Cam kết của Mỹ và nhiều nước
Khoản đóng góp 4 tỷ USD của Mỹ sẽ được triển khai thông qua quỹ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB) trong vòng 3 năm tới. Đây là một phần của nỗ lực tái cấp vốn cho quỹ IDA - một chương trình của WB cung cấp các khoản vay ưu đãi và trợ cấp cho các quốc gia đang đối mặt nhiều thách thức về nghèo đói, biến đổi khí hậu và nợ công. Khoản đóng góp mới từ Mỹ cao hơn khoảng 14,3% so cam kết 3,5 tỷ USD mà Washington đã thực hiện trong vòng tái cấp vốn IDA trước đó vào tháng 12/2021.
Đây là cam kết quan trọng trong bối cảnh nhu cầu hỗ trợ tài chính cho các quốc gia nghèo ngày càng gia tăng, nhất là khi họ đối mặt những vấn đề phức tạp như nợ công cao, thiên tai do biến đổi khí hậu và các cuộc xung đột kéo dài. Chương trình IDA được tái cấp vốn 3 năm/lần. Tổng Giám đốc WB Ajay Banga hy vọng có thể đạt được một khoản tái cấp vốn kỷ lục, vượt qua mức 93 tỷ USD đạt được trong vòng cấp vốn năm 2021. Mặc dù mục tiêu của WB là đạt được 120 tỷ USD trong lần tái cấp vốn lần này, nhưng để đạt được con số như vậy, các quốc gia phải tăng cường cam kết tài chính đáng kể.
Tuy nhiên, cam kết trên của Tổng thống Biden vẫn chưa chắc chắn sẽ được thực hiện sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2025. Tổng thống đắc cử Donald Trump - người từng có lập trường cắt giảm viện trợ nước ngoài trong nhiệm kỳ trước - có thể sẽ không tiếp tục hỗ trợ khoản đóng góp này, nhất là khi ông Trump đang tìm cách giảm chi tiêu của chính phủ.
Ngoài cam kết của Mỹ, một số quốc gia khác cũng đã tăng cường đóng góp vào quỹ IDA. Tại các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB vào tháng 10/2024, Tây Ban Nha cam kết tăng đóng góp lên tới 37%, tương đương 423 triệu USD, trong khi Đan Mạch thông báo đóng góp 492 triệu USD, tương đương mức tăng 40%. Các khoản tài trợ này rất quan trọng trong việc giúp các quốc gia nghèo giảm bớt gánh nặng nợ nần, ứng phó các thảm họa do biến đổi khí hậu và hỗ trợ các nỗ lực tái thiết sau xung đột.
Hàn Quốc hỗ trợ châu Phi ứng phó nạn đói
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thông báo “xứ sở kim chi” sẽ cung cấp 10 triệu USD viện trợ nhân đạo để đối phó cuộc khủng hoảng nạn đói ở châu Phi, như một phần của sáng kiến Liên minh toàn cầu chống đói nghèo do G20 dẫn đầu. Người đứng đầu Chính phủ Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch tăng gấp rưỡi viện trợ lương thực thông qua Chương trình Lương thực thế giới của LHQ, từ 100.000 tấn lên 150.000 tấn vào năm 2025.
Ông Yoon Suk Yeol kêu gọi các thành viên G20 cùng ủng hộ để thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở các quốc gia đang phát triển, coi đây là giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, đồng thời khuyến khích các quốc gia đang phát triển tiến hành cải cách tài chính và cơ cấu để sử dụng hiệu quả ngân sách. Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng cho biết, Hàn Quốc có kế hoạch công bố khoản đóng góp tài chính 845,6 tỷ won (608,2 triệu USD) cho quỹ IDA, tăng 45% so năm 2021, trong cuộc họp bổ sung dự kiến được tổ chức tại Seoul vào tháng tới.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa vừa khởi động chiến dịch toàn cầu “Tăng cường năng lượng tái tạo ở châu Phi” trị giá 150 tỷ USD, nhằm huy động vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở “lục địa đen”. Chiến dịch được khởi động dựa trên gói đầu tư Cổng toàn cầu EU - châu Phi, tập trung vào việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, tạo ra tăng trưởng và việc làm bền vững, cũng như hỗ trợ hệ thống y tế và cải thiện giáo dục và đào tạo.