Chặng đường dài phía trước

Báo cáo mới nhất của LHQ cho thấy tiến bộ đáng chú ý của thế giới, khi số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong trên toàn cầu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục và lần đầu tiên ở mức dưới 5 triệu.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: ARWA MOUKBEL
Biếm họa: ARWA MOUKBEL

Khảo sát do nhóm liên ngành của LHQ, gồm các chuyên gia từ Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp thực hiện và công bố hôm 12/3. Theo đó, năm 2022 ước tính có 4,9 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong, giảm 51% so mức năm 2000 và giảm 62% kể từ năm 1990. Đặc biệt, các nước đang phát triển đạt tiến bộ lớn, trong đó tại Mông Cổ, Malawi và Rwanda, tỷ lệ này thậm chí giảm tới 75% so mức năm 2000.

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell nhấn mạnh, phía sau những con số tích cực trên là sự tận tâm của các nữ hộ sinh và nhân viên y tế, là nỗ lực tiêm chủng cũng như cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chi phí thấp, nhưng chất lượng cao và hiệu quả.

Tuy nhiên, LHQ chỉ ra rằng, tiến bộ không đồng đều và chỉ mang tính tạm thời, thậm chí có nguy cơ bị đình trệ hoặc đảo ngược nếu không duy trì và tăng cường các nỗ lực. Con số năm 2022 vẫn cho thấy, cứ 6 giây lại có 1 trẻ em tử vong. Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong chiếm tới 50% tổng số ca tử vong.

Trong khi đó, tốc độ giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi đã chậm lại trên phạm vi toàn cầu kể từ năm 2015. Phần lớn những trường hợp trẻ tử vong là ở các khu vực Nam Sahara của châu Phi và Nam Á, cho thấy sự chênh lệch lớn về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Bất ổn kinh tế, xung đột, biến đổi khí hậu và tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm khoảng cách này.

Mục tiêu toàn cầu giảm số ca tử vong có thể phòng ngừa cũng chưa đạt được, khi vẫn có hàng triệu trẻ em tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng ngừa và điều trị, như biến chứng sinh non, viêm phổi, tiêu chảy, sốt rét...

Báo cáo của LHQ cảnh báo vẫn còn một chặng đường dài phía trước để thế giới loại bỏ những cái chết mà có thể phòng ngừa. Mục tiêu đó đòi hỏi cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, tăng đầu tư vào giáo dục, tạo việc làm và điều kiện làm việc cho nhân viên y tế...