại các tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều KCN như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An…, tỷ lệ nhà ở xã hội còn thấp so mục tiêu của Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ: “Mục tiêu đặt ra là 1 triệu căn nên đưa vào thành chỉ tiêu quy hoạch cho từng địa phương, từng tỉnh. Căn cứ vào nhu cầu nhà ở xã hội của mỗi địa phương, thành ra kế hoạch về quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất”.

Khi Luật Nhà ở sửa đổi được Quốc hội thông qua vào ngày 27/11/2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được giao là cơ quan chủ quản đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân LĐ tại các KCN. Trên cơ sở đó, Tổng Liên đoàn đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Giai đoạn 2024-2025 xây dựng khoảng 2 nghìn căn hộ tại Bắc Ninh, Tiền Giang và Bến Tre. Giai đoạn 2026-2030, dự kiến xây dựng từ 15 nghìn đến 20 nghìn căn hộ tại các tỉnh có nhu cầu nhà ở cho công nhân.