Sóng gió trên chính trường Bồ Đào Nha

Theo Politico, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa (trong ảnh) mới đây tuyên bố từ chức sau khi ông cùng các thành viên trong chính phủ vướng phải các cuộc điều tra về tham nhũng. Việc ông Costa bất ngờ rời bỏ vị trí đã khiến chính trường Bồ Đào Nha rơi vào hỗn loạn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: AP
Ảnh: AP

Trong một thông báo ngày 7/11 vừa qua, ông Costa cho biết: “Nhiệm vụ lãnh đạo chính phủ không còn phù hợp khi có bất kỳ sự nghi ngờ nào. Tôi đã nộp đơn từ chức lên Tổng thống”. Người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng tiết lộ, ông Costa đưa ra quyết định sau khi có cuộc họp ngắn với Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa. Ông Costa nhấn mạnh, lương tâm ông rất trong sạch nhưng sẽ không ra ứng cử chức thủ tướng lần thứ tư. Văn phòng Tổng thống Bồ Đào Nha cho biết, ông Rebelo de Sousa chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Costa.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh truyền thông Bồ Đào Nha đưa tin, cảnh sát đã khám xét văn phòng của ông Costa và một số cơ quan liên quan khác. Các công tố viên sau đó thông báo truy tố Bộ trưởng Hạ tầng Joao Galamba và phát lệnh bắt giữ đối với Chánh Văn phòng Thủ tướng Vitor Escaria, điều tra cáo buộc hối lộ và gây ảnh hưởng đến hoạt động bán lẻ trong việc nhượng quyền khai thác lithium ở miền bắc Bồ Đào Nha, một dự án sản xuất hydro và xây dựng trung tâm dữ liệu của công ty Start Campus ở Sines, thị trấn cách Thủ đô Lisbon khoảng 100 km về phía nam.

Theo các công tố viên, các nghi phạm đã sử dụng tên và quyền hạn của ông Costa để lách thủ tục liên quan các thương vụ. Tòa án Tối cao cũng sẽ xem xét vai trò tiềm tàng của ông Costa trong vụ việc. Các cuộc điều tra tới đây sẽ nhắm vào cáo buộc “lạm dụng ngân quỹ, tham nhũng của quan chức chính trị”.

Ngoài các quan chức trong chính phủ của ông Costa, nhà chức trách Bồ Đào Nha cũng phát lệnh bắt đối với Thị trưởng Sines và hai giám đốc tại Start Campus với lý do những người này có nguy cơ bỏ trốn. Chủ tịch ban điều hành Cơ quan Bảo vệ Môi trường Bồ Đào Nha (APA) Nuno Lacasta cũng bị truy tố. Trước đó, tháng 5 vừa qua, APA đã phê duyệt một dự án khai thác lithium - kim loại quan trọng trong sản xuất pin điện và “bật đèn xanh” cho dự án thứ hai hồi đầu tháng 9. Hai dự án đều bị các nhà hoạt động môi trường và nhiều người dân phản đối.

Ông Costa, 62 tuổi, thuộc đảng Xã hội Bồ Đào Nha, nắm quyền Thủ tướng từ năm 2015 và tái đắc cử đầu năm 2022. Trước mắt, ông sẽ đối mặt một cuộc điều tra riêng biệt với cáo buộc can thiệp để đẩy nhanh các hợp đồng. Chia sẻ với truyền thông, ông cho biết, bản thân cảm thấy “ngạc nhiên khi biết rằng một vụ án hình sự nhắm vào ông sẽ được khởi động”, đồng thời khẳng định mình không liên quan bất kỳ “hành động bất hợp pháp hoặc đáng trách nào”. “Không ai đứng trên luật pháp, các cơ quan tư pháp được tự do điều tra”, ông nhấn mạnh. Ông cũng cam kết sẽ phối hợp với hệ thống tư pháp để làm sáng tỏ vụ việc nhằm trả lại sự trong sạch cho bản thân.

Sau khi ông Costa từ chức, ngày 9/11, Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa đã giải tán Quốc hội và quyết định tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 10/3/2024. Trước đó, nhà lãnh đạo này đã có cuộc tham vấn với các thành viên Hội đồng Nhà nước. Ông cũng có cuộc gặp lãnh đạo các chính đảng và thảo luận hai phương án: Thành lập một chính phủ lâm thời hay giải tán Quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. Phần lớn các chính đảng đều kêu gọi bầu cử sớm, ngoại trừ đảng Xã hội muốn bổ nhiệm Thủ tướng mới. Tổng thống Rebelo de Sousa cho biết, giải pháp bổ nhiệm Thủ tướng như vậy không được coi là hợp pháp vì không dựa trên nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.

Theo AP News, ông Costa từ chức trong bối cảnh Quốc hội Bồ Đào Nha dự kiến ​​bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách năm 2024 vào cuối tháng tới. Dư luận đang dấy lên những lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại có thể ảnh hưởng đến quá trình phê duyệt ngân sách, cũng như việc khởi động quá trình tư nhân hóa hãng hàng không quốc gia TAP.