Nhiều nguy cơ từ mua thuốc trên mạng
Mới đây, ông Nguyễn Văn B. (75 tuổi, trú ở quận Tây Hồ, Hà Nội) mua một loại thuốc được quảng cáo trên mạng xã hội với tác dụng bổ phổi, tiêu đờm với giá 800 nghìn đồng/hộp. Theo hướng dẫn, ông mua liệu trình 5 hộp, mỗi hộp có 2 vỉ, 20 viên. Ông B. tin theo quảng cáo: “Đây là thuốc sản xuất trong nước từ bí kíp gia truyền đã có chứng nhận của Bộ Y tế”. Tuy nhiên, sau khi uống được
1 hộp, trên da ông xuất hiện mẩn ngứa ban đỏ. Gọi điện lại theo số đường dây nóng in trên quảng cáo để hỏi thì chỉ thấy “thuê bao...” nên ông B. đã “bỏ của chạy lấy người”, dừng uống thuốc.
Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới bốn hình thức: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Tuy nhiên, hiện nay thuốc chữa bệnh được bán tràn lan trên mạng. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) từng chia sẻ, bản thân ông ngày nào cũng có người dân gọi đến hỏi: “Thuốc này có phải do anh quảng cáo, anh dùng không mà người ta sử dụng hình ảnh anh để bán trên mạng, người dân dùng rất nhiều, gây tác dụng phụ, tốn kém tiền của”.
Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng từng cấp cứu cho những bệnh nhân dùng thuốc không đúng chỉ định, tự ý mua thuốc trên mạng xã hội. Các bệnh nhân này cho hay, trên mạng đều có “dược sĩ”, “bác sĩ” tư vấn và những trang bán hàng bệnh gì cũng chữa được. Có trường hợp bệnh nhân điều trị tiểu đường mua thuốc trên mạng xã hội, xét nghiệm loại thuốc bệnh nhân uống đã tìm thấy thành phần thuốc là phenformin. Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã cấm sử dụng cách đây hơn 50 năm.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, thuốc chữa bệnh là mặt hàng đặc biệt và việc mua bán qua mạng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là chưa kể thuốc mua trên mạng hay sàn giao dịch điện tử rất khó kiểm soát được nguồn gốc cũng như chất lượng thuốc, nhiều thuốc giả được quảng cáo thổi phồng công dụng, sai chỉ định làm mất “thời gian vàng” điều trị của người bệnh.
Cần có quy định rõ ràng
Theo tờ trình của Chính phủ, trong bối cảnh đổi mới liên tục của công nghệ, việc mua sắm qua internet, các giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Đã xuất hiện loại hình tổ chức kinh doanh chuỗi nhà thuốc, nhưng các nội dung này chưa được Luật Dược 2016 điều chỉnh.
Dự thảo luật bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng. Cơ sở kinh doanh dược được đăng tải các thông tin của thuốc phù hợp quy định về thông tin thuốc và quảng cáo thuốc trên phương tiện kinh doanh thương mại điện tử. Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp, trung thực của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.
Đáng chú ý, tờ trình của Chính phủ đề xuất không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết, nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý.
Tuy nhiên, cần quy định cụ thể các loại thuốc, nhất là các thuốc được phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, các phương tiện kinh doanh thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc.
Ủy ban Xã hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trên môi trường điện tử và trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố; điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm để tạo sự công bằng với các cơ sở kinh doanh dược truyền thống.
Thương mại điện tử đã trở thành một phương thức không thể thiếu trong các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong chuỗi các hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhất là hoạt động bán lẻ, có sự hiểu biết khác nhau về thuốc giữa người bán và người mua, thậm chí khác biệt giữa người bán thuốc và người kê đơn thuốc. Vì vậy Ủy ban Xã hội đề nghị cần có quy định đặc thù để điều chỉnh, quản lý nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.
Một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật chỉ nên tập trung quy định hoạt động bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng.
Về các thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, cơ quan thẩm tra cho biết còn hai loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cụ thể ngay tại dự thảo luật điều kiện đối với thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, theo hướng chỉ áp dụng đối với thuốc không kê đơn, thuốc không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc. Loại ý kiến thứ hai thống nhất với ý kiến của Chính phủ, không quy định cụ thể các loại thuốc mà giao Bộ trưởng Y tế quy định để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu tiến bộ khoa học - kỹ thuật.
Phần lớn ý kiến của Ủy ban Xã hội thống nhất với loại ý kiến thứ nhất, bởi thuốc là mặt hàng đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người dân. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định để có công cụ kiểm soát hiệu quả, bảo đảm việc mua, bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử an toàn cho người sử dụng; việc mua, bán được thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích. Ngoài ra, cần nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng hoặc những hành vi vi phạm về quảng cáo sản phẩm trên các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội.