Theo AP, chất lượng không khí tại miền bắc Ấn Độ đã ở mức nguy hại trong tuần qua. Tại Thủ đô New Delhi, mức độ ô nhiễm không khí trong ngày 13/11 đo được cao hơn 50 lần so mức cao nhất hằng ngày theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Khói bụi độc hại thậm chí che khuất ngôi đền nổi tiếng Taj Mahal, cách New Delhi khoảng 220 km.
Theo bảng xếp hạng trực tiếp của Công ty Giám sát không khí IQAir (Thụy Sĩ), New Delhi có chất lượng không khí tệ nhất trong số các thủ đô trên toàn cầu. Cụ thể, vào sáng 13/11, mức độ ô nhiễm "nguy hiểm" ở một số khu vực của khu đô thị rộng lớn với hơn 30 triệu người đã cao hơn 53 lần so mức bụi mịn cao nhất hằng ngày mà WHO quy định. Bụi mịn là các hạt vi mô gây ung thư nguy hiểm được gọi là chất ô nhiễm PM2.5, xâm nhập vào máu qua phổi.
Vùng thủ đô của Ấn Độ vào thời điểm này trong năm thường bị ảnh hưởng của khói mù, bụi mịn, chủ yếu do nông dân ở các vùng lân cận đốt rơm rạ để dọn ruộng, hòa với khói bụi từ nhà máy và các phương tiện giao thông. WHO cho biết, ô nhiễm không khí có thể gây ra đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi và các bệnh về đường hô hấp khác, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, trẻ em và người già. Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy, ô nhiễm không khí gây ra 1,67 triệu ca tử vong sớm ở quốc gia đông dân nhất thế giới này vào năm 2019.
Ô nhiễm không phải mới xảy ra ở Ấn Độ mà đã tồn tại nhiều năm nay, buộc người dân phải “sống chung với lũ”. Bên cạnh nguyên nhân tự nhiên như không khí lạnh trong mùa đông giữ lại bụi, khí thải khiến không khí ở nhiều thành phố của Ấn Độ bị ô nhiễm nặng, thì những hành động của con người mới là lý do chính khiến thủ đô của Ấn Độ đứng đầu các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Các lệnh cấm mới là cần thiết, song nếu được ban hành sớm thì việc cải thiện chất lượng không khí đã tránh được tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.