Senegal lưu giữ ngành dệt vải

Thảm dệt tay được coi là một trong những niềm tự hào của Senegal. Dù vậy, cùng với sự công nghiệp hóa, ngành dệt thủ công tại quốc gia này đang dần mai một. Nhiều chính sách được thúc đẩy nhằm lưu giữ và phát huy giá trị ngành nghề này.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân dệt thủ công ở Senegal. Ảnh: LE MONDE
Nghệ nhân dệt thủ công ở Senegal. Ảnh: LE MONDE

Trong một xưởng dệt ở Thủ đô Dakar, nghệ nhân Ramatoulaye Sall (37 tuổi) đang chọn và gỡ rối những sợi tơ để chuẩn bị dệt vải. Tất cả công đoạn đều yêu cầu độ chính xác tới từng milimet bởi tác phẩm của Sall sẽ là mặt hàng cao cấp để làm quà tặng ngoại giao mà giới chức Senegal gửi đến các nguyên thủ quốc gia nước khác. Sall biết rằng công việc của cô cùng 30 thợ dệt thủ công khác của Nhà sản xuất nghệ thuật trang trí Senegal (MSAD) đóng vai trò vô cùng quan trọng, thể hiện bộ mặt của quốc gia.

Những tấm thảm dệt thủ công của Senegal xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, như trong phòng hội nghị lớn tại trụ sở LHQ ở New York hay trụ sở của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Thủ đô Washington D.C của Mỹ. Trong chuyến thăm chính thức tới Senegal vào cuối năm 2022, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cũng được chính phủ quốc gia châu Phi nói trên tặng món quà ngoại giao là một tấm thảm dệt thủ công.

Tại nhà xưởng của Aissa Dione ở Dakar, hàng trăm thợ dệt làm việc đằng sau khung dệt thủ công. Nhờ sự hài hòa về mầu sắc và vẻ đẹp của kiểu dệt truyền thống, sản phẩm trang trí nội thất bằng vải dệt của Aissa Dione từng dùng để trang trí ngôi nhà mà nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Yves Saint Laurent (YSL), trụ sở Tổ chức Barnes ở Philadelphia (Mỹ), du thuyền của một số tỷ phú nổi tiếng… Những tấm thảm dệt thủ công này còn xuất hiện trong các cửa hàng thời trang sang trọng ở Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản) hay Zurich (Thụy Sĩ), tại các hãng thời trang Hermès, Fendi hay Rose Tarlow…

Theo Le Monde, kể từ năm 1966, Tổng thống Senegal khi đó là Léopold Sédar Senghor đã khánh thành Nhà máy thảm thêu quốc gia, sau này trở thành MSAD. Ông Senghor nhấn mạnh về nhu cầu “tìm một phong cách dân tộc và kỹ thuật hiện đại phù hợp với thời đại” như một cách để ghi nhớ rằng “nguồn gốc của thảm dệt là ở châu Phi từ 3.000 năm trước Công nguyên”. Trước đây, mỗi gia đình trung lưu Senegal đều có khung cửi, cứ vài tháng họ lại thuê thợ về nhà dệt những vật dụng cần thiết cho cuộc sống của gia đình. Dù vậy, thời đại công nghiệp hóa đã khiến ngành nghề thủ công này dần mai một, đặc biệt khi những tấm vải dệt công nghiệp có giá thành rẻ hơn nhiều ra đời.

Trước tình hình đó, năm 1992, bà Aissa Dione - nhà thiết kế dệt may nổi tiếng của Senegal đã thành lập công ty dệt cùng tên với mục đích “không để đất nước đánh mất bí quyết dệt của tổ tiên và phát triển ngành dệt may cao cấp”. Đây là điều đã thôi thúc bà nghĩ đến loại vải làm bằng sợi bông được trồng tại chính Senegal. Ngoài bà Dione, nhiều nghệ nhân dệt thủ công khác ở Dakar hoặc Saint Louis - thành phố lịch sử ở phía bắc đất nước, cũng đang nỗ lực duy trì và phát huy ngành nghề truyền thống này trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hóa.

Dù vậy, việc lưu giữ ngành dệt vải thủ công tại Senegal không hề đơn giản. Nguyên liệu thô để dệt vải đang thiếu thốn nghiêm trọng. Bởi, phần lớn bông trồng tại nước này hiện được xuất khẩu dưới dạng sợi sang Trung Quốc. Không chỉ vậy, tại Senegal không hề có trường, lớp và các khóa đào tạo dệt thủ công chính thức. Hầu hết việc dạy nghề được truyền từ đời trước sang đời sau.

Ông Hassan Diop, một nghệ nhân dệt vải ở Saint Louis cho biết: “Ở thành phố này, vào năm 1990, chúng tôi có 150 thợ dệt. Hiện nay, chỉ còn tôi và con trai. Tôi đã 57 tuổi và tôi sẽ không còn dệt được lâu nữa”. Con trai của ông Diop là Wallis (23 tuổi) đang học lại nghề từ cha mình. Ông Diop tiết lộ, ông cố gắng truyền nghề này vì biết rằng đó là một “kho báu” của Senegal. Ông hy vọng giới chức nước này sẽ có những chính sách nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của nghề này trong tương lai.