Từ Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XI đến Nghị quyết T.Ư4, Khóa XII là một chặng đường năm năm. Năm năm ấy tình hình kinh tế-xã hội trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi lớn, phức tạp, khó lường. Công tác xây dựng Đảng bên cạnh những kết quả đạt được góp phần quan trọng vào thành công Đại hội XII của Đảng, còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Vì vậy, Đại hội XII đã nêu 10 nhiệm vụ, giải pháp lớn trong công tác xây dựng Đảng. Việc Trung ương ban hành Nghị quyết 4 lần này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, phát huy những kết quả đạt được trong năm năm qua, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng với quyết tâm chính trị cao, mục tiêu, giải pháp cụ thể, đáp ứng lòng mong mỏi của đồng chí, đồng bào cả nước.
Nếu chỉ đứng ở một vị trí, một góc nhìn nào đó có thể thấy việc kiểm điểm, tự phê bình, phê bình trong nhiệm kỳ qua còn nhiều mặt hạn chế, thiếu sót. Đó là thái độ trong đấu tranh ở nhiều nơi chưa nghiêm túc. Tình trạng né tránh, “bắt tay nhau cùng im lặng”, đùn đẩy trách nhiệm diễn ra khá phổ biến. Đó là những căn bệnh nặng nề trong Đảng như suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đó là tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết nội bộ, lợi dụng dân chủ để thông tin thất thiệt, triệt hạ uy tín người khác. Đó là tình trạng cục bộ, bè cánh, “cả họ làm quan”, “cả nhà làm quan” xảy ra ở nhiều nơi, chưa được lý giải một cách thỏa đáng. Do đào tạo kế cận, lựa chọn cán bộ theo kiểu bè cánh, theo cách “nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ...” và trí tuệ chỉ là tiêu chí sau cùng, cho nên ở không ít nơi, đội ngũ cán bộ chủ chốt yếu kém về phẩm chất, năng lực, được gọi thủ trưởng mà không phải là thủ lĩnh, người ta kính, mà không trọng. Có người nói rất hay về điều này, do nhập nhằng trong đánh giá cán bộ mà làm rối loạn giá trị. Đúng ra, khi cái cao đi với cái thấp thì có thể dễ nhận ra, nhưng đi với hoặc đứng cạnh cái lưng chừng thì rất khó đo dò. Phải chăng ở nhiều nơi khi lựa chọn người ngồi vào ghế người ta đã chọn cách “lưng chừng” vừa an toàn lại vừa “lợi cả đôi đường” (?!).
Qua sự đánh giá, nhận xét việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XI, các cấp ủy Đảng cũng đã chỉ rõ một thực trạng rất đáng lo ngại, đó là, không chỉ ra được những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, cũng như cá nhân phải chịu trách nhiệm. Vì thế, phê bình thì rất gay gắt, nhưng đó là những khuyết điểm mà ai cũng đã nghe, đã thấy, mà không chỉ rõ là ai, như chuyện chức quyền thì ai chạy và chạy ai? Hỏi đi hỏi lại vẫn râm ran và vẫn im lặng, theo cách nói dân dã là “đánh bùn sang ao”. Thế rồi sau hội nghị kiểm điểm của cấp ủy, ban cán sự, có những vị lãnh đạo cứ tưởng sẽ phải nhận hình thức kỷ luật rất nặng nhưng khi thông báo kết luận thì “nhẹ như bấc”: Đồng chí phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm! Đồng chí phải thận trọng hơn trong các mối quan hệ, vì cương vị đồng chí dễ bị lợi dụng, dễ bị hiểu lầm! Quần chúng mất niềm tin bắt đầu từ những chuyện cụ thể như thế.
Đấy là nói về những hạn chế, thiếu sót, ở một góc nhìn cụ thể. Còn khi đánh giá một cách tổng thể, có thể nói rằng, nhờ triển khai thực hiện việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách kiên trì, kiên quyết mà tình hình đã có những dấu hiệu tích cực. Một số biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong Đảng đã từng bước bị đẩy lùi; một số khuyết điểm trong công tác cán bộ và thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng đã được khắc phục; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được chỉ đạo tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật, v.v.
Trong những năm qua, dân chủ trong sinh hoạt Đảng có những chuyển biến, biểu hiện bằng những quy chế, quy định cụ thể. Lần đầu tiên Đảng ta thực hiện việc phê bình, chất vấn và trả lời chất vấn trong Trung ương. Rồi cũng lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng trong hội nghị Ban Chấp hành T.Ư. Quy chế giám sát đội ngũ cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được xây dựng và thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, những kết quả đó chưa tương xứng với quyết tâm lớn, nỗ lực cao của toàn Đảng; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhất là niềm tin vào đội ngũ cán bộ chủ chốt trong bộ máy của Đảng và Nhà nước giảm sút. Một số vụ án tham nhũng, một số công trình đầu tư hàng nghìn tỷ đồng bị thất thoát, thua lỗ đều liên quan tới công tác cán bộ, cụ thể là việc luân chuyển, điều động, đề bạt một cách vô nguyên tắc, chỉ vì người mà không vì việc. Ở một vài nơi, nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, bị biến tướng, trở nên một cái bình phong che chắn cho ý đồ của người đứng đầu.
Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XII, có nhiều nội dung mới nhằm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc thực hiện Nghị quyết gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đặc biệt, Trung ương xác định, nhận diện một cách cụ thể và hệ thống tương đối đầy đủ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cùng những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Về bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp, cùng với giáo dục chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình, Nghị quyết xác định rõ những giải pháp về cơ chế, chính sách, về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, về phát huy vai trò của nhân dân và MTTQ, các tổ chức chính trị -
xã hội.
Nhận diện những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không phải là điều đơn giản. Không phải không có những người còn băn khoăn khi nhắc tới khái niệm này. Nhưng nếu nói về sự rạn nứt từ bên trong, là những thay đổi về nhận thức, về lời nói và việc làm, khiến cho người cán bộ, đảng viên xa rời những nguyên tắc, quan điểm cơ bản của Đảng, thì họ có thể nhận ra, tất nhiên là nhận ra ở... những người khác.
Từ “tự diễn biến”, đến “tự chuyển hóa”, cái ranh giới mà mắt thường không dễ nhận ra nhưng nó lại rất gần. Có một câu phương ngôn rất hay, đại ý: Bóng tối dẫn ta về phía ánh sáng, nhưng sự ngu dốt, mất phương hướng thì có thể dẫn đến mù lòa. Khi anh không còn tin vào con đường anh đang đi, dân tộc anh đang đi thì đến một lúc nào đó hoặc sẽ dừng lại, hoặc sẽ trở cờ, quay sang một con đường khác ngược lại với con đường mà chính anh đã chọn, đã nguyện tuyệt đối trung thành. Sự “tự chuyển hóa” như vậy thật là nguy hiểm, nhất là khi nó diễn ra ở một tầm cao, ở một phạm vi rộng. Như vậy, cùng với sự phá hoại, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, thì sự phá hoại từ bên trong mỗi con người, trong nội bộ một tổ chức thật là nguy hiểm.
Sức sống của một Nghị quyết là khi nó được thực hiện, được “luật hóa” trong thực tiễn, được các tổ chức đảng và nhân dân đón nhận, hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, sáng tạo. Có nghĩa là mỗi chủ trương, nhiệm vụ đều đi liền với những chính sách phù hợp; đi liền với kiểm tra, giám sát, khen thưởng và xử phạt. Việc điều tra làm rõ, xử lý kiên quyết đối với một số cán bộ, trong đó có những cán bộ cao cấp, cả đương chức và về hưu được nhân dân hoan nghênh. Đương nhiên, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, phải tiến hành thường xuyên, liên tục, vì đây là công việc đối với tổ chức, đối với con người.
Từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay, gần 87 năm qua, Đảng ta đã kiên trì thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này. Xây đi liền với chống. Chống tốt để xây tốt, để thực hiện trọn vẹn lời căn dặn của Bác Hồ trong Di chúc: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.