Cần các chính sách đặc thù đặc biệt
Nêu trải nghiệm đường sắt tốc độ cao ở châu Âu, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ "tôi rất khao khát Việt Nam có được loại hình giao thông này".
Vị này cho rằng, 15 năm trước chúng ta đã thảo luận về dự án này, nhưng lúc đó chưa đáp ứng được về nguồn lực. Còn hiện nay, kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công thấp, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao.
Song ông lưu ý, dự án này đặc biệt phải chú trọng yêu cầu về kỹ thuật, an toàn. "Tuyệt đối không vì chi phí và nguồn thu mà bỏ qua yêu cầu kỹ thuật và an toàn", ông Ngân nói.
Bên cạnh việc góp ý, cần tập trung huy động vốn trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế vay ODA, ông Ngân nhấn mạnh "cần huy động doanh nghiệp trong nước có chuyên môn để xây dựng dự án".
Đồng tình với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao, song, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH nhấn mạnh, đây là dự án khó, mới, chưa có tiền lệ, vì vậy cần phải đặc biệt lưu ý đến công tác thuê tư vấn quốc tế có năng lực để hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án, lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra có năng lực thật sự để dự án đạt tiến độ nhanh nhất, chất lượng cao nhất. Đồng thời, tiếp tục rà soát và đề xuất các chính sách đặc thù đặc biệt để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các bước tiếp theo.
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, quan điểm của Đảng, Chính phủ là ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước trên tất cả các lĩnh vực, từ tư vấn, thi công xây lắp, đến sản xuất vật liệu; công nghiệp đường sắt...
Công nhân sửa chữa đường ray trên cầu Long Biên. Ảnh: NAM HẢI |
Cần cái "bắt tay" của doanh nghiệp Việt
Vậy, liệu các doanh nghiệp Việt có đáp ứng được yêu cầu đặt ra?
Ông Nguyễn Xuân Tới, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư công trình Hà Nội tự hào, công ty đã thành lập hơn 30 năm, có thế mạnh trong việc sản xuất vật liệu và thi công đường sắt. Vì vậy, họ luôn có tinh thần sẵn sàng, xác định thế mạnh của công ty là gì trong việc tiếp cận dự án.
"Chúng tôi đã hiểu bản chất đường sắt thế nào nên sẽ có hiểu biết nhanh hơn khi tiếp cận đường sắt tốc độ cao. Hy vọng sẽ được liên kết với các doanh nghiệp để cùng đồng hành, trao đổi kinh nghiệm, sức lực và khả năng của đơn vị, để có thể tham gia một phần trong dự án đường sắt tốc độ cao", ông Tới khẳng định.
Còn ông Văn Hồng Tuân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cienco4 nói: "Ngay khi có chủ trương của dự án đường sắt tốc độ cao, chúng tôi quyết tâm phải chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để trong 2 năm tới có thể tham gia dự án. Cũng giống như các doanh nghiệp khác, Cienco4 tập trung chuẩn bị nguồn lực về con người (kỹ sư, đội ngũ công nhân), thiết bị và các điều kiện khác".
Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính cũng khẳng định, từ phần ray trở lên không bàn. Từ ray trở xuống là thi công móng, bệ, thân, dầm thì công ty đều thực hiện được hết.
Là nhà sản xuất thép lớn trong nước, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cũng khẳng định, Hòa Phát hoàn toàn ủng hộ chủ trương làm đường sắt tốc độ cao bắc - nam của Chính phủ và đặc biệt đánh giá cao chủ trương đưa yêu cầu "phải sử dụng" hàng hóa của doanh nghiệp trong nước sản xuất được vào các gói thầu.
Ông Long cho biết: "Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, dự án cần khoảng 6 triệu tấn thép các loại. Hòa Phát là doanh nghiệp tốp 50 thế giới về sản xuất thép và chúng tôi tự tin cam kết 4 điểm: Một là bảo đảm cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao. Hai là, cam kết về chất lượng, tất cả các chủng loại sắt thép bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu. Ba là, bảo đảm thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án. Bốn là, về giá cả, bảo đảm giá cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu".
Sau khi nhận được sự thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc - nam đang được Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8.
Theo phương án được đề xuất, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc - nam có tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541 km. Điểm đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi). Điểm cuối tại TP Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm).
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục bắc - nam là đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Trên toàn tuyến được đề xuất bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Theo các chuyên gia và lãnh đạo nhà thầu trong nước, trước cơ hội thị trường xây lắp vô cùng lớn từ dự án đường sắt tốc độ cao trục bắc - nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần bắt tay nhau, chỉ có hợp tác là cơ hội duy nhất để tham gia sâu vào dự án và không thua ngay trên chính sân nhà.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, tại Việt Nam chưa bao giờ thực hiện dự án nào có vốn và quy mô lớn như vậy. Cho nên, đây có thể là cơ hội "thay da đổi thịt" đối với các nhà thầu xây dựng với khối lượng xây lắp chiếm đến hơn 33 tỷ USD.
Theo ông Hiệp, các nhà thầu Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Năng lực, trình độ của các doanh nghiệp Việt hiện nay hoàn toàn có thể đảm đương được về mặt công nghệ, thi công. Vấn đề cần quan tâm chỉ là nguồn nhân lực lao động.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, hiện nay, tính liên kết và hợp tác để phát triển của các doanh nghiệp Việt rất yếu. "Năm 2014, chúng tôi đã mời các doanh nghiệp làm việc với Samsung xem ta cung ứng được gì, nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp đạt được điều kiện trong chuỗi cung ứng vật tư cho Samsung, còn lại tất cả không làm", ông Kiên nói và lưu ý nếu các doanh nghiệp không chủ động hợp tác để đầu tư công nghệ đón đầu thì tới lúc gói thầu mở ra sẽ rất khó thắng.