Sự kỳ diệu sau màn sương mù

Ít nhiều độc giả đã biết về cuốn “Chuyến xe đi giữa sương mù” (NXB Phụ nữ Việt Nam) của nhà văn Nguyễn Hải Yến vì chị thường xuyên cập nhật quá trình viết và xuất bản cuốn sách này, những thay đổi của việc đổi tên sách, làm bìa, in ấn…
0:00 / 0:00
0:00
Sự kỳ diệu sau màn sương mù

Và qua những chia sẻ của chị, mọi người hình dung đó là một cuốn “chuyện ma”. Nhưng rồi, tôi đọc và bàng hoàng. Không hề có gì mà ma mãnh, khủng khiếp, đáng sợ. Cũng là thế giới âm phủ, thế giới địa ngục nhưng sao nó thật đến ngỡ ngàng. Bởi ở thế giới đó mọi cái đều rõ ràng khi đã lội qua làn nước trong veo nhìn thấu tận đáy của dòng Vong Xuyên, không có gì có thể che giấu, đậy điệm được. Bản chất tốt xấu, suy nghĩ rộng lượng hay hẹp hòi, bon chen, tính toán hay vô tư, công và tội, tất cả đều được gột rửa, phơi bày rõ ràng dưới ánh sáng đặc biệt của dòng sông chảy suốt chiều dài địa ngục.

Cái tài của chị Nguyễn Hải Yến là vẽ ra một hành trình rõ ràng, mạch lạc như thể có một con đường như thế thật. Qua đó mới thấy sức tưởng tượng, vốn kiến thức của chị thật sự đáng nể phục. Mọi thứ chân thực đến lạ lùng, từ đám hoa găng tím đến những khuôn mặt người mờ ảo đứng đợi xe bên đường, người đã rõ mặt, người hầu như chỉ thấy dáng, rồi những viên sỏi vàng của dòng Vong Xuyên, những bông hoa bỉ ngạn trắng, đỏ… Tất cả đều thật như bức tranh treo trên tường mà khi còn thơ ấu chúng ta hay nhìn vào đó mà tưởng tượng đến một thế giới xa xôi. Đó là có các thế giới ở dưới chân ta, ở trên đầu ta, tầng tầng lớp lớp. Ở đó họ cũng sống và sinh hoạt như con người ở thế giới này. Và ở cái thế giới mang tên Phủ Nam Bình đó, con người sống, hoạt động không khác gì một phủ, một làng xã.

Nguyễn Hải Yến bằng một bút pháp nhẹ bẫng như không, đưa người đọc dần dần phải suy nghĩ, trăn trở về vấn đề đốt vàng mã đang tồn tại trong xã hội chúng ta. Việc đốt vàng mã chúng ta đều đang nghĩ là mình thương người đã khuất, lo cho người đã khuất, muốn họ có một cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ hơn ở thế giới bên kia nhưng ngờ đâu điều đó lại mang đến gánh nặng.

Thông điệp xuyên suốt của cuốn sách là chết không phải là hết, chết là bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống tốt hơn hay xấu hơn, tùy theo nghiệp đã tạo của người đó. Nếu ở cuộc đời này chúng ta sống tốt thì cái chết đến với chúng ta sẽ rất nhẹ nhàng, thanh thản. Cái chết không có gì đáng sợ, cái chết chỉ là một hành trình đi qua sương mù, sang một thế giới khác. Và như ta thường thấy, sau những ngày sương mù, trời thường rất đẹp.