Sinh thời Bác Hồ đặc biệt yêu quý thanh niên và dành nhiều tâm huyết chăm lo bồi dưỡng, đào tạo các thế hệ thanh niên.
Năm 1925, ngay sau khi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Bác Hồ đã lo đến việc tổ chức và lãnh đạo đoàn thể riêng của thanh niên. Người kể lại: Hội đã chọn tám em Việt kiều ở Xiêm đưa sang Quảng Châu để bồi dưỡng thành hạt nhân Ðoàn thanh niên sau này. Trong số các em đó có Lý Tự Trọng, về sau là đoàn viên đầu tiên của Ðoàn Thanh niên Cộng sản nước ta, cũng là người cộng sản đã oanh liệt đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Ðảng, cho sự nghiệp cách mạng.
Năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn tổng phản công, cần huy động nhiều sức người sức của cho tiền tuyến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm một đơn vị thanh niên xung phong và căn dặn:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Ðào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Thực hiện lời Bác dạy lớp lớp thanh niên tham gia kháng chiến, vượt mọi gian khó góp phần cùng toàn dân làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ và xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Năm 1966, tại lễ kỷ niệm 35 năm Ðoàn thanh niên lao động Việt Nam, thay mặt Ðảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị thanh niên và nhấn mạnh: Thanh niên ta cố gắng, có tiến bộ và có nhiều thành tích. Nhưng chớ vì thế mà tự cao, tự đại; phải khiêm tốn, phải luôn luôn cố gắng hơn nữa, vượt mọi khó khăn để giành lấy thành tích nhiều hơn và to lớn hơn. Cần phải: Nâng cao chí khí anh hùng cách mạng; nắm vững khoa học kỹ thuật; ra sức học tập và sáng tạo; thực hiện cần cù và tiết kiệm; đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ không ngừng.
Trước sự phát triển của phong trào thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh 'rất tự hào, sung sướng và thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang' (Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, Hà Nội 1973, tr 209). Người căn dặn: Cần phát triển Ðoàn hơn nữa, nhưng phải chọn lọc cẩn thận, trọng chất lượng hơn số lượng. Nói tóm lại, luôn luôn làm đúng những lời dạy bảo của Ðảng. Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Ðảng ta: Cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa 'hồng' vừa 'chuyên'.
80 năm qua, thanh niên, thế hệ trẻ Việt Nam luôn được sự quan tâm, chăm lo giáo dục của Ðảng và Bác Hồ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cũng như nghề nghiệp, nâng cao năng lực, trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật đã tỏ rõ là đội quân xung kích của cách mạng.
Ðể thanh niên vươn lên xứng đáng là đội quân xung kích trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa, các nghị quyết Ðại hội X và Ðai hội XI của Ðảng đã chỉ rõ phương hướng phát triển cho thanh niên. Ðó là thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng và đạo đức cách mạng cho thanh niên. Khuyến khích thanh niên tự học, tự nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm. Chú trọng bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ, đào tạo thanh niên trong lực lượng vũ trang có nghề khi hết thời hạn nghĩa vụ quân sự. Tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên có tài năng đi học ở nước ngoài về phục vụ đất nước.
Có thể khẳng định rằng, Ðảng và nhân dân ta quan tâm và kỳ vọng rất nhiều ở thanh niên. Vấn đề đặt ra là trong điều kiện đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế hiện nay, thanh niên phải làm thế nào để trở thành lực lượng 'hăng hái xung phong' trong mọi việc. Tuy lực lượng lao động trẻ nước ta được xếp vào hàng quốc gia có trình độ học vấn khá, có nhiều sinh viên, học sinh thông minh đạt giải quốc tế, nhưng lại thiếu những người quản lý trẻ tài năng, những doanh nhân, nhà doanh nghiệp trẻ có tài và những lao động tinh thông công việc. Do vậy mà năng suất lao động còn rất thấp và hiệu quả kinh tế chưa cao so với mức đầu tư. Nếu đem so sánh với các nước đang phát triển, kể cả những nước trong khu vực như Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái-lan thì nguồn lao động trẻ của nước ta còn ở trình độ thấp, chưa có tác phong và tư duy công nghiệp. Ðây là một thực tế cần nhìn nhận thẳng thắn để tìm cách khắc phục. Hiện nay, nước ta có hơn 50 triệu người ở độ tuổi lao động nhưng số người từ 15 tuổi trở lên được đào tạo nghề nghiệp và chuyên môn kỹ thuật rất thấp, trong đó chỉ có 2,3% là công nhân kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ; 2,8% có trình độ trung học chuyên nghiệp; 0,7% cao đẳng và 1,7% đại học, 0,1% có trình độ trên đại học. Cơ cấu đào tạo lại bất hợp lý: đại học và trên đại học là 1; trung học chuyên nghiệp là 1,3 và công nhân kỹ thuật là 0,92 (thế giới là 1-4-10). Do đó, tình trạng thiếu thợ lành nghề trong nền kinh tế ngày càng trầm trọng. Sinh viên ra trường không có việc làm ngày càng nhiều, song các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lại tuyển được rất ít lao động có trình độ cao, công nhân kỹ thuật và thợ có tay nghề.
Thực hiện chiến lược kinh tế xã hội 2011 - 2020, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế nhanh và bền vững thì yêu cầu về nguồn nhân lực trẻ được đào tạo có chất lượng ngày càng cao. Trong những năm qua khi Việt nam hội nhập sâu, rộng, toàn diện vào kinh tế thế giới cho thấy chất lượng lao động là yếu tố quan trọng hàng đầu mà các doanh nghiệp quan tâm chứ không phải số lượng lao động phổ thông và giá công nhân, lao động rẻ. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển hướng phát triển kinh tế sang chiều sâu, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm hàng hóa, phát triển kinh tế tri thức đòi hỏi cấp bách phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ðể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ, giải pháp vừa cơ bản, vừa cấp bách là phát triển, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo một cách toàn diện gắn kết giáo dục và dạy nghề với nghiên cứu khoa học, công nghệ và bám sát, thậm chí đi trước một bước yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, nhu cầu thị trường, sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó chú trọng hai lĩnh vực là mở rộng đào tạo công nhân, kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ và đào tạo đại học, trên đại học. Ðổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tư duy sáng tạo và năng lực đào tạo của người học. Ðổi mới chương trình đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thiết thực, hiện đại. Cần quan tâm việc trang bị kiến thức tin học, ngoại ngữ cho sinh viên là những công cụ để có thể tiếp cận nhanh với xã hội, thế giới, tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ði vào kinh tế tri thức, hội nhập, tham gia toàn cầu hóa kinh tế, trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21, Việt Nam phải xây dựng và thực hiện một chiến lược tổng thể quốc gia và chương trình hành động cụ thể về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Theo đó cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm bồi dưỡng, đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết, thật sự coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, tập hợp và đào tạo thanh niên để họ là đội quân xung kích trong sự nghiệp vẻ vang của Ðảng và dân tộc.