Tay chèo dẫn hướng của Đội tuyển rowing Việt Nam

Không chỉ là một trong những gương mặt kỳ cựu từng bốn lần tranh tài tại ASIAD, vận động viên rowing Phạm Thị Thảo còn sở hữu bộ sưu tập huy chương ấn tượng, với đầy đủ cả ba mầu: vàng, bạc, đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Phạm Thị Thảo (ngoài cùng, bên trái).
Phạm Thị Thảo (ngoài cùng, bên trái).

PHẠM THỊ THẢO đã hai lần giành huy chương bạc Á vận hội năm 2010 và 2014. Sau đó, chấn thương khiến cô lỡ hẹn Olympic Rio 2016 và tay chèo quê Thái Bình đã quyết định giải nghệ để chuyển hướng sang làm huấn luyện viên.

Song, đến giữa năm 2018, cô được các thầy tha thiết mời trở lại gồng gánh đội tuyển rowing nữ đang gặp khó khăn về lực lượng. Dù phải tạm thời chia xa đứa con mới bốn tháng tuổi, Phạm Thị Thảo đã dẫn dắt đồng đội trong cả tập luyện và thi đấu để tạo nên "cơn địa chấn" trên đất Indonesia - huy chương vàng nội dung thuyền hạng nhẹ bốn tay chèo.

Ở kỳ ASIAD 19 này, dù chỉ về đích ở vị trí thứ 3, nhưng kết quả này vô cùng đặc biệt. Bởi, nội dung thi đấu là thuyền hạng nặng vốn không phải sở trường. Sự khác biệt này khiến Thảo phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Cuối cùng, chị cả của đội rowing nữ Việt Nam vẫn lựa chọn trở lại dìu dắt đàn em, để mang về thêm những tấm huy chương châu lục.

"Thành tích này không chỉ là kết quả của quá trình nỗ lực, bền bỉ phấn đấu, mà còn đó sự quan tâm giúp đỡ các thành viên trong đội rowing. Bất cứ chuyện vui hay buồn gì, các chị em đều tâm sự với nhau. Lúc mình mệt mỏi và nản lòng nhất, mọi người luôn đồng hành, động viên và giúp đỡ tôi vượt qua khó khăn. Chính sự quan tâm ấy khiến tôi quyết tâm cố gắng phấn đấu thêm nhiều thời gian hơn nữa, thay vì giải nghệ", Phạm Thị Thảo chia sẻ.

Theo bà Dương Thị Hồng Hạnh, phụ trách môn Đua thuyền, Cục Thể dục-Thể thao, Đội tuyển rowing nữ đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ. Điều đặc biệt là các vận động viên đều rất yêu thương nhau, sống tình cảm như chị em trong gia đình. Tất cả đã tạo nên sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý trong thi đấu, góp phần làm nên thành công của rowing Việt Nam trong những năm qua.

Dù là chị cả của Đội tuyển rowing nữ, Phạm Thị Thảo từng suýt bị loại vì không biết... bơi. Song, sải tay dài kỳ lạ cùng nỗ lực quyết tâm tập luyện, không ngừng vượt qua các thử thách khắc nghiệt đã giúp cô trở thành vận động viên thành công nhất trong lịch sử rowing Việt Nam.