Theo Reuters, hiện nay, phần lớn các trang trại tại ba quốc gia sản xuất ca-cao chính ở châu Phi là Bờ Biển Ngà, Ghana và Cameroon, vẫn áp dụng hình thức độc canh cây ca-cao. Điều này dẫn đến việc mỗi khi nhu cầu tiêu thụ ca-cao tăng, chủ trang trại phải lấn thêm đất rừng hoặc chặt phá rừng cộng đồng để trồng cây. Tuy nhiên, một số nông dân ca-cao ở miền trung Cameroon đã thực hành canh tác theo hướng nông-lâm kết hợp.
Anh Thierry Abagno Daheu, 38 tuổi, thành viên của Hiệp hội hợp tác xã các nhà sản xuất ca-cao Tonga, đã xen canh trong trang trại ca-cao rộng 1,5ha của anh thêm các loại cây ăn trái như xoài, quýt, ổi, cam, bơ cùng một số cây bản địa lấy gỗ và tạo bóng mát... Thierry giải thích: “Phương pháp này giúp tôi có thể đa dạng hóa thu nhập. Nhờ những cây cao che bóng và tạo tầng tán, bảo vệ những cây tầng thấp không bị nắng gắt, đất đai cũng màu mỡ và cây ca-cao ít bị sâu bệnh hơn”. Việc áp dụng mô hình canh tác xen canh, nông lâm kết hợp giúp anh thu hoạch khoảng bốn tấn ca-cao mỗi mùa, chưa kể các loại hoa quả khác.
Vào tháng 4/2022, Trung tâm Nghiên cứu nông-lâm quốc tế (ICRAF) với sự hỗ trợ của nhà sản xuất ca-cao Cargill đã khởi động dự án nhằm khuyến khích nông dân ở Cameroon trồng các loại cây ăn quả có giá trị khác trong những trang trại ca-cao hiện có của họ, thay vì mở rộng sang các khu vực rừng cộng đồng. Sáng kiến nông-lâm kết hợp là một thành phần trong chiến lược lớn hơn nhằm cải thiện năng suất và thực hành trồng ca-cao bền vững, tăng thu nhập từ các khoản tín dụng carbon nhờ bảo vệ rừng.
Việc trồng cây ăn quả bên cạnh cây ca-cao và cây tán rộng đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh là ổn định đối với hệ sinh thái, đồng thời tăng thu nhập hơn biện pháp độc canh trước đây. Những người tham gia mô hình nông-lâm kết hợp có thêm thu nhập bổ sung nhờ bán các trái cây theo mùa. Nguồn sinh kế này sẽ giúp họ chung tay bảo vệ diện tích rừng cộng đồng, hoặc chí ít giảm việc chặt phá rừng để mở rộng các đồn điền ca-cao.
Nhà nghiên cứu Divine Foundjem Tita của ICRAF, đơn vị tư vấn trong dự án nông-lâm tại Cameroon cho biết: “Toàn bộ ý tưởng thúc đẩy nông lâm kết hợp chung quanh các khu vực có rừng cộng đồng là nhằm tăng sản lượng ca-cao, tăng thu nhập để người trồng ca-cao không còn lấn chiếm rừng cộng đồng nữa. Chúng tôi cung cấp cho người dân cây giống và giúp họ ươm giống, chuyển giao và trồng cây ăn quả”.
Làm việc cùng nông dân, các kỹ thuật viên của ICRAF đã tổ chức những buổi họp nhóm, qua đó giới thiệu về tầm quan trọng của việc bảo tồn rừng. Các chuyên gia ICRAF cũng đang giúp nông dân phát triển vườn ươm để mỗi thành viên của hợp tác xã có thể tiếp tục trồng cây ăn quả sau khi dự án kết thúc vào năm 2024.
Theo bà Tita: “Cách tiếp cận chủ động này đã giúp hạn chế nạn phá rừng, vốn là mối quan tâm lớn trong khu vực. Bằng cách trồng cây ăn quả, người trồng ca-cao không chỉ bảo đảm tính bền vững của trang trại ca-cao mà còn góp phần bảo tồn hệ sinh thái địa phương”. Do vậy, sáng kiến nông-lâm kết hợp ở Cameroon đã được nhân rộng và thêm nhiều cách triển khai sáng tạo.
Ông Philippe Belinga Edjina, thành viên Hợp tác xã MbangaSud ở Mbangassina, đã sáng tạo bằng cách trồng cây dược liệu trong vườn ca-cao rộng 1,25ha. Philippe cũng đang nộp hồ sơ chứng nhận thực hành “nông nghiệp hữu cơ” tại vườn, nhờ vậy cả ca-cao và cây dược liệu đều có giá trị cao hơn. Bằng cách đa dạng hóa cây trồng, sáng kiến đã tạo những tác động xã hội tích cực, người nông dân có thêm nguồn thu nhập bổ sung, cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương và tăng nguồn lực bảo vệ sinh thái trong khu vực.