Đảo Phục Sinh nằm giữa Thái Bình Dương, là một phần lãnh thổ của Chile, nổi tiếng với hơn 1.000 tượng đầu người (còn gọi là “moai”) khổng lồ bằng đá nguyên khối. Do lượng khách du lịch đến tham quan nhiều nên vào khoảng đầu tháng 3, một du khách dương tính với Covid-19 đã lây nhiễm trên đảo Phục Sinh, trong đó có cộng đồng người Rapa Nui bản địa. Tuy nhiên sau đó, tổng số ca bệnh trên đảo đã được kiểm soát, cách ly năm ca dương tính. Đến cuối tháng 4, toàn bộ bệnh nhân trên đảo Phục Sinh đã khỏi bệnh.
Người đứng đầu hòn đảo, ông Edmunds Paoa cho rằng, nhờ có hai tập tục cổ xưa là “Tapu” và “Umanga” mà Covid-19 bị đẩy lùi. Với “Tapu”, người dân trên đảo đã nâng cao ý thức tự cách ly và phòng bệnh. Trong khi đó, truyền thống “Umanga” khuyến khích sự hỗ trợ, đoàn kết của người dân nhằm hồi phục nền kinh tế tự lập và bền vững, thay vì dựa chủ yếu vào du lịch như trước đây.
Về cơ bản, “Tapu” là một nguyên tắc tự bảo vệ, chăm sóc bản thân. “Tapu” được áp dụng thành công như một hình thức cách ly trong những ngày đầu của đại dịch, khi hạn chế sự di chuyển của người dân trên đảo, cấm tiếp xúc xã hội. Ông Edmunds giải thích: “Tapu được coi là mệnh lệnh thiêng liêng để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ cuộc sống của mỗi người. Đó là một hình thức kỷ luật bắt nguồn từ nền văn hóa Polynesia cổ đại, liên quan việc cấm túc, cách ly và hạn chế giao tiếp”. Khi đóng cửa giao thông tới đảo Phục Sinh, nhiều ý kiến trái chiều của cư dân nổ ra giữa những người tin tưởng ông Paoa và phần còn lại lo ngại lệnh cấm này sẽ hủy hoại nền kinh tế vốn dựa trên du lịch. “Chính quyền đã nghĩ ra một cách để đoàn kết mọi người chống lại “kẻ thù chung” là Covid-19. Cách duy nhất là áp dụng khái niệm cổ xưa Tapu”, ông Paoa nhấn mạnh.
Sau khi ngăn chặn dịch thành công, chính quyền áp dụng một nguyên tắc cổ xưa khác là “Umanga”, một truyền thống đề cao ý thức tự cung tự cấp, giúp đỡ lẫn nhau vì lợi ích cộng đồng, phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường. Trước đó, đảo Phục Sinh đã phụ thuộc rất nhiều vào đất liền trong vấn đề lương thực, còn thu nhập chủ yếu đến từ du lịch với 100.000 khách tham quan đảo hằng năm. Tuy nhiên, do khó khăn sau dịch, “Umanga” trở thành “hạt nhân” trong một chương trình tự hồi phục kinh tế bền vững từ nay tới năm 2030 mang tên “Pro Empleo Rapa Nui”.
Bà Nunú Fernández Paoa, người đứng đầu chương trình nói trên giải thích: “Pro Empleo Rapa Nui có một số mục tiêu chính, bao gồm bảo đảm an ninh lương thực, tăng cường trao đổi văn hóa và bảo vệ thiên nhiên của hòn đảo. Nhờ chương trình này, giờ đây người dân đã có kênh tin tức bằng ngôn ngữ Rapa Nui địa phương, nhiều gia đình tự làm vườn, lắp đặt biển báo đường phố mới, thường xuyên tổ chức hội chợ thủ công. Ngoài ra, các hướng dẫn viên du lịch ngoài giờ làm việc đã tuyên truyền cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của môi trường tự nhiên và các địa điểm khảo cổ trên đảo, vận động nhiều tình nguyện viên thu gom được hai tấn rác thải từ đại dương… Chúng tôi coi đại dịch là một cơ hội để thúc đẩy nhiều kế hoạch phát triển hòn đảo theo hướng bền vững hơn”.
Giai đoạn một của chương trình Pro Empleo Rapa Nui, diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8, đã hoàn thành khi được chính quyền đầu tư khoảng 1,6 triệu USD. Trong khi đó, giai đoạn hai từ tháng 9 đến tháng 12 cần khoảng 1,5 triệu USD. Hiện tại, chính quyền đảo đã chuyển một phần lớn ngân sách trích từ thu nhập hằng năm cho chương trình này. Theo ông Edmunds Paoa, chương trình Pro Empleo Rapa Nui cho thấy đại dịch Covid-19 thức tỉnh người dân đảo nhận ra sự cần thiết phải thay đổi phát triển kinh tế sang mô hình mới, ít phụ thuộc du lịch và trở về với tự nhiên, các giá trị truyền thống với tinh thần tự lập.