Họa sĩ Phan Hải Bằng:

Sẵn sàng cho những cuộc phiêu lưu của sáng tạo

10 năm kể từ khi bắt đầu với dự án nghệ thuật Trúc chỉ, họa sĩ Phan Hải Bằng và cộng sự đã đưa nghệ thuật với giấy này trở nên phổ biến trong đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam: Có nhiều nghệ sĩ trẻ hơn đồng hành sáng tạo, tham dự những sự kiện, cuộc thi nghệ thuật lớn ở trong và ngoài nước; đóng góp vào sự đa dạng của các hình thức ứng dụng nghệ thuật trong đời sống đương đại. Anh trò chuyện cùng chúng tôi về Trúc chỉ và Ngẫu liên, những biểu trưng nghệ thuật gắn liền với tên tuổi của anh.
0:00 / 0:00
0:00
Sẵn sàng cho những cuộc phiêu lưu của sáng tạo

Trúc chỉ và các "giá trị cộng thêm"

- Trong phát biểu khai mạc triển lãm cá nhân gần đây, anh có nói đưa nghệ thuật Trúc chỉ quay trở về với khả năng thứ nhất trong ba khả năng của giấy. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về ba khả năng này?

- Khả năng đầu tiên của giấy là làm nền cho các thao tác sáng tạo, như in, viết, vẽ… lên trên nó. Lúc này, các tính chất vốn có của giấy: dai, mềm, thấm hút, loang mầu… được khai thác và sử dụng một cách phù hợp. Đây là khả năng cơ bản nhất của giấy: giấy-nền.

Khả năng thứ hai là giấy như một tác phẩm tự thân. Khả năng này là điểm đặc trưng của nghệ thuật Trúc chỉ, khi họa sĩ dùng hệ thống kỹ thuật Đồ họa Trúc chỉ (Trucchigraphy) cùng với sự phong phú của các loại xơ sợi khác nhau để tạo nên hệ thống sắc độ, biểu hiện xơ sợi, tương tác tốt với các điều kiện thuận-nghịch của ánh sáng. Lúc này, giấy thoát khỏi thân phận làm nền để trở thành những tác phẩm giấy tự thân như công chúng đã được thưởng lãm trong vòng 10 năm trở lại đây, qua những triển lãm của tôi và các cộng sự trong dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam.

Khả năng thứ ba là đối thoại, một khả năng rất đặc biệt của Trúc chỉ. Khi các tín hiệu tạo hình được tạo tác trên Trúc chỉ trước, đối ứng và đối thoại với các tín hiệu in, viết, vẽ tiếp lên trên đó, tạo nên sự độc đáo của tác phẩm. Lúc này, tấm Trúc chỉ không còn là giấy-nền đơn thuần mà đã mang sẵn thông điệp nghệ thuật trên đó, rồi cộng hưởng với phần in, vẽ, viết… duy nhất tương ứng với nó để trở thành tác phẩm nghệ thuật.

- Hai khả năng sau của Trúc chỉ đúng là thật đặc biệt. Nhưng, vì sao anh không tiếp tục thể nghiệm với chúng, mà lại muốn quay về với khả năng thứ nhất: giấy-nền, trong triển lãm cá nhân mới nhất vừa qua?

- Tôi muốn bắt đầu lại với khả năng thứ nhất của giấy và giấy dướng là một lựa chọn (loại giấy này được làm từ vỏ cây dướng, loại cây khá phổ biến để làm giấy, chỉ sau cây dó). Việc quay trở lại với khả năng cơ bản nhất của giấy với 22 tác phẩm được vẽ bằng mầu nước, mực, marker… trên nền giấy này là khởi đầu trở lại cho việc xác quyết các khả năng của giấy trúc chỉ mà chúng tôi đã đề cập, với ý thức tạo thêm một hệ giấy thủ công mới của người Việt.

- Sau 10 năm, nghệ thuật Trúc chỉ đã có những tiếp nối đáng chú ý nào so với điểm khởi đầu, thưa anh?

- "New light-New sight-New life" (ánh sáng mới, góc nhìn mới, sự sống/cuộc đời mới) là kim chỉ nam sáng tác của tôi trước khi dự án Trúc chỉ ra đời với nhiều chất liệu khác nhau. Tuy nhiên với Trúc chỉ, không chỉ có ba thứ mới đó mà còn có thêm một biến thể: "phép cộng và sự trở về".

Đến bây giờ thì lại là giai đoạn của sự "tiếp biến văn hóa" khi những giá trị của Trúc chỉ sẽ góp phần cộng thêm cho nghệ thuật đồ họa sáng tác, mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng một giá trị mới, kiểu trước đây chúng ta đã có giấy dó thì giờ có thêm loại giấy mới: giấy trúc chỉ; bên cạnh những mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống khác, giờ lại có thêm Nghệ thuật Trúc chỉ.

Cũng có thể hiểu rằng trước đây, "icon" trong sáng tác mỹ thuật của tôi - Phan Hải Bằng chỉ là Ngẫu liên với đồ họa, hội họa, nghệ thuật đa phương tiện thì nay, có thêm Ngẫu liên với Trúc chỉ...

Sẵn sàng cho những cuộc phiêu lưu của sáng tạo ảnh 1
Khách tham quan triển lãm Ngẫu Liên, tháng 11/2022. Ảnh: NVCC

Hoa sen - biểu tượng có tính chất tạo hình đặc biệt

- Nhân đây, anh có thể kiến giải vì sao lại gọi là "Ngẫu Liên" trong xuyên suốt trong những sáng tác của mình bao nhiêu năm qua?

- Liên tức là hoa sen. Với cá nhân tôi, loài hoa này mang một ý nghĩa đặc biệt; một biểu tượng của sự vô nhiễm, thanh khiết và viên mãn. Đồng thời, nó cũng tượng trưng cho sự thăng hoa trí tuệ. Hoa sen có mặt trong hầu hết các lĩnh vực từ văn học nghệ thuật cho đến kiến trúc hội họa, và đặc biệt là tôn giáo... Với hiểu biết của tôi, ngoài những ngữ nghĩa biểu tượng trên, hoa sen còn mang nhiều ngữ nghĩa khác, gần gũi với đời sống hằng ngày hơn, như: tự sinh tự diệt; sự sinh sôi; tượng trưng cho mẫu gốc khởi thủy của sự sống...

Đặc biệt tôi chú trọng đến hình ảnh đài sen chứa những hạt sen, như là biểu tượng của sự sinh sôi với tính chất tạo hình đặc biệt của nó. Một đôi khi, đài sen khô với những lỗ rỗng như những hốc mắt đen ngòm, còn tượng trưng cho sự chết chóc.

- Trước triển lãm này, anh vừa có một chuyến vòng quanh Tây Bắc để lần nữa nghiên cứu về giấy và các làng nghề, hai sự kiện này có liên quan đến nhau?

- Bản chất của Ngẫu Liên là sự đồng nhất giữa hai mặt sống-chết của đời sống, thông qua hình ảnh của sen và tính nữ. Câu chuyện của chuyến đi Tây Bắc qua các làng nghề làm giấy cũng mang đầy đủ bản chất của nghề làm giấy đồng thời cũng giúp tôi thâu nhận rõ ràng hơn sự đồng nhất của hai mặt sống-chết giữa đời này. Cái chết và sự hóa thân của vỏ cây, nguyên liệu, thông qua các quy trình kỹ thuật, xử lý... trở thành một giá trị khác, thành một sự sống khác và sẵn sàng cho những cuộc phiêu lưu của sáng tạo và giá trị mới trong đời sống loài người.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Họa sĩ Phan Hải Bằng sinh năm 1971 tại Quảng Bình. Anh hiện là giảng viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế. Anh là người sáng lập Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam từ 2012.

Tháng 11 vừa qua, họa sĩ giới thiệu triển lãm cá nhân lần thứ năm, vẫn tiêu đề Ngẫu Liên, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế.