CHUYÊN ĐỀ: “NGƯỜI TRẺ KỂ CHUYỆN HY SINH”

Tay máy trẻ - Đề tài quen: Làm sao để mới?

Hòa cùng nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, nhiếp ảnh cũng không ngừng tạo rung cảm với những tác phẩm về chiến tranh, hậu chiến, tri ân thương binh, liệt sĩ và người có công với đất nước, dân tộc. Tuy có những đặc thù riêng, chẳng hạn như không thể tưởng tượng mà phải dựa trên thực tế, mảng sáng tác này vẫn thu hút các thế hệ kế cận dấn thân tiếp bước cha anh.
0:00 / 0:00
0:00
“Thắp hương viếng đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn”. Tác giả: ĐÀO MINH XUYÊN
“Thắp hương viếng đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn”. Tác giả: ĐÀO MINH XUYÊN

Một khoảnh khắc thay nghìn lời

Một tay máy tâm huyết với hình tượng người lính và đã giành nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế là nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Văn Truyền (sinh năm 1983, Đà Nẵng). Anh khẳng định, đề tài thương binh, liệt sĩ dù không dễ nhưng luôn hấp dẫn.

Hằng năm, anh Huỳnh Văn Truyền và các nghệ sĩ nhiếp ảnh khác tại Đà Nẵng thường xuyên tổ chức đi thực tế sáng tác tại các địa phương miền trung - Tây Nguyên, bám sát các hoạt động phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tri ân cựu chiến binh, viếng nghĩa trang, quy tập mộ liệt sĩ... Theo anh Truyền, chất liệu có sẵn để chụp ảnh báo chí, ảnh kỷ niệm thì không thiếu, nhưng nâng tầm thành tác phẩm nghệ thuật có sức nặng thì đòi hỏi nhiều tư duy, nỗ lực. Người đi sau không trải qua chiến tranh, không đủ trải nghiệm để hiểu hết những nỗi vất vả, hiểm nguy, hy sinh trong bom đạn khói lửa. Thêm nữa, tác phẩm của các nghệ sĩ đi trước đã rất tốt, vang danh xa và khó vượt qua. Do đó, lực lượng sáng tác trẻ cần tìm được góc nhìn riêng, cách thể hiện mới mẻ. Đôi khi, có những trường hợp đặc biệt mà dù nghệ sĩ có ý tưởng, có cảm xúc nhưng thể hiện sao cho tinh tế, phù hợp vẫn nan giải, chẳng hạn như khi tiếp cận các hoàn cảnh chịu di chứng chất độc da cam. Một lần khác, anh Truyền kể mình có cơ hội tham dự một sự kiện gặp mặt của đơn vị tình báo, các cựu chiến binh chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị, chiến công cảm động, nhưng họ không mặc quân phục hay đeo huy chương như nhiều đơn vị bộ đội khác. Khi đó, người cầm máy phải rất cố gắng suy nghĩ, chắt lọc tìm ra các chi tiết đặc trưng...

Tay máy trẻ - Đề tài quen: Làm sao để mới? ảnh 1

Thắm đượm màu Tổ quốc. Ảnh: LÊ PHƯỚC THÀNH

Khó, nhưng cần làm

Dù phải thừa nhận sáng tác ảnh về thương binh, liệt sĩ không đơn giản, đáng mừng là đề tài này vẫn được quan tâm. Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh Đà Nẵng với hàng trăm thành viên và hầu hết là người trẻ, anh Huỳnh Văn Truyền cho biết kể cả hội viên mới cũng có nhiều người chịu khó tìm tòi, thử sức. Trong giới nhiếp ảnh cả nước, số tay máy trẻ tạo được tên tuổi ở mảng này có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gần đây, anh Truyền cho biết, mình chú ý và ấn tượng với tác giả trẻ Đinh Như Thái (Quảng Ninh) với bộ ảnh “Ký ức một chặng đường đã qua”. Hay tác giả Hồ Thanh Thọ (Quảng Trị) với bộ ảnh “Hành trình về với Đất Mẹ”, thể hiện quá trình tìm kiếm và quy tập hài cốt nhiều liệt sĩ, quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh khi làm nhiệm vụ trên nước bạn Lào. Bộ ảnh đã giành Huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật Bắc Trung Bộ năm 2023.

Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến (sinh năm 1944, Hà Nội), nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh, đề tài lịch sử chiến tranh cách mạng, tri ân người có công là mảng đề tài lớn, được Đảng và Nhà nước khuyến khích và tôn vinh, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội đều chú trọng. Trong giới nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh là một nhân vật nổi bật bởi bản thân ông cũng chính là một thương binh đã để lại một cánh tay ở chiến trường Tây Nguyên năm 1971. Vừa tích cực sáng tác, giảng dạy nhiếp ảnh, chính ông nhiều lần trở thành đối tượng sáng tác, xuất hiện trong các tác phẩm của đồng nghiệp.

Cựu chiến binh, thương binh không có không ít trường hợp thành đạt, có người làm kinh tế giỏi, có người cải tạo ruộng đồng và giúp đỡ địa phương, có người là nhà giáo ưu tú, người thành văn nghệ sĩ... Tất cả đều cống hiến cho đời, nên nhiếp ảnh cũng cần phản ánh nhiều hơn, làm rõ hơn cả những góc độ ấy.

Với kinh nghiệm lâu năm làm giám khảo nhiều cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí, ông Vũ Huyến cho biết, không riêng cuộc thi của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam mà của nhiều đơn vị khác cũng có nhiều tác phẩm tốt của tác giả trẻ. Thí dụ như Giải Búa liềm vàng (Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng) lần thứ 9 - năm 2024, cuộc thi ảnh “Vẻ đẹp Việt Nam” do Truyền hình Nhân Dân, Báo Nhân Dân tổ chức thường niên... Nghệ sĩ Vũ Huyến cũng nhấn mạnh các đặc điểm dễ nhận thấy của thực trạng sáng tác đề tài này. Một là hình thức phổ biến nhất vẫn là chân dung cựu chiến binh, thương binh... có nhiều thành tích chiến đấu, hoạt động tích cực trong đời thường. Thứ hai, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan mà ảnh có tính sắp đặt chiếm phần lớn, thường diễn ra vào các dịp kỷ niệm, bối cảnh là các nghĩa trang hoặc chiến địa xưa. Rất hiếm cá nhân tự phát hiện, tự tìm kiếm hoặc theo đuổi lâu dài một chuyên đề lớn. Cũng theo ông Vũ Huyến, yếu tố quan trọng và khó nhất các nhiếp ảnh gia trẻ cần chú ý là phát hiện, nắm bắt cảm xúc trên khuôn mặt con người, thay vì chỉ hướng ống kính vào những khuyết tật, thiệt thòi do chiến tranh...

Dù vẫn còn đó nhiều trăn trở, các thế hệ nhiếp ảnh đương đại và mai sau không lãng quên lịch sử! Đề tài thương binh, liệt sĩ là thách thức nhưng cũng là nguồn cảm hứng dồi dào cho họ trên con đường sáng tạo và phát huy đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”.