Ðưa văn hóa dân tộc vào sáng tạo cá nhân
- Ý tưởng của anh kết hợp hai loại hình nghệ thuật không mấy liên quan đến nhau, nghệ thuật múa ballet và tranh Đông Hồ, vào một tác phẩm ballet được bắt đầu như thế nào?
- Khi nhìn vào các bức tranh dân gian Đông Hồ, có thể mọi người thấy sự tĩnh lặng, còn tôi nhìn thấy ở đó một không gian phong phú để phát triển trí tưởng tượng cũng như các hình tượng nghệ thuật. Mỗi bức tranh có một câu chuyện riêng nhưng tôi đã dùng triết lý sống của mình, là "Cho và Nhận", để làm sợi dây kết nối các bức tranh thành một tác phẩm múa.
Thực tế là cuộc sống thời công nghiệp 4.0 không chỉ dừng lại ở một điểm mà nó được liên kết và tiếp tục với muôn vàn những yếu tố khác cộng hưởng nên. Việc kết hợp, giao thoa văn hóa Á-Âu không còn là điều mới lạ trên thế giới này nữa. Là một người Việt Nam, được học múa ballet từ nhỏ và làm việc với một số công ty trên thế giới, tôi có cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm với nhiều nền văn hóa khác nhau. Dễ hiểu là trong công việc của mình, tôi luôn mong muốn làm được điều gì đó, thể hiện rõ nét hành trình trải nghiệm đa văn hóa ấy.
- Xem Đông Hồ, bản thân tôi bất ngờ trước cách anh đưa vào vở múa những chi tiết, yếu tố mang đậm văn hóa Việt, như bó dây cách điệu gợi nhớ bó tóc đuôi gà ngúng nguẩy, hình ảnh con cá vàng... Điều gì ở văn hóa quê hương thôi thúc, ám ảnh anh đến thế?
- Trong những dịp đi biểu diễn hay làm việc tại nước ngoài, tôi nhận thấy, cách mà các nước đưa dấu ấn văn hóa của họ vào nhiều hoạt động, tác phẩm nghệ thuật để giới thiệu với thế giới rất phong phú, đặc sắc. Có lẽ, tâm tư và hành động của một người con Việt Nam xuất phát từ đó.
Từ những hình ảnh mộc mạc mọi người thấy được trong các bức tranh Đông Hồ, thông qua các thủ pháp sân khấu và dưới góc nhìn của một biên đạo múa, tôi đã tìm cách hình tượng hóa lên để kể cho khán giả nghe câu chuyện của mình, của người Việt Nam hôm nay trong một tâm thế rộng mở với thế giới.
- Sau những trải nghiệm trong quá trình làm việc với Đông Hồ, anh có thể chia sẻ thêm với bạn đọc suy ngẫm của anh về việc lồng ghép, đan cài các yếu tố văn hóa dân gian bản địa vào sáng tạo nghệ thuật hôm nay để nối dài đời sống của chúng trong dòng chảy đương đại?
- Thật ra không chỉ riêng nghệ thuật múa, các ngành nghệ thuật khác đều đã, đang và luôn tìm cách mang hơi thở của văn hóa nước mình cùng hòa quyện và kết hợp vào trong công việc sáng tác.
Cá nhân tôi thấy rằng, mỗi tác phẩm luôn là một lần thử thách. Mọi yếu tố phải luôn được kết hợp và phát triển trong sự cân nhắc kỹ lưỡng vì tôi trân trọng đặc trưng, sự tinh tế và nét đặc sắc của văn hóa nước mình.
Cảnh trong vở ballet Đông Hồ, ra mắt tại Hà Nội vào cuối tháng 3/2023. Ảnh: NVCC |
Ði thật xa để trở về
- Vì sao anh chọn ở lại nước ngoài chứ không phải Việt Nam để làm nghề?
- Đây là cái duyên nhưng cũng có khởi đầu là một tính toán cá nhân: Tôi quyết định đi học múa vì thời điểm ấy, tôi nhìn thấy các cơ hội du học nước ngoài trong lĩnh vực nghệ thuật.
Đến khi có cơ hội ra nước ngoài thật, tôi nhận thấy có quá nhiều thứ cần học trong khi chúng ta chỉ có một tuổi trẻ thôi. Hơn nữa tôi nghĩ thế hệ chúng tôi là thế hệ công dân toàn cầu. Đặc biệt, nghệ thuật là không có biên giới. Thật ra, có chọn nơi đâu để lập nghiệp thì tôi cũng sẽ quay về quê hương mình, đồng hành, chia sẻ và góp phần xây dựng nền nghệ thuật nước nhà.
Trong quá trình học tập và phát triển sự nghiệp ở Vương quốc Anh và hiện tại là Hồng Công (Trung Quốc), tôi vẫn thường xuyên về nước, chủ yếu là tại TP Hồ Chí Minh, tham gia chương trình cùng đồng nghiệp. Riêng vở múa Đông Hồ lại được công diễn lần đầu ở Hà Nội và tôi hy vọng, có nhiều cơ hội để đến gần hơn với khán giả Hà Nội trong tương lai.
- Làm thế nào để anh có thể nuôi dưỡng niềm đam mê và trụ lại được trong môi trường nghề nghiệp khắc nghiệt như ở phương Tây, dẫu rằng cơ hội cũng rất nhiều?
- Tôi sinh ra trong một gia đình không ai làm nghệ thuật. Bố mẹ yêu thương và chỉ biết ủng hộ cho tôi theo nghề. Tôi may mắn được thầy cô ở Trường Múa Việt Nam dìu dắt, nhưng đến lúc ra nước ngoài học tập và làm việc, tôi đã chịu nhiều cú "sốc" văn hóa về cả công việc lẫn cuộc sống.
Tôi vẫn còn nhớ lúc đăng tuyển vào Công ty múa Wayne McGregor/Random Dance company ở London, có hơn 800 diễn viên nộp đơn và trong đó, khoảng 200 người được chọn thi tuyển chính thức. Cuối cùng, chỉ còn ba người, trong đó có tôi, được ký hợp đồng. Nhưng chỉ sau chừng hai tuần đầu, một người bị cắt hợp đồng vì không đáp ứng được cường độ làm việc của công ty. Với một môi trường làm việc khắc nghiệt như vậy, tôi phải luôn cố gắng từng ngày. Có lẽ, sự nghiêm khắc và kỷ luật cao trong môn học Ballet cổ điển đã xây dựng cho tôi một tính cách cầu toàn và khả năng chịu đựng tốt, giúp tôi vượt qua mọi thử thách và khó khăn.
- Anh từng chia sẻ rằng, anh muốn đưa nghệ thuật múa Việt Nam gần hơn với thế giới. Hành trình đó đã và sẽ tiếp tục như thế nào?
- Hành trình này chắc chắn tiếp tục trong sự phát triển của cá nhân tôi. Ngay khi tôi còn là diễn viên, tôi luôn tự hào giới thiệu mình là người Việt Nam với bạn bè và khán giả trên thế giới. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, tôi có cơ hội giới thiệu văn hóa Việt Nam qua các sáng tạo của mình trong khi sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
- Từ một diễn viên múa trở thành một biên đạo-những trải nghiệm nghề nghiệp hẳn rất khác nhau và thật khó để so sánh về mức độ thú vị, nhưng chúng tôi vẫn muốn nghe anh nói về điều này.
- Tôi thấy mình rất may mắn khi có một hành trình phát triển nghề từ diễn viên chuyển sang biên đạo và bây giờ, vừa giảng dạy vừa làm biên đạo. Mỗi một vị trí cho tôi một nền tảng kiến thức và những trải nghiệm thực tế nhất định. Đối với tôi, trải nghiệm nào cũng thú vị và có vị trí riêng.
Với vai trò diễn viên, tôi hóa thân vào các vai diễn, thể hiện kỹ năng và thả hồn vào âm nhạc, ánh sáng trên sân khấu. Khi giảng dạy, tôi lại có cơ hội chắt lọc và chuyển hóa những kinh nghiệm của mình thành kiến thức để truyền lại cho học sinh. Giảng dạy là công việc mà cá nhân tôi cảm thấy rất thiêng liêng. Sự trưởng thành và thành công của học sinh như là tấm gương phản chiếu lại những gì tôi đã trao cho các em. Tôi hy vọng sự trao-nhận này sẽ tiếp tục được nhân lên với học sinh của mình.
Riêng trong công việc của một biên đạo, sự sáng tạo là rất lớn. Công việc ấy cho tôi cái nhìn tổng thể nhất về múa, tôi được bay bổng và thỏa mãn với những suy nghĩ, đôi khi hơi điên khùng của mình (cười). Bên cạnh việc dùng sáng tác để chuyển hóa ý tưởng thành hiện thực, tôi dùng sáng tác như một phương pháp để Thiền. Với tôi, nhà hát đúng nghĩa là một thánh đường, nơi có khả năng chăm sóc và chữa lành tâm hồn.
- Chân thành cảm ơn anh!
Nguyễn Ngọc Anh là biên đạo múa người Anh gốc Việt. Anh đã biểu diễn với nhiều nhà hát/đoàn múa danh tiếng trên thế giới, như Les Ballet Persans (Thụy Điển), New York Dance, Wayne McGregor/Random Dance, Phoenix Dance Theatre (Anh)..., được bổ nhiệm làm biên đạo múa tại Union Dance Company và Giám đốc tổng duyệt của Henry Oguike Dance Company (Anh).
Từ năm 2010, anh dành nhiều thời gian về biểu diễn ở Việt Nam. Các tác phẩm do anh biên đạo, như Mộc, Sương sớm, Linh hồn Champa và mới đây nhất là Ðông Hồ, đều lấy chất liệu và cảm hứng từ văn hóa Việt Nam.