NSƯT Tạ Tuấn Minh:

Sân khấu Việt cần bắt kịp xu hướng sân khấu thế giới

"Ẵm" Giải vàng hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất trong Liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ IV cho vở diễn Người tốt nhà số 5, năm ngoái, còn những ngày này, Tạ Tuấn Minh (ảnh nhỏ) lại làm hài lòng khán giả yêu nghệ thuật sân khấu qua vai Thái sư Trần Thủ Độ, trong vở diễn Thiên mệnh của Nhà hát kịch Việt Nam vừa ra mắt. Là một trong những gương mặt sáng của sân khấu hiện đại, Tạ Tuấn Minh giàu đam mê và luôn nặng lòng với nghề.

Tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021, vở diễn Thiên mệnh đã được trao Huy chương vàng; vai diễn Trần Thủ Độ mang về HCV cá nhân cho NSƯT Tạ Tuấn Minh.
Tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021, vở diễn Thiên mệnh đã được trao Huy chương vàng; vai diễn Trần Thủ Độ mang về HCV cá nhân cho NSƯT Tạ Tuấn Minh.

Cái Tình này quý và hiếm lắm

- Thưa nghệ sĩ, cảm giác của anh ra sao khi được trở lại dưới ánh đèn sân khấu, trong sự chào đón của khán giả sau một thời gian dài phải im ắng vì dịch bệnh?

- Thật tuyệt, tôi thấy mình giống như người bộ hành đang khát khô trên sa mạc gặp được hồ nước trong xanh vậy.

- Đến vai diễn Trần Thủ Độ có thể nhận định, Tạ Tuấn Minh là gương mặt đặc biệt của sân khấu hiện đại, "chuyên trị" những vai diễn "nặng ký" với những mâu thuẫn nội tâm giằng xé (như Nguyễn Huệ, Từ Hải, Hamlet trước đó). Những nhân vật như vậy đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, bàn luận, đòi hỏi người nhập vai phải đọc rất kỹ và hiểu thấu đáo văn học sử. Xin hỏi, anh có phải là người mê đọc không và với anh việc đọc có vai trò như thế nào với người diễn viên sân khấu?

- Tôi thích đọc sách văn học, thi ca và đặc biệt là văn học sử. Bộ sách gối đầu của tôi về văn học sử là Đại Việt sử ký toàn thư. Nó cho tôi một nền tảng kiến thức vững chắc về những sự kiện trong chính sử, những lời bàn của tác giả và những nhân vật quan trọng trong thời điểm lịch sử đó.

Văn học sử nói riêng và văn hóa đọc nói chung giúp cho nghề nghiệp và công việc của chúng tôi rất nhiều. Bởi kịch cũng là một thể loại văn học, là nghệ thuật của ngôn từ được thể hiện bằng ngôn ngữ đối thoại. Ngoài công việc làm diễn viên, tôi còn làm đạo diễn. Những cuốn sách văn học, triết học, mỹ học, thi ca... giúp tôi có nhiều kinh nghiệm sống, sự trải nghiệm, nỗi đau, niềm hạnh phúc, những góc nhìn mới khi thể hiện hình tượng nhân vật và nâng tầm tư tưởng vở diễn. Mỗi cuốn sách là một thế giới và chúng ta có cả thế giới ngay trong ngôi nhà của mình.

- Trong vở diễn, tác giả và đạo diễn đã chọn đứng hẳn về khía cạnh ca ngợi tài thao lược, mưu trí, công minh của Trần Thủ Độ, một tấm gương về tinh thần trị quốc, giữ gìn kỷ cương phép nước. Với riêng anh, điều làm anh hài lòng nhất ở vai diễn này là gì?

- Câu chuyện về Thái sư Trần Thủ Độ cách chúng ta hơn 800 năm nhưng đặt vào bất kỳ một "thời đại" nào cũng đúng bởi nó có tính dự báo rất cao. Sự nghiêm minh, tính kỷ cương phép nước, đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết... luôn là những yêu cầu tiên quyết đối với vận mệnh của bất cứ quốc gia, của bất cứ một dân tộc nào trên thế giới chứ không chỉ riêng đất nước ta.

Điều tôi cảm thấy hài lòng nhất khi thể hiện hình tượng Thái sư Trần Thủ Độ là được sống trong một góc khác của con người ông mà nhiều người chưa nghĩ đến hoặc lịch sử chưa nhắc đến. Lịch sử chỉ nhìn và phán xét ông như một kẻ tàn bạo và thao túng quyền lực qua những hành động ông làm. Tôi chỉ nhắc đến góc "con người" nhất của Thái sư Trần Thủ Độ. Cả cuộc đời của ông hy sinh bản thân, hy sinh tình riêng cho non sông, cho xã tắc bất chấp lịch sử lên án và miệng lưỡi thế gian. Một người đàn ông mà cả cuộc đời chỉ có duy nhất một người phụ nữ là bà Trần Thị Dung. Cái Tình này quý và hiếm lắm.

Những băn khoăn nghề

- Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà mọi lĩnh vực, ngành nghề, kể cả văn học - nghệ thuật phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. Với đặc thù tương tác trực tiếp, sân khấu dường như gặp nhiều khó khăn hơn khi áp dụng công nghệ mới. Theo anh đây có phải là một cản trở khiến sân khấu sẽ mất dần khán giả của mình, đặc biệt là khán giả trẻ?

Sân khấu Việt cần bắt kịp xu hướng sân khấu thế giới -0
NSƯT Tạ Tuấn Minh

- Xu hướng của sân khấu thế giới đã thay đổi để thích nghi với tình hình mới, sân khấu của chúng ta cũng phải thay đổi là hợp lẽ tự nhiên. Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nghệ sĩ chúng tôi được biểu diễn phục vụ khán giả dù chỉ là trên YouTube hay những phương tiện truyền thông online đã là hạnh phúc rồi. Tất nhiên, đặc thù tiếp nhận và tương tác trực tiếp với khán giả để tạo ra những xúc cảm thẩm mỹ chân thật của sân khấu sẽ giảm hiệu quả rất nhiều. Nhưng trong thời điểm khó khăn này, diễn online theo tôi cũng là một phương thức tiếp cận và quảng bá nghệ thuật sân khấu đến với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Để họ biết nhiều hơn về sân khấu và tìm đến các nhà hát sau khi hết giãn cách thỏa mãn những gì còn thiếu khi xem online.

- Sân khấu kịch nói Việt Nam vừa kỷ niệm 100 năm ra đời. Là một nghệ sĩ đã gặt hái được không ít thành tựu nghề nghiệp, anh nhận xét gì về lực lượng nghệ sĩ sân khấu hôm nay, khi mà có một vài ý kiến cho rằng, thế hệ hôm nay khó mà vượt qua các lớp nghệ sĩ đi trước về tài năng và tâm huyết?

- Một thế kỷ hình thành và phát triển từ buổi sơ khai đến khi trở thành chuyên nghiệp, sân khấu kịch nói Việt đã có biết bao thế hệ tiếp nối nhau, mỗi thế hệ đều để lại những dấu ấn riêng biệt trên tiến trình phát triển. Trong tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam vừa qua, chúng ta đã được thưởng thức rất nhiều vở diễn của các nhà hát hàng đầu Việt Nam, được thế hệ diễn viên và đạo diễn trẻ ngày hôm nay biểu diễn và dàn dựng. Những Chén thuốc độc, Người tốt nhà số 5, Bạch đàn liễu, Ai là thủ phạm?... là những vở diễn minh chứng cho tài năng, tâm huyết và nỗ lực hết sức để bắt kịp xu hướng sân khấu thế giới của đội ngũ kế thừa trẻ trung hôm nay.

- Theo anh, điều gì được xem là thử thách lớn nhất đối với lòng yêu nghề của các nghệ sĩ sân khấu trong tình hình hiện nay?

- Vẫn là chế độ đãi ngộ. Hiện nay, để được đứng trên sân khấu thỏa mãn niềm đam mê, nhiều nghệ sĩ phải làm rất nhiều công việc khác để nuôi nghề. Những nghệ sĩ trong biên chế còn may mắn có lương, dù ít ỏi cũng đỡ đần được phần nào, nhưng với những diễn viên trẻ mới ra trường xin về các nhà hát đều không có lương tháng, không bảo hiểm, chỉ được ký hợp đồng vụ việc và hưởng mức thu nhập rất ít ỏi. Vẫn biết chúng ta đang trên lộ trình xã hội hóa sân khấu để kích thích sự năng động và phát triển nhưng tôi vẫn thấy chạnh lòng. Đây là một thử thách rất lớn đối với các diễn viên trẻ, tôi lo họ sẽ bỏ nghề, chúng ta sẽ mất đi nhiều tài năng sân khấu nếu như những người làm quản lý văn hóa không có những phương án khả thi và nếu những diễn viên trẻ không thể vượt qua được thử thách này.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.