Dự luật nhằm hạn chế lừa đảo

Ngày 11/11, Dự luật Bảo vệ khỏi lừa đảo đã được trình lên Quốc hội Singapore. Nếu được thông qua, Singapore sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới trao cho cảnh sát quyền can thiệp vào các giao dịch của ngân hàng nhằm ngăn chặn nạn lừa đảo.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát sẽ ban hành RO đối với các ngân hàng của Singapore. Ảnh: OCBC
Cảnh sát sẽ ban hành RO đối với các ngân hàng của Singapore. Ảnh: OCBC

Theo The Straits Times, Dự luật Bảo vệ khỏi lừa đảo đã được Bộ trưởng Nội vụ (MHA) Sun Xueling đệ trình lên Quốc hội. Dự luật này cho phép cảnh sát ban hành Lệnh hạn chế (RO) đối với các ngân hàng, yêu cầu các ngân hàng hạn chế giao dịch tài khoản của cá nhân trong diện nghi bị lừa đảo. Những biện pháp hạn chế bao gồm chuyển tiền, sử dụng các tiện ích ATM, tất cả tiện ích tín dụng và các giao dịch trực tiếp không qua quầy giao dịch. Bảy ngân hàng lớn tại Singapore là OCBC Bank, DBS Bank, UOB, Maybank, Standard Chartered, Citibank và HSBC sẽ mặc định áp dụng RO, song những ngân hàng khác cũng phải tuân thủ lệnh này khi được yêu cầu.

Dự kiến, RO sẽ nhằm bảo vệ những trường hợp lừa đảo thông qua các kênh kỹ thuật số và viễn thông như cuộc gọi và tin nhắn văn bản. Lệnh sẽ không bao gồm các trường hợp gian lận thông thường liên quan tương tác trực tiếp như với các thành viên gia đình, bạn bè... Các trường hợp tranh cãi có thể kháng cáo RO lên Ủy viên Cảnh sát - người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

RO sẽ có hiệu lực trong tối đa 30 ngày, nhưng có thể được gia hạn nhiều nhất 5 lần, do đó có thể kéo dài tới 6 tháng. Cảnh sát có thể hủy RO trước thời hạn 30 ngày nếu cá nhân được đánh giá là không còn nguy cơ bị lừa đảo. Trong thời gian áp dụng RO, người sử dụng vẫn có thể sử dụng tiền trong tài khoản vì những lý do chính đáng như thanh toán hóa đơn và mua các nhu yếu phẩm hằng ngày. Họ có thể nộp đơn lên cảnh sát để xin tiếp cận một số tiền cố định và xin thêm tiền bằng cách xuất trình bằng chứng như hóa đơn chi tiêu.

Giới chức Singapore nhận định rằng, một trong những thách thức lớn nhất mà chính quyền phải đối mặt là thuyết phục các cá nhân rằng, họ là nạn nhân hoặc có nguy cơ trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo. “RO sẽ chỉ được ban hành như là phương sách cuối cùng sau khi các lựa chọn khác để thuyết phục các nạn nhân đã không còn hiệu quả", đại diện MHA chia sẻ. MHA ước tính, nếu được thông qua, hằng tháng có thể có ít nhất 10 RO được cấp dựa trên bối cảnh thực tế.

The Straits Times cho biết, thời gian qua, Singapore đối mặt tình trạng gia tăng lừa đảo trực tuyến. Mỗi ngày số tiền các nạn nhân bị lừa đảo ước tính khoảng 2 triệu SGD. Chỉ trong nửa đầu năm nay, số vụ lừa đảo tại Singapore đạt mức cao kỷ lục, với hơn 385,6 triệu SGD bị mất trong 26.587 vụ việc được báo cáo.

Trước tình hình đó, giới chức nước này đã ban hành nhiều sáng kiến chống lừa đảo. Các ngân hàng tại Singapore cũng đã giới thiệu công cụ cho phép khách hàng đóng băng tài khoản ngân hàng của họ nếu họ nghi ngờ tài khoản của mình đã bị xâm phạm và một tính năng khóa tiền, qua đó giúp khách hàng có thể giữ lại số tiền không thể chuyển ra khỏi tài khoản ngân hàng của họ thông qua các phương tiện trực tuyến. Bất chấp tất cả biện pháp này, 86% trong số các vụ lừa đảo được báo cáo trong nửa đầu năm 2024 đều do các nạn nhân tự nguyện chuyển tiền cho những kẻ lừa đảo. Do đó, giới chức nước này đã xem xét ban hành dự luật nói trên.

Sau khi thông tin về dự luật được công bố, hơn 90% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ dự luật. Ngoài ra, nhiều người còn đề xuất mở rộng phạm vi của RO bao gồm các sàn giao dịch tiền điện tử và các công ty kiều hối. MHA cho biết sẽ xem xét liệu điều này có cần thiết trong tương lai hay không. Trong khi đó, một số người cho rằng, cá nhân phải chịu trách nhiệm về hành động của mình thay vì để chính phủ can thiệp vào các quyết định cá nhân. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến lo ngại dự luật mới nếu được áp dụng có thể ảnh hưởng tới các dữ liệu, thông tin riêng tư.