Tham vọng khó đạt

Các lực lượng Pháp đã hoàn tất việc rút quân khỏi Niger, qua đó chấm dứt sự hiện diện quân sự kéo dài suốt 10 năm qua tại nước này.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: JÉRÔME SIÉ
Biếm họa: JÉRÔME SIÉ

Theo AFP, quân đội Niger ngày 22/12 thông báo, các lực lượng Pháp đã hoàn tất việc rút quân và chấm dứt hiện diện quân sự ở nước này, sau một thập kỷ tham gia sứ mệnh nhằm chống lại những kẻ khủng bố cực đoan. Trước đó, Pháp đã quyết định đóng cửa Đại sứ quán nước này ở Thủ đô Niamey của Niger.

Biện pháp cực kỳ hiếm hoi này được đưa ra sau khi Niamey hôm 12/12 yêu cầu Pháp rút toàn bộ binh sĩ được triển khai ở Niger trong khuôn khổ cuộc chiến chống thánh chiến trước ngày 22/12. Đây được xem là bước leo thang mới trong mối quan hệ căng thẳng giữa Pháp và Niger, kể từ khi nhóm tướng lĩnh lên nắm quyền ở Niamey sau cuộc đảo chính ngày 26/7. Sau khi một số thỏa thuận hợp tác quân sự bị hủy bỏ, vào tháng 9 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố rút toàn bộ lực lượng khỏi Niger vào cuối năm nay.

Sau cuộc đảo chính, quân đội Niger lên nắm quyền đã nhanh chóng yêu cầu Pháp rút 1.500 quân được triển khai để chống lại các chiến binh thánh chiến. Chế độ quân sự cũng tuyên bố trục xuất Đại sứ Pháp Sylvain Itté vào cuối tháng 8. Phía Pháp cho rằng nhà ngoại giao này đã bị mắc kẹt trong cơ quan đại diện ngoại giao gần một tháng trước khi rời đi.

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân đổ vỡ mối quan hệ giữa Pháp và các quốc gia ở vùng Sahel của châu Phi không chỉ bắt nguồn từ sự rạn nứt với những chính quyền quân sự lên nắm quyền, mà còn do sự nghi ngờ về tính hiệu quả của các chiến dịch khống khủng bố cực đoan do Pháp tiến hành. Chính quyền Mali từng thẳng thừng cáo buộc Pháp không hành động dứt khoát, giúp các phần tử khủng bố có thời gian tập hợp lại lực lượng, tiếp tục thực hiện tấn công nhằm vào Mali.

Rõ ràng là việc rút quân khỏi Niger, Malia và Burkina Faso đã dập tắt tham vọng của Pháp kéo dài sự hiện diện với mong muốn tăng cường vị thế và ảnh hưởng ở khu vực châu Phi. Nếu không muốn chiến dịch chống khủng bố tại khu vực châu Phi trở nên “công cốc”, Paris sẽ buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch quân sự của mình.