Còn nhiều trở ngại
Trong đó, đặc biệt phải kể đến những đóng góp tích cực của chương trình “Tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ” (WeEmpower Asia) do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) và Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức thực hiện từ năm 2019-2022. Sau ba năm thực hiện, WeEmpower Asia đã tiến hành nhiều nghiên cứu mới và vận động chính sách về bình đẳng giới trong DN; tăng cường năng lực về quản trị kinh doanh cho hơn 3.000 DN do phụ nữ làm chủ, đồng thời giúp DN nhanh chóng thích ứng với bối cảnh Covid-19 và bình thường mới.
DN do phụ nữ làm chủ là DN có một hoặc nhiều phụ nữ sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên (trong đó có ít nhất một người quản lý điều hành doanh nghiệp đó), hiện chiếm khoảng 26,5% trong số DN đang hoạt động tại Việt Nam. Tại Hội thảo “WeEmpower Asia-Dấu ấn hành trình” diễn ra vào ngày 10/5 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch VWEC cho rằng, DN do phụ nữ làm chủ có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam. Những doanh nghiệp này chủ yếu có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ.
Chủ tịch VWEC cũng nhận định rằng, dù có số lượng lớn song đến nay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ còn gặp nhiều trở ngại và vì vậy chưa khai thác hết tiềm năng phát triển. Ngoài những khó khăn thường gặp thì DNNVV do phụ nữ làm chủ còn phải đối mặt định kiến giới trong gia đình và kinh doanh, vừa phải bảo đảm công việc vừa phải thực hiện các trọng trách như nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình… Điều này khiến cho họ có ít động lực hơn khi tiếp cận hỗ trợ.
Các nữ doanh nhân cũng đồng tình với ý kiến cho rằng, sự hỗ trợ đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ còn quá ít và quy trình thủ tục để nhận được các hỗ trợ này phức tạp, do đó không đủ hấp dẫn để thực hiện; hoặc những rào cản từ định kiến xã hội khiến cho công việc kinh doanh khó bứt phá… Mặc dù vậy, số liệu thống kê cho thấy, số lượng DN do phụ nữ làm chủ đã có sự gia tăng nhanh chóng. Nữ doanh nhân Việt Nam có đóng góp tích cực trong mọi lĩnh vực hoạt động. Theo số liệu khảo sát doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ DN do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam là 20,8% năm 2010, đã tăng lên đến 93,6% vào năm 2020. Những DN đó đã chứng tỏ vai trò và vị trí không thể thay thế trong nền kinh tế, đồng thời góp phần phát triển xã hội, nâng cao mức sống của nhiều hộ gia đình và mang lại sinh kế bền vững ở nhiều địa phương.
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
Theo bà Nguyễn Kim Lan, Quản lý chương trình WeEmpower Asia tại Việt Nam, sau ba năm thực hiện chương trình đã góp phần xây dựng một cộng đồng DN tích cực hoạt động vì bình đẳng giới, song vẫn cần những nghiên cứu đánh giá và đề ra giải pháp thiết thực hơn nhằm tăng cường hỗ trợ cho cộng đồng DN nữ, đặc biệt là với các DNNVV do nữ làm chủ.
Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, bà Elisa Fernandez Saenz đánh giá cao những kết quả của chương trình WeEmpowerAsia đã đạt được. Song bà cũng nhấn mạnh: “Đã đến lúc cần tập trung chuyển từ cam kết sang hành động, chúng tôi kêu gọi nhiều hơn nữa những nỗ lực và quyết tâm chính trị của tất cả các bên liên quan để đạt được mục tiêu phụ nữ có thể hoàn toàn tham gia và hưởng lợi đầy đủ từ các hoạt động kinh doanh và môi trường làm việc bình đẳng”.
Tại buổi Hội thảo, Trưởng đại diện UN Women và đại diện VWEC đã phát động Giải thưởng thực hiện các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPS) năm 2022. Giải thưởng nhằm khuyến khích và công nhận nỗ lực của các công ty có các sáng kiến và chương trình hành động thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; đồng thời nâng cao nhận thức và thu hút ngày càng nhiều công ty vận dụng các nguyên tắc này trong doanh nghiệp của mình.
Trong giai đoạn 2020-2021, đã có 136 DN Việt Nam ký ủng hộ WEPS, 19 DN đoạt giải thưởng trong nước và hai DN đoạt giải thưởng WEPS khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những hoạt động ý nghĩa này thể hiện cam kết mạnh mẽ để đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nhân nữ ngày càng lớn mạnh và phát triển.