Nhiều điểm mới về quy hoạch và phát triển Thủ đô Hà Nội
Trước đó, ngày 8/12/2023, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án sau đó đã được Chính phủ phê duyệt và chính thức trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này.
Một số điểm mới nổi bật của Đồ án bao gồm: Đề xuất áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô” để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa), tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, thương mại dịch vụ; logistics; thương mại quốc tế; tài chính... hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm, gồm: Đô thị trung tâm (gồm: đô thị phía nam sông Hồng; đô thị Long Biên, Gia Lâm); thành phố phía bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); thành phố phía tây (gồm: đô thị vệ tinh Hòa Lạc, thị trấn Xuân Mai), các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên; thị trấn sinh thái và thị trấn.
Đồ án quy hoạch đề xuất xây dựng sân bay thứ hai của vùng Thủ đô vào năm 2040; xây dựng hành lang tàu thủy buýt dọc sông Hồng, bổ sung thêm các tuyến đường bộ kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận; bổ sung tuyến giao thông thủy phục vụ du lịch.
Ở khu đô thị trung tâm, Hà Nội sẽ phục dựng, nâng tầm kiến trúc đặc thù “khu phố kiến trúc kiểu Pháp". Theo đó, sẽ bảo tồn và phục dựng các giá trị của các công trình kiến trúc và các trục không gian đô thị có giá trị như: trục văn hóa biểu diễn Tràng Tiền-Nhà hát Lớn, trục tài chính-ngân hàng Ngô Quyền, trục thương mại-dịch vụ trung tâm Ga Hà Nội...
Tiếp đó, ngày 29/3/2024, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu tổng quát phát triển Hà Nội là thành phố “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực;...
Theo Quy hoạch này, đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến.
Để thực hiện mục tiêu quy hoạch Hà Nội như trên, ước tính cần 8,8 - 9,5 triệu tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 3,1 - 3,26 triệu tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 5,69 - 6,25 triệu tỷ đồng.
Văn bản pháp lý thứ ba liên quan đến Hà Nội sắp được thông qua là Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trước đó, dự thảo này đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 11/2023 và dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào ngày 27/6 tới.
Dự thảo này hướng tới tăng phân cấp, phân quyền, thẩm quyền khai thác các nguồn lực, trao quyền linh động để Hà Nội chủ động huy động nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; đồng thời có cơ chế đặc thù để giải quyết được những vấn đề đang vướng mắc về quy hoạch, về môi trường…
Một số nội dung cơ bản của Dự thảo gồm: Hà Nội chủ động quản lý và khai thác sử dụng không gian ngầm; chuyển giao thẩm quyền quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc về cho UBND thành phố Hà Nội; được vận dụng cơ chế “thử nghiệm có kiểm soát” cho một số mô hình kinh tế, công nghệ mới nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; HĐND thành phố Hà Nội được quyết định dự án đầu tư công không giới hạn tổng mức đầu tư; được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố; được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…
Cần có cơ chế giải quyết các vấn đề “nóng” của Thủ đô
Hiện nay, hai đồ án quy hoạch Thủ đô và dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được trình Quốc hội và đang được thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng trước khi được Quốc hội chính thức thông qua vào cuối tháng 6/2024.
Các văn bản pháp lý này nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân, các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội với mục tiêu chung là trang bị cơ sở pháp lý đặc thù để tạo ra sự phát triển đột phá cho Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, có hình ảnh đẹp, giàu bản sắc văn hóa, giàu giá trị lịch sử, có sức ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng cần có quy hoạch Hà Nội đồng bộ, tránh xung đột với luật khác; đồng thời nhấn mạnh cần có giải pháp căn cơ để giúp Hà Nội giải quyết được một số vấn đề bất cập đang tồn tại.
Tại cuộc họp chiều 31/5 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, ông Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) đề nghị phát triển Hà Nội không lấy kinh tế làm đầu mà phải là trung tâm chính trị, văn hóa rồi mới đến kinh tế. Đặc biệt, ông Thân nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư cho văn hóa, không thể để công viên là nơi chỉ để đi dạo, đi tập thể dục, cần học tập nhiều nước cho xây dựng nhà hát trong công viên.
Trong khi đó, ông Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến ô nhiễm môi trường, khi Hà Nội đang là nơi ô nhiễm lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó là nạn kẹt xe, nếu giải quyết được sẽ có thêm nguồn lực để phát triển Thủ đô.
Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 28/5, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, dự án Luật Thủ đô sửa đổi lần này sẽ tạo động lực để Thủ đô Hà Nội bứt phá, trở thành một thủ đô trong tầm cỡ khu vực và thế giới. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát, có những quy định cụ thể liên quan đến quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô và biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch.
Theo ông Hạ, so với thế giới, Hà Nội vẫn còn thiếu vắng những công trình mang tính điểm nhấn, để lại dấu ấn về Thủ đô trong lòng du khách. Do đó, đại biểu đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng về chiến lược, quy hoạch, ưu tiên đầu tư, quỹ đất, chính sách, thu hút các kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế để giúp Hà Nội có những công trình mang điểm nhấn, dấu ấn của khu vực và toàn cầu.
Ở một góc tiếp cận khác, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) nhận thấy, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội lần này vẫn còn một số quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, chưa đột phá, chưa thật sự huy động được nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường.
Ông Tuấn Anh đề nghị, cần có chính sách đột phá so với pháp luật hiện hành, phân quyền cho Hà Nội về điều chỉnh phân luồng môi trường, giao HĐND thành phố Hà Nội quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự thủ tục, xác định điều chỉnh vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với từng phân luồng môi trường. Đồng thời cần rà soát bổ sung quy định phù hợp để tránh vướng mắc trong thực tiễn khi áp dụng luật này và Luật Quy hoạch.
Trao đổi ý kiến với PV, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước nêu quan điểm, dự thảo Luật Thủ đô lần này cơ bản được hoàn thiện tốt. Đặc biệt là tinh thần phân cấp, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội trong thực hiện các sứ mệnh để tạo ra bước phát triển vượt trội, bứt phá.
Tuy nhiên, cũng còn một vài chỗ cần có quy định rõ ràng và đúng nghĩa là vượt trội riêng cho Thủ đô. Đơn cử như vấn đề đang có nhiều băn khoăn là khai thác, phát triển thành phố hai bên sông Hồng, làm sao biến sông Hồng trở thành trục trung tâm về văn hóa, sinh thái và du lịch của thành phố.
Nếu chúng ta vẫn để 2 quy định như trong dự thảo Luật là việc xây dựng các công trình ven sông phải tuân thủ những quy định về Luật Đê điều, có nghĩa là toàn bộ những hành lang ven sông của Hà Nội sẽ giống như hành lang ven sông của tất cả các tỉnh khác. Theo đó, sẽ vẫn tiếp diễn tình trạng hoang hóa như hiện nay, không thể tạo được diện mạo cho phát triển Thủ đô. Đây là điều rất cần phải cân chỉnh lại, để tạo ra cho Hà Nội một cơ chế riêng .
Ngoài ra, ông Cường nhận định, quy hoạch đô thị đang là bài toán khó, nhất là sau khi Hà Nội để xảy ra hai vụ hỏa hoạn gây hậu quả thảm khốc về người và của ở Khương Hạ ngày 12/9/2023 và ở Trung Kính ngày 24/5/2024. Để giải quyết vấn đề này, vị chuyên gia cho rằng, sửa Luật Thủ đô lần này phải tạo được một khuôn khổ pháp lý để xác định khu vực nào là khu bảo tồn để bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử; còn những khu vực khác phải đưa ra các mô hình đầu tư, cải tạo theo mô hình đô thị hiện đại, không thể để Thủ đô phát triển một cách tự phát...
Trong khi đó, góp ý về tính chặt chẽ của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng các điều khoản để tránh xung đột với các quy định hiện hành; thí dụ như quy định về biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong dự thảo Luật.