Mối lo mùa bầu cử

Mùa bầu cử tại Mỹ nóng lên sau ngày “siêu thứ ba” (5/3), với hàng loạt cuộc bỏ phiếu của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Vốn chi phối các cuộc bầu cử ở “xứ cờ hoa”, chủ đề kinh tế tiếp tục được quan tâm nhiều nhất trong mùa bầu cử năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: CHAPPATE
Biếm họa: CHAPPATE

Kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, ba phần tư số người Mỹ coi mục tiêu củng cố nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Con số trên đã nói lên mối lo của phần đông người Mỹ trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn. Theo khảo sát của tờ The Wall Street Journal, nhiều cử tri lo ngại về chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ do lạm phát tăng cao, tăng trưởng kinh tế không đồng đều, khoảng cách thu nhập ngày càng lớn.

Trong đó, vấn đề chi phí y tế được quan tâm đặc biệt. Theo đó, chăm sóc sức khỏe đứng đầu danh mục chi tiêu cơ bản mà người Mỹ lo lắng, hơn cả chi tiêu cho thực phẩm, khí đốt và thuê nhà. Hóa đơn y tế là mối lo của ba trong số bốn người được khảo sát.

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, ứng cử viên đảng Dân chủ, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đang có ưu thế trong vấn đề kinh tế. Trong nhiệm kỳ của ông Biden gần 4 năm qua, kinh tế Mỹ đã đón nhận những tín hiệu tích cực khi “bão lạm phát” được xoa dịu, chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng, thị trường việc làm ổn định. Nền kinh tế Mỹ được đánh giá phục hồi đúng hướng sau đại dịch.

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Đại học Suffolk phối hợp tờ USA Today, khoảng 60% số cử tri tốt nghiệp đại học ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua nội bộ đảng Cộng hòa. Lý do cũng liên quan vấn đề kinh tế, khi nhiều cử tri tin ông Trump có thể giúp cải thiện nền kinh tế Mỹ. Khảo sát mới nhất của tổ chức FT-Michigan Ross cũng cho thấy, 67% số cử tri đảng Cộng hòa tin tưởng ông Trump trong việc điều hành nền kinh tế Mỹ.

Mối quan tâm, mối lo về kinh tế góp phần quyết định lá phiếu ủng hộ của cử tri. Ứng cử viên Biden hiện không có đối thủ trong đảng Dân chủ và ông Trump có ưu thế rõ rệt trên đường đua của đảng Cộng hòa. Cuộc đua giành vé ứng cử viên Tổng thống chưa dừng lại, song kịch bản “tái đấu” giữa các chính sách kinh tế nhằm xoa dịu mối lo mùa bầu cử tại “xứ cờ hoa” thì đã lộ diện.