Sri Lanka tái cơ cấu nợ

Nghị viện Sri Lanka đã thông qua đề xuất tái cơ cấu nợ trong nước. Cùng sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế, sự ủng hộ của Nghị viện mở đường cho chính phủ nước này đẩy nhanh tiến độ giải quyết nợ, tiếp tục tiến trình phục hồi sau khủng hoảng.
0:00 / 0:00
0:00
Sri Lanka từng phải vật lộn với tình trạng thiếu nhiên liệu. Ảnh: CNN
Sri Lanka từng phải vật lộn với tình trạng thiếu nhiên liệu. Ảnh: CNN

Kế hoạch trong nước

Tại phiên họp đặc biệt ngày 1/7, Nghị viện Sri Lanka đã thông qua đề xuất tái cơ cấu nợ trong nước, trong bối cảnh đảo quốc Nam Á đang nỗ lực đối phó cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Động thái này mở đường để Chính phủ Sri Lanka thúc đẩy kế hoạch tái cấu trúc nợ trong nước, vốn là một phần trong những điều kiện tiên quyết để nhận được gói cứu trợ tài chính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Kế hoạch tái cơ cấu nợ trong nước được Ngân hàng Trung ương Sri Lanka công bố hôm 29/6, trong đó đề xuất cắt giảm 30% giá trị đối với trái phiếu định giá bằng đồng USD, bao gồm cả trái phiếu quốc tế. Theo đó, những người nắm giữ trái phiếu chính phủ quốc tế (ISB), chiếm tỷ trọng lớn nhất (hơn 25%) trong tổng nợ nước ngoài của Sri Lanka, có thể chọn chấp nhận giảm 30% vốn của họ để được hoàn số tiền còn lại sau sáu năm với lãi suất 4%.

Điều khoản tương tự cũng được áp dụng với công dân Sri Lanka nắm giữ trái phiếu được định giá bằng đồng USD. Việc hoán đổi trái phiếu và hối phiếu theo đề xuất tái cơ cấu nợ sẽ được bắt đầu thực hiện khi thị trường tài chính Sri Lanka mở cửa trở lại vào ngày 4/7. Trước đó, chính phủ yêu cầu đóng cửa thị trường tài chính trong vòng năm ngày, từ ngày 29/6, để tiến hành tái cơ cấu nợ.

Đầu tháng 6 vừa qua, IMF nhận định nền kinh tế Sri Lanka tạm thời có dấu hiệu cải thiện, song tiến trình phục hồi vẫn còn nhiều thách thức và Colombo phải tăng cường các chương trình cải cách. Theo dữ liệu chính thức, tổng số nợ của Sri Lanka là khoảng 83,6 tỷ USD, trong đó nợ nước ngoài lên tới 41,6 tỷ USD; nợ trong nước là 42,1 tỷ USD.

Sri Lanka tái cơ cấu nợ ảnh 1

Lạm phát tại Sri Lanka đã giảm mạnh. Ảnh: KHALEEJ IMES

Triển vọng thoát nợ

Hồi tháng 4/2022, Sri Lanka phải tuyên bố “vỡ nợ”, khi dự trữ ngoại hối giảm xuống mức thấp kỷ lục, kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1948. Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng vật lộn để chi trả cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, như lương thực, nhiên liệu và thuốc chữa bệnh.

Tình hình được cải thiện sau khi Chính phủ Sri Lanka nhận được gói cứu trợ 2,9 tỷ USD từ IMF tháng 3 vừa qua, đồng thời khởi động đàm phán về tái cơ cấu nợ với các chủ nợ song phương quan trọng là Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới (WB) lại vừa phê duyệt 700 triệu USD để hỗ trợ Sri Lanka. Đây là khoản tài trợ quốc tế lớn nhất kể từ sau thỏa thuận cứu trợ của IMF. Trong đó, khoảng 500 triệu USD sẽ được phân bổ hỗ trợ ngân sách Sri Lanka và 200 triệu USD hỗ trợ phúc lợi dành cho những người bị ảnh hưởng nặng nhất vì khủng hoảng.

Giám đốc WB tại Sri Lanka Faris Hadad-Zervos cho biết, chiến lược hỗ trợ của WB tập trung giúp Sri Lanka sớm ổn định kinh tế, cải cách cơ cấu và bảo vệ người nghèo, người dễ bị tổn thương. Nếu được duy trì, cải cách có thể đưa Sri Lanka trở lại quỹ đạo hướng tới phát triển xanh, bền vững và toàn diện.

Trong khi đó, số liệu chính thức Chính phủ Sri Lanka công bố ngày 1/7 cho thấy, lạm phát của Sri Lanka đã giảm mạnh, xuống 12% trong tháng 6 vừa qua, từ mức 25,2% của tháng trước đó. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Sri Lanka rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với tỷ lệ lạm phát lên mức kỷ lục 69,8% trong tháng 9/2022.

Phát biểu ý kiến ngày 30/6, Tổng thống Sri Lanka, Ranil Wickremesinghe tin tưởng sớm vượt qua tình trạng “vỡ nợ” trong khoảng thời gian từ nay đến trước tháng 9/2023. Tuyên bố của Tổng thống Ranil Wickremesinghe cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ Sri Lanka nhằm cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua.